Vùng 4 hải quân - Điểm tựa cho ngư dân
- Với phương châm hỗ trợ, giúp đỡ ngư dân như chính người thân của mình, thời gian qua, cán bộ, chiến sĩ Vùng 4 Hải quân luôn sát cánh cùng bà con ngư dân từ đất liền đến các vùng biển xa. Những người lính Hải quân đã và đang trở thành điểm tựa vững chắc cho ngư dân vươn khơi, bám biển, khai thác, đánh bắt hải sản, phát triển kinh tế.
Thực hiện chương trình Hải quân Việt Nam làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển, chúng tôi cùng đoàn công tác của Vùng 4 Hải quân đến huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định. Hơn 6 giờ sáng, cảng cá Đề Gi, xã Cát Khánh, huyện Phù Cát đã nhộn nhịp cảnh vận chuyển, mua bán hải sản. Những khay cá đầy được ngư dân truyền tay nhau đưa từ hầm tàu lên xếp thành từng chồng trên cầu cảng rồi nhanh chóng được xe thu mua vận chuyển đi tiêu thụ.
Khác với mọi ngày, sau khi đưa cá lên cầu cảng bàn giao cho thương lái, bà con ngư dân trở về nhà nghỉ ngơi, chuẩn bị cho chuyến biển mới, hôm nay, ngư dân trên các tàu nán lại để nghe báo cáo viên của Vùng 4 hướng dẫn tuyên truyền và phát tờ rơi. Bám biển mưu sinh, nhiều ngư dân thậm chí còn không biết chữ. Chính vì vậy, cán bộ, chiến sĩ Vùng 4 phải chỉ rõ những khu vực được đánh bắt, không được đánh bắt hoặc các kênh thông tin liên lạc khi cần thiết khi cấp phát tài liệu tuyên truyền…
Ngư dân Hồng Anh, Thuyền trưởng tàu cá BĐ 93672 TS, xã Cát Minh, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định cho biết: “Nhận tờ rơi, được bộ đội Hải quân tuyên truyền, bà con cũng học hỏi theo cái vùng nào là mình được làm, vùng nào mình không được làm, là cái vùng của nước bạn, nghĩa là đã có ranh giới không được phép vi phạm”.
Cùng với việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho ngư dân, Vùng 4 đã phối hợp với các công ty, doanh nghiệp vùng các nhà hảo tâm thực hiện các hoạt động như: đỡ đầu con ngư dân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; tặng cờ Tổ quốc, phao cứu sinh, tủ thuốc y tế; thăm, tặng quà gia đình chính sách…
Chuẩn Đô đốc Nguyễn Anh Tuấn, Tư lệnh Vùng 4 Hải quân cho biết: “Ngoài tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho ngư dân, chúng tôi còn duy trì lực lượng thực hiện các hoạt động cứu nạn trên biển. Ở Trường Sa có một số các âu tàu, làng chài, khi bà con thiếu nước, thiếu gạo, thiếu thực phẩm, ốm đau hay tàu bè bị trục trặc, cứ ghé vào chỗ chúng tôi. Cán bộ, chiến sĩ trên quần đảo Trường Sa sẽ hỗ trợ cho bà con với tính chất miễn phí để bà con tiếp tục hoạt động dài ngày trên biển”.
Hơn 30 năm đánh bắt hải sản trên ngư trường Trường Sa, ngư dân Nguyễn Tâm ở xã Cát Minh Thuyền trưởng Tàu BĐ 93967 TS đã nhiều lần đưa tàu vào các âu tàu ở Trường Sa. Khi hết lương thực thực phẩm, lúc ốm đau hay khi tàu gặp sự cố ông Tâm luôn được bộ đội Hải quân hỗ trợ tận tình. Ngư dân Nguyễn Tâm kể: “Đi biển thì nhiều rủi ro lắm. Tôi đã vài lần vào âu tàu đảo Trường Sa tránh bão, để sửa máy tàu. Có lần bạn tàu bị ốm, tôi ghé vào đảo Đá Tây. Bác sĩ Hải quân đã khám, cho thuốc chữa bệnh, các anh còn cho cả rau xanh và gạo nữa. Hôm nay, được các anh tuyên truyền rồi, chúng tôi sẽ thực hiện đúng quy định, chấp hành nghiêm pháp luật, không xâm phạm vùng biển nước ngoài khai thác trái phép”.
Ông Trịnh Minh Bình, Chủ tịch UBND xã Cát Minh, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định phấn khởi: “Vùng 4 Hải quân thực hiện chương trình Hải quân làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi bám biển tại địa phương. Chương trình này có nhiều hoạt động rất thiết thực, trực tiếp hỗ trợ, giúp đỡ bà con vơi bớt khó khăn và được người dân hưởng ứng rất là cao. Tôi cho rằng chương trình này vừa là tuyên truyền về các quy định, vị trí vai trò của biển, đảo cho người dân đồng thời để người dân tin tưởng hơn vào sự lãnh đạo của Đảng, chỉ đạo của Nhà nước cũng như lực lượng Hải quân luôn luôn đồng hành chia sẻ những khó khăn cùng bà con, tạo lòng tin cho bà con vươn khơi bám biển”.
Những con tàu vẫn ngày đêm vươn khơi, bám biển khai thác hải sản, phát triển kinh tế, đồng thời góp phần khẳng định ngư trường truyền thống của nước ta. Giờ đây, ngư dân đánh bắt xa bờ thêm vững lòng vì đã có sự đồng hành của cán bộ, chiến sĩ Vùng 4 nói riêng và của Hải quân Việt Nam nói chung.
Ý kiến ()