Vũng Áng - Sơn Dương Cuộc hành trình vươn ra biển lớn
Từ làng chài nhỏ bé, hiện nay cảng Vũng Áng - Sơn Dương (Hà Tĩnh) đã có tên trên bản đồ hàng hải quốc tế cùng với một khu kinh tế (KKT) năng động và hấp dẫn. Đây sẽ là nơi để cả khu vực, trong đó nước bạn Lào, đông bắc Thái-lan vươn ra biển lớn.Vịnh Vũng Áng - Sơn Dương, xã Kỳ Lợi, huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) bao đời nay chỉ với thuyền con, nôốc thúng chợt ầm ào tiếng tàu, tiếng máy làm cầu cảng. Sau 26 tháng thi công, ngày 7-2-2001, cầu tàu số 1, dài 185 m được khánh thành trước sự chứng kiến của đại diện lãnh đạo cấp cao Chính phủ hai nước Việt Nam - Lào. Mừng có cảng nước sâu nhất khu vực, nhưng lại không ít nỗi lo. Đó là công tác quản lý, khai thác cảng và thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, làm bối rối lãnh đạo tỉnh lâu nay chỉ quen chỉ đạo 'nhất nước, nhì phân...'. Tỉnh Hà Tĩnh đã tự tin xin đảm nhận công việc khai thác, quản lý cảng. Vốn chỉ quen tàu thuyền, sông nước, Công ty vận tải...
Vịnh Vũng Áng – Sơn Dương, xã Kỳ Lợi, huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) bao đời nay chỉ với thuyền con, nôốc thúng chợt ầm ào tiếng tàu, tiếng máy làm cầu cảng. Sau 26 tháng thi công, ngày 7-2-2001, cầu tàu số 1, dài 185 m được khánh thành trước sự chứng kiến của đại diện lãnh đạo cấp cao Chính phủ hai nước Việt Nam – Lào. Mừng có cảng nước sâu nhất khu vực, nhưng lại không ít nỗi lo. Đó là công tác quản lý, khai thác cảng và thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, làm bối rối lãnh đạo tỉnh lâu nay chỉ quen chỉ đạo 'nhất nước, nhì phân…'. Tỉnh Hà Tĩnh đã tự tin xin đảm nhận công việc khai thác, quản lý cảng. Vốn chỉ quen tàu thuyền, sông nước, Công ty vận tải biển (VTB) Hà Tĩnh (sau này là Cảng Hà Tĩnh) đảm nhiệm công việc bốc xếp tại cảng, đồng thời điều cán bộ cốt cán sang thành lập Cảng vụ Hà Tĩnh. Vạn sự khởi đầu nan, anh em 'cơm đùm gạo bới' ra cảng Hải Phòng học cách cẩu hàng, điều độ, kiểm đếm… Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Nhật, lúc đó đang là Giám đốc Công ty VTB Hà Tĩnh băn khoăn trăn trở: Có cảng nước sâu, làm sao vời tàu vào? Bằng nhiều mối quan hệ ngày 21-5-2001, Vũng Áng đã đón tàu ReedBuck, quốc tịch Xin-ga-po, tải trọng 15.000 tấn cập bến 'mở hàng' trong sự hân hoan vui mừng của cán bộ ba tỉnh Nghệ – Tĩnh – Bình và hàng nghìn người dân. Đây là tàu 'khủng' nhất từ trước đến nay cập cảng phía bắc mà không cần tăng bo. Để đưa tàu này vào mở hàng, Cảng phải thuê tàu lai dắt từ Đà Nẵng ra; mướn gầu múc hàng của Cảng Hải Phòng. Ngày đầu bốc hàng, do chưa có kinh nghiệm, nên các loại gầu múc thuê về đều quá tải cẩu tàu, công nhân phải bỏ máy làm thủ công. Lần đó, Công ty VTB Hà Tĩnh phải bù lỗ một khoản tiền không nhỏ. Có cảng mới, nhưng thi thoảng mới có tàu lớn vào, lấy đâu ra công nhân để giải phóng tàu cho nhanh. Cái khó ló cái khôn, tuy tay ngang sang lĩnh vực bốc xếp, nhưng Cảng Hà Tĩnh đã có sáng kiến, tuyển thanh niên ở các xã Kỳ Lợi, Kỳ Thịnh… làm công nhân bốc xếp 'vệ tinh'. Giám đốc Cảng Hà Tĩnh Dương Thế Cường cho biết: Hàng trăm lượt thanh niên ở các xã chung quanh cảng, được đào tạo kỹ thuật bốc xếp, an toàn lao động, cấp phát bảo hộ… khi có tàu vào trở thành 'công nhân' bốc xếp. Các đội bốc xếp làm việc với tinh thần 'một cửa, không dấu'. Nghĩa là, tàu vào cảng, lực lượng sẵn sàng, xong thủ tục là mở máng bốc hàng ngay. Nhờ có nguồn nhân lực vệ tinh này, nên năng suất bốc xếp của Cảng Vũng Áng cao gấp 1,5 đến 2 lần so với các cảng trong khu vực. Giám đốc Cảng vụ Hà Tĩnh Vương Bình Minh cho biết: Vũng Áng dần có thương hiệu vì không chỉ có thời gian giải phóng tàu nhanh mà còn đơn giản hóa thủ tục, không sách nhiễu… Ban đầu, đội liên ngành xuống tàu làm thủ tục mất hàng tiếng đồng hồ; sau đó thủ tục được tiến hành ngay tại văn phòng Cảng vụ, và chỉ trong vòng 20-30 phút. Điều đặc biệt, lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh qua các thời kỳ đều rất quan tâm đến Vũng Áng. Đường dây nóng giữa cán bộ chủ chốt của tỉnh với Cảng Vũng Áng và Cục Hàng hải được thiết lập, từ đó đã góp phần giải quyết nhanh các tồn tại như sách nhiễu chủ tàu, chủ hàng và doanh nghiệp…
Mười năm hoạt động, đối với cảng nước sâu Vũng Áng không chỉ hàng hóa thông qua cảng, với nhiều năm liền vượt từ 2 đến 2,5 lần công suất thiết kế (hơn 1 triệu tấn/năm) mà còn ở chỗ đầu tư, nâng cấp bến số 1 (làm thêm hai hố neo) để được phép đón tàu 45.000 tấn ra vào làm hàng cả ngày lẫn đêm. Sắp tới, Vũng Áng sẽ tiếp tục nhận nhiều thiết bị siêu trường, siêu trọng lớn hơn nữa của siêu dự án Formosa.
Bến số 2 chính thức đi vào hoạt động tháng 6-2010, nâng công suất bến 1 và 2 Cảng Vũng Áng lên 1,32 triệu tấn/năm, đáp ứng kịp thời nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa, đồng thời phục vụ các dự án trọng điểm quốc gia đang triển khai tại Hà Tĩnh. Hai bến này đã được Cục Hàng hải giao cho Cảng Hà Tĩnh (Tổng Công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh) quản lý và khai thác. Tuy nhiên, khó khăn thách thức đối với Cảng Vũng Áng lúc này là thiếu cần cẩu chân đế, bãi công-ten-nơ và dịch vụ hậu cầu kèm theo để chuẩn bị tiếp nhận thiết bị của siêu dự án đang đầu tư tại KKT Vũng Áng và khu vực.
Đến nay, Cảng Vũng Áng đã nhanh chóng có tên trên bản đồ hàng hải thế giới có độ sâu tự nhiên tốt nhất Việt Nam, được che chắn bởi dãy núi và đê chắn sóng vươn dài ra biển. Quan trọng hơn, Cảng Vũng Áng có một vị trí rất thuận lợi trong mạng lưới giao thông đường bộ với nước bạn Lào, vùng đông bắc Thái-lan qua cửa khẩu quốc tế Cầu Treo và Cha Lo bằng tuyến QL8A và QL12. Cảng Vũng Áng rất gần các tuyến đường hàng hải chính từ Bắc Á đi Nam Á hay từ Thái Bình Dương qua Ấn Độ Dương.
Trên lợi thế phát triển Cảng Vũng Áng, Thủ tướng Chính phủ ký hai quyết định quan trọng khác. Đó là Quyết định phê duyệt Quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, trong đó xác định: 'Sơn Dương – Vũng Áng là cụm cảng chuyên dùng và tổng hợp quốc gia, đầu mối khu vực (loại I). Sơn Dương là khu bến chuyên dùng cho tàu 20 – 30 vạn DWT, có bến tổng hợp cho tàu 3-5 vạn DWT phục vụ liên hợp luyện kim, lọc hóa dầu và công nghiệp nặng khác. Vũng Áng là khu bến tổng hợp cho tàu 3 – 5 vạn DWT, có bến chuyên dùng phục vụ nhập than cho nhiệt điện và sản phẩm lỏng cho tổng kho xăng dầu…'. Và trước đó, Quyết định thành lập Khu kinh tế Vũng Áng có tầm cỡ quốc gia và quốc tế với tổng diện tích 22.781 ha ở chín xã nằm phía nam huyện Kỳ Anh. Mặc dù đang phải tiết giảm chi tiêu, thắt chặt tiền tệ nhưng nhờ hiệu ứng từ Vũng Áng mà Chính phủ vẫn cho phép đầu tư nhiều tuyến đường giao thông huyết mạch kéo dài vào tận Vũng Áng, như: nâng cấp quốc lộ đoạn nam cầu Bến Thủy – Vũng Áng, Đường ven biển Nghệ An – Vũng Áng… và khai thác mỏ sắt Thạch Khê.
Dù ra đời trong hoàn cảnh khó khăn nhưng nhờ điểm nhấn cảng nước sâu nên Vũng Áng đã trở thành KKT năng động. Sau hơn bốn năm chính thức đi vào hoạt động, KKT Vũng Áng đã cấp giấy chứng nhận đầu tư và đăng ký kinh doanh cho 103 doanh nghiệp (trong đó 21 nhà đầu tư ngoài nước) với số vốn lên đến 12 tỷ USD. Hà Tĩnh đã huy động hơn 4.500 tỷ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ dự án đầu tư và xây dựng các khu tái định cư. Hiện nay, đã có nhiều doanh nghiệp đã đi vào hoạt động như: Tổng kho xăng dầu Vũng Áng, các nhà máy chế biến gỗ… Một số công trình dự án lớn đang tập trung đẩy nhanh tiến độ, như Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 11.200 MW dự kiến hòa lưới điện quốc gia trong quý II-2012; Nhà máy gang thép Vạn Lợi 0,5 triệu tấn/năm; Khu đô thị dịch vụ Phú Vinh; Khu du lịch hồ Tào Voi; Khu liên hợp gang thép 15 triệu tấn/năm và Cảng Sơn Dương. Một số dự án có quy mô lớn khác đang tiếp tục hoàn chỉnh hồ sơ để cấp giấy chứng nhận đầu tư, như: Nhà máy lọc hóa dầu công suất 16 triệu tấn/năm do Tập đoàn Formosa – Đài Loan (Trung Quốc) đầu tư; Nhà máy luyện thép công suất 2 triệu tấn/năm; Nhiệt điện Vũng Áng 2, công suất 1.200 MW do Nhật Bản đầu tư Nhà máy chế biến gỗ xuất khẩu Phonesack của Lào… Khi các dự án lớn đi vào hoạt động sẽ thu hút khoảng 50.000-70.000 lao động, nộp ngân sách hàng chục nghìn tỷ đồng và tạo điều kiện cho Hà Tĩnh trở thành tỉnh công nghiệp vào năm 2020. Nhiều đoàn công tác cấp cao của Chính phủ Lào, Thái-lan cùng các doanh nghiệp nước ngoài đã đến tìm hiểu cơ hội hợp tác, đầu tư.
Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Võ Kim Cự cho biết: Cùng với sự giúp đỡ của Chính phủ, các bộ, ngành T.Ư và chính sách xã hội hóa đầu tư vừa đẩy nhanh quá trình xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật: dịch vụ cảng, điện, nước, giao thông, thông tin liên lạc; dịch vụ khác, nhà ở công nhân… và giải phóng mặt bằng, Hà Tĩnh vừa phải nỗ lực hết mình để khắc phục những mặt còn non kém tại Cảng Vũng Áng và KKT Vũng Áng, đồng thời thu hút, đào tạo nhanh, kịp thời nguồn nhân lực. Hiện nay, tỉnh tiếp tục thu hút đầu tư vào KKT Vũng Áng và các khu công nghiệp khác trên địa bàn trên cơ sở lựa chọn, ưu tiên công nghệ sạch, hàm lượng chất xám cao, ngành công nghiệp phụ trợ cho sản xuất thép hoặc những ngành giải quyết được nhiều lao động. Cùng những giải pháp liên kết vùng, làm cầu nối nước bạn Lào, đông bắc Thái-lan… để phát huy cao nhất hiệu quả cụm cảng Vũng Áng – Sơn Dương và KKT Vũng Áng, phấn đấu xây dựng Kỳ Anh thành một thành phố cảng, công nghiệp và dịch vụ hiện đại.
Theo Nhandan
Ý kiến ()