Vững bước đi lên
– Ngày 17/10/1950, tỉnh Lạng Sơn hoàn toàn giải phóng, kết thúc một giai đoạn kháng chiến gian khổ và kiên cường của Đảng bộ, quân và dân các dân tộc Lạng Sơn trong cuộc kháng chiến trường kỳ anh dũng do Đảng ta lãnh đạo. Sau 72 năm giải phóng, Lạng Sơn đã và đang vươn mình phát triển. Trong không khí những ngày tháng 10 này, chúng ta càng tự hào khi nhìn lại chặng đường bền bỉ, vẻ vang của Đảng bộ và Nhân dân tỉnh Lạng Sơn.
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, Lạng Sơn luôn giữ vai trò hết sức quan trọng về địa thế quân sự. Trong thời kỳ thực dân Pháp xâm lược nước ta, vị trí của Lạng Sơn với con đường số 4 chạy dọc biên giới Việt – Trung luôn là điểm trọng yếu nằm trong kế hoạch chiếm đóng của thực dân Pháp.
Trung tướng Dương Công Sửu (ngồi bên trái) ôn lại truyền thống cách mạng vẻ vang của tỉnh, của đất nước với cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 123, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh
Sau thất bại Thu Đông năm 1947, thực dân Pháp thực hiện âm mưu mở rộng chiếm đóng biên giới Việt – Trung, phong toả vùng biên giới Đông Bắc, tập trung củng cố những cứ điểm mạnh trên trục đường số 4, tạo thế bao vây, cô lập, tiến đến tiêu diệt căn cứ địa Việt Bắc của ta.
Tháng 7/1950, Ban Thường vụ Trung ương Đảng quyết định thành lập Đảng ủy Mặt trận và Bộ Chỉ huy chiến dịch. Đồng chí Võ Nguyên Giáp, Ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng được chỉ định làm Bí thư Đảng ủy Mặt trận, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy chiến dịch kiêm Chính ủy.
Ngày 25/7/1950, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh uỷ, Uỷ ban kháng chiến hành chính tỉnh Lạng Sơn, với tinh thần thi đua ái quốc cùng quân dân Việt Bắc, nhiều đơn vị vũ trang, dân quân du kích Lạng Sơn được khẩn trương củng cố, sẵn sàng tham gia chiến đấu; hàng vạn thanh niên nam, nữ trong tỉnh được huy động, hưởng ứng tham gia dân công phục vụ Chiến dịch Biên giới.
Ngày 16/9/1950, Chiến dịch Biên giới bắt đầu, quân ta nổ súng tấn công đồn Đông Khê, cứ điểm tập trung quan trọng của địch trên đường số 4. Sau hai ngày đêm chiến đấu quyết liệt, quân ta giành thắng lợi hoàn toàn. Trên đà thắng lợi ở Đông Khê, các lực lượng chủ lực, có sự hỗ trợ của lực lượng vũ trang địa phương liên tiếp tiến công tiêu diệt địch trên toàn tuyến đường số 4. Từ ngày 3/10 đến ngày 8/10/1950, quân ta tiêu diệt 2 binh đoàn chủ lực của Pháp, đồng thời tiêu diệt cánh quân cứu viện của chúng từ Hà Nội lên.
Trên tuyến đường số 4 từ Đình Lập đến Thất Khê (Tràng Định), bộ đội địa phương, dân quân du kích luôn tập kích đánh tiêu diệt và tiêu hao sinh lực địch, buộc chúng phải rút toàn bộ lực lượng về co cụm ở thị xã Lạng Sơn. Các địa phương trong tỉnh lần lượt thoát khỏi ách cai trị của thực dân Pháp và tay sai, quân và dân ta tiến lên làm chủ tình hình, triển khai các hoạt động làm nhiệm vụ tiếp quản và bảo vệ vùng mới giải phóng.
Ngày 10/10/1950, địch rút khỏi thị trấn Thất Khê, huyện Tràng Định được giải phóng. Ngày 13/10/1950, địch rút khỏi Na Sầm, Đồng Đăng, hai huyện Văn Uyên, Thoát Lãng được giải phóng. Đêm 17/10/1950, địch đã rút toàn bộ khỏi thị xã Lạng Sơn, thị xã Lạng Sơn hoàn toàn được giải phóng.
Ngày 19/10/1950, quân Pháp rút khỏi địa bàn huyện Lộc Bình. Tiếp đó, chiều 30/10/1950, được tin quân ta chuẩn bị tấn công vào Đình Lập, địch vội vã thu quân rút về huyện Tiên Yên, tỉnh Hải Ninh (nay là huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh). Rạng sáng 31/10/1950, quân ta tiến vào giải phóng và tiếp quản huyện Đình Lập, chấm dứt sự chiếm đóng cuối cùng của thực dân Pháp trên địa bàn tỉnh.
Cán bộ, đoàn viên thanh niên và chiến sỹ thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tìm hiểu các tài liệu, hiện vật liên quan đến Chiến dịch biên giới 1950, tại Bảo tàng tỉnh. Ảnh: TUYẾT MAI
Sau chiến thắng của chiến dịch Biên giới năm 1950, Đảng bộ, quân và dân các dân tộc Lạng Sơn tiếp tục đóng góp sức người, sức của cùng cả nước làm nên thắng lợi Điện Biên Phủ năm 1954 “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1955-1975), phát huy truyền thống đường số 4 anh hùng, Đảng bộ, quân và dân các dân tộc Lạng Sơn quyết tâm thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng hậu phương vững mạnh, chi viện cho tiền tuyến. Lạng Sơn trở thành “Cảng nổi” kiên cường, mãi mãi đi vào lịch sử như một bản anh hùng ca, là ngọn đuốc sáng soi đường cho thế hệ trẻ tiếp bước đi lên xây dựng quê hương giàu mạnh.
Trong cuộc chiến đấu bảo vệ chủ quyền biên giới, Đảng bộ, quân và dân các dân tộc Lạng Sơn nêu cao ý chí kiên cường, đoàn kết, phục vụ chiến đấu, góp phần cùng cả nước lập nên những chiến công xuất sắc.
Bà Hoàng Thị Thọ (70 tuổi), xã Tân Mỹ, huyện Văn Lãng chia sẻ: Sinh ra trong thời kỳ quê hương đang căng mình chiến đấu nên tôi thấu hiểu những khó khăn, vất vả ngày ấy. Vì vậy, trong thời bình ngày nay, tôi luôn nhắc nhở, bảo ban các con, các cháu trân trọng nền độc lập, cố gắng lo làm ăn, có thu nhập ổn định để phát triển kinh tế gia đình, góp sức cùng thôn, xã xây dựng nông thôn mới, xây dựng quê hương ngày càng đổi mới, giàu đẹp.
Hòa nhịp vào công cuộc đổi mới của đất nước, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Lạng Sơn phát huy sức mạnh đại đoàn kết, quyết tâm đổi mới, sáng tạo, lãnh đạo Nhân dân các dân tộc trong tỉnh thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, kinh tế – xã hội của tỉnh tiếp tục bước phát triển. Kinh tế duy trì tốc độ phát triển khá cao trong nhiều năm liên tục, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân hằng năm giai đoạn 2016 – 2020 đạt 7,8%. GRDP bình quân đầu người năm 2020 đạt 48,5 triệu đồng (gấp 1,6 lần so với năm 2015); năm 2021, tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt 6,67%; GRDP bình quân đầu người đạt 46,9 triệu đồng. Trong 6 tháng đầu năm 2022, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 6,51% so với cùng kỳ; lĩnh vực nông, lâm nghiệp và xây dựng nông thôn mới có bước chuyển biến tích cực; tư duy sản xuất bước đầu đã có sự thay đổi theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị sản phẩm.
Tình hình chính trị luôn ổn định; khối đại đoàn kết các dân tộc không ngừng được phát huy; đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân không ngừng được cải thiện, nâng cao. Công tác xây dựng Đảng được chú trọng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả điều hành của chính quyền các cấp; tăng cường công tác đấu tranh chống “âm mưu hoạt động” của các thế lực thù địch trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa; củng cố vững chắc niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, vào thắng lợi của công cuộc đổi mới đất nước; đoàn kết, nỗ lực vượt qua khó khăn thử thách, xây dựng Lạng Sơn đổi mới và phát triển. Quốc phòng – an ninh được củng cố vững chắc, trật tự an toàn xã hội, chủ quyền biên giới được giữ vững, bảo vệ vững chắc biên cương của Tổ quốc.
Thành phố Lạng Sơn là trung tâm chính trị, văn hoá, xã hội của tỉnh. Năm nay, trong không khí đón mừng 72 năm giải phóng Lạng Sơn thì thành phố cũng tròn 20 năm tuổi. Trong những ngày tháng 10 vừa qua, chuỗi các sự kiện chào mừng 72 năm giải phóng Lạng Sơn, giải phóng các địa phương trong tỉnh, nhất là 20 năm ngày thành lập thành phố đã diễn ra tưng bừng, tạo khí thế thi đua sôi nổi trong cán bộ, đảng viên, quần chúng, các tầng lớp Nhân dân trong tỉnh.
Đồng chí Nguyễn Công Trưởng, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Bí thư Thành uỷ Lạng Sơn cho biết: Sau 20 năm xây dựng và phát triển, thành phố Lạng Sơn đã có những bước phát triển vượt bậc về mọi mặt, tạo thế và lực mới để phát triển nhanh, bền vững trong những năm tiếp theo. Trong dòng chảy 72 năm giải phóng Lạng Sơn thì hoạt động kỷ niệm 20 năm Ngày thành lập thành phố Lạng Sơn là sự kiện có ý nghĩa hết sức quan trọng, đánh dấu bước phát triển lớn mạnh trong sự nghiệp xây dựng và phát triển thành phố Lạng Sơn, là dịp để toàn Đảng bộ và Nhân dân thành phố khẳng định và tôn vinh những thành tựu đã đạt được trong 20 năm xây dựng và phát triển, qua đó, khơi dậy niềm tự hào và củng cố niềm tin cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân vào sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, xây dựng thành phố Lạng Sơn ngày càng văn minh, giàu đẹp. Đồng thời, đây cũng là dịp để quảng bá và giới thiệu những thành tựu, tiềm năng, thế mạnh, triển vọng và hình ảnh, văn hóa, con người thành phố Lạng Sơn; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, tổ chức trong và ngoài tỉnh có cơ hội gặp gỡ, trao đổi, liên kết, xúc tiến đầu tư, tạo nguồn lực cho phát triển kinh tế – xã hội, du lịch của thành phố.
Đồng chí Phùng Quang Hội, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ khẳng định: Kỷ niệm 72 năm Ngày giải phóng Lạng Sơn (17/10/1950 – 17/10/2022) là dịp để chúng ta tôn vinh và tri ân các anh hùng, liệt sĩ những người đã anh dũng hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ quê hương, đất nước. Kế tục và phát huy truyền thống cao quý của các thế hệ cha anh đi trước, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn, toàn thể cán bộ, đảng viên, Nhân dân, chiến sĩ lực lượng vũ trang trong tỉnh luôn đoàn kết một lòng, phát huy dân chủ, năng động, sáng tạo tích cực hưởng ứng phong trào thi đua yêu nước gắn với thực hiện Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bô Chính trị “ Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng… Phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức các mục tiêu, nhiệm vụ trong năm 2022 và những năm tiếp theo; góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đã đề ra.
72 năm một chặng đường vẻ vang với những mốc son chói lọi đã ngày càng tô thắm thêm truyền thống đoàn kết, anh dũng chiến đấu của lớp lớp cha anh đã ngã xuống để bảo vệ vùng đất biên cương. Những trang sử hào hùng ấy đã tiếp thêm động lực, khơi dậy lòng tự hào dân tộc để thế hệ hôm nay tiếp bước đóng góp công sức cùng xây dựng quê hương Lạng Sơn ngày càng phát triển giàu mạnh, đổi mới, văn minh.
XUÂN HƯƠNG - THANH HUYỀN
Ý kiến ()