Vui Tết đầm ấm, an toàn
Sau một năm nhiều sóng gió vì phải đối mặt với đại dịch Covid-19, những ngày giáp Tết Nhâm Dần càng trở nên ý nghĩa hơn với người dân trên cả nước, nhất là với người lao động xa quê khi có cơ hội trở về đoàn tụ bên gia đình.
Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, với không ít người, hành trình trở về quê nhà cũng cần suy nghĩ cân nhắc cẩn trọng để bảo đảm an toàn cho bản thân, gia đình và cộng đồng.
Ngày Tết cổ truyền còn được nhiều người Việt Nam trìu mến gọi là “Tết đoàn viên”. Bởi đây không chỉ là thời điểm quan trọng đánh dấu sự khởi đầu của một năm mới mà có ý nghĩa đặc biệt với mỗi gia đình, khi các thế hệ có dịp được quây quần bên nhau, tri ân tổ tiên, báo hiếu ông bà, cha mẹ, chia sẻ yêu thương với người thân yêu. Những bận rộn của công việc thường ngày được tạm gác sang mỗi bên, mỗi người cố gắng dành trọn vẹn ngày Tết ngắn ngủi để ở bên gia đình, người thân. Vì vậy ngay từ đầu tháng 12 âm lịch, nhiều lao động làm ăn xa đã hối hả soạn sửa cho hành trình trở về quê với nhiều kế hoạch, dự định xen lẫn háo hức.
Tuy nhiên, khác với mọi năm, cứ gần đến 30 Tết, trên các tuyến quốc lộ, dòng người từ các thành phố lớn nườm nượp đổ về quê; nhiều bến tàu, xe thường trong tình trạng quá tải, dù đã tăng chuyến; tại các thôn, xóm, không khí đón năm mới càng diễn ra hối hả, phấn chấn, nhà cửa được trang hoàng đẹp đẽ, đường đi lối lại phong quang; không khí Tết rộn ràng từ trong nhà ra ngoài ngõ; ông bà, bố mẹ nóng lòng chờ đón con cháu trở về, dịp Tết Nhâm Dần năm nay có phần đặc biệt, vì diễn ra trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp ở nhiều tỉnh, thành phố, số ca mắc mới vẫn còn ở mức cao, nguy cơ lây lan biến chủng mới của vi-rút SARS-CoV-2 là Omicron trong cộng đồng đang hiện diện, đòi hỏi cả hệ thống chính trị, các tổ chức, các ngành chức năng và toàn dân không thể chủ quan, lơ là. Vì vậy việc đi lại, di chuyển của người dân tăng cao trên diện rộng trong dịp cuối năm lại đang đặt ra nhiều mối lo, đặc biệt là việc di chuyển từ vùng có cấp độ dịch ở mức nguy cơ cao (cấp độ 3 – mầu cam) đến rất cao (cấp độ 4-mầu đỏ) đến “vùng xanh” (cấp độ 1-có nguy cơ) hoặc những vùng nguy cơ thấp (cấp độ 2-mầu vàng). Từ đây đặt ra những yêu cầu trong công tác phòng, chống dịch bệnh đối với chính quyền cơ sở, các cơ quan chức năng cũng như mỗi cá nhân. Vì sự bất cẩn, chủ quan, vô ý thức của một số cá nhân rất có thể khiến dịch bệnh bùng phát, đe dọa sức khỏe của cộng đồng, phá hủy những thành quả mà chúng ta phải rất nỗ lực mới đạt được.
Dự báo trước nguy cơ lây lan dịch bệnh có thể tăng cao vào dịp cuối năm, thời gian qua nhiều địa phương đã đưa ra những khuyến cáo nhằm hướng dẫn người dân, nhất là lao động làm ăn xa về quê đón Tết. Dù vậy có thể thấy hiện nay các địa phương đang áp dụng chính sách rất khác nhau. Một số tỉnh yêu cầu người dân phải tuân thủ nghiêm các quy tắc phòng, chống dịch bệnh, nhưng không hạn chế người về quê đón Tết, không giám sát, cách ly người đến từ vùng dịch. Trong khi đó, một số địa phương lại yêu cầu người đến từ tỉnh, thành phố có ca nhiễm cộng đồng vào địa bàn phải có kết quả test nhanh âm tính trong 48 giờ, hoặc giấy xét nghiệm PCR âm tính trong 72 giờ. Có địa phương thực hiện biện pháp cách ly người về từ vùng đỏ và vùng cam; người từ vùng vàng và vùng xanh về địa phương phải tự theo dõi sức khỏe trong 7-14 ngày, kể cả người đã tiêm đủ 2 mũi vắc-xin hay chưa tiêm đủ.
Thậm chí có nơi khuyến cáo người dân cần về quê trước 22 ngày để theo dõi và phải thực hiện xét nghiệm cho kết quả âm tính đủ 3 lần với SARS-CoV-2. Như vậy, người dân muốn về quê đón Tết phải xin nghỉ làm cả tháng. Bên cạnh đó, có địa phương gửi thư ngỏ, đồng thời tuyên truyền nhân dân vận động người thân đang sinh sống, làm việc ở nơi có dịch không nên trở về nếu không thật sự cần thiết.
Quy định không nhất quán của các địa phương đang gây khó khăn và tác động không nhỏ đến tâm lý người lao động đi làm ăn xa. Bởi sau những ngày dài vất vả làm việc ở các khu công nghiệp, các thành phố lớn, gánh chịu không ít khó khăn, tổn thất bởi dịch bệnh, rất nhiều người mong mỏi được trở về sum họp bên gia đình trong những ngày đầu năm mới. Trong số đó nhiều người cả năm không thể về nhà, không có điều kiện chăm sóc cha mẹ già, con thơ, không thể lo toan nhiều việc trong gia đình. Dịp cuối năm là cơ hội được trông đợi nhất để trở về đoàn tụ, thể hiện trách nhiệm với người thân, đồng thời giúp họ xốc lại tinh thần, tiếp thêm năng lượng để tiếp tục làm việc trong năm mới.
Do đó, quy định có phần cứng nhắc của một số địa phương đã phần nào tạo tâm trạng nặng nề cho nhiều người lao động, khiến việc về nhà đối với họ giờ đây không chỉ là nỗi vất vả cách trở đường xa, mà còn đối diện với việc phải cách ly, thậm chí có cả sự kỳ thị, không được chào đón. Điều đó vô hình trung cũng góp phần làm cho người xa nhà bị ức chế, bức bối trong những ngày cuối năm.
Trước diễn biến phức tạp, khó lường của dịch bệnh, chúng ta hoàn toàn chia sẻ nỗi lo lắng của chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng có liên quan, vì nếu kiểm soát không tốt thì nguy cơ bùng phát dịch trong dịp Tết là rất cao. Chưa kể, đây cũng là thời điểm gia tăng các hoạt động tụ họp đông người tại các thôn, xóm, khu dân cư.
Tuy nhiên, cùng nỗ lực phòng, chống nguy cơ lây lan dịch bệnh cũng cần lắng nghe, thấu hiểu tâm tư nguyện vọng của người dân để chỉ đạo, tổ chức, hướng dẫn sao cho phù hợp, tránh tình trạng cát cứ, “ngăn sông, cấm chợ”, mỗi địa phương một cách làm, thậm chí cả hành động có tính cực đoan như khóa cửa nhà dân để ngăn dịch bệnh. Có như vậy công tác phòng, chống dịch mới có thể vừa tiến hành đồng bộ, thống nhất trên cả nước, nhưng vẫn bảo đảm tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người dân được vui Xuân, đón Tết.
Hiện nay, Việt Nam được xếp vào danh sách một trong sáu nước có tỷ lệ bao phủ tiêm vắc-xin cao nhất trên thế giới. Đây là cơ sở quan trọng giúp tạo nên miễn dịch cộng đồng, nhờ đó các ca mắc mới trong nước dù còn ở mức cao, song số ca nhiễm nhập viện, chuyển nặng, tử vong có chiều hướng giảm.
Không chủ quan, song chúng ta cũng không nên quá lo lắng, sợ hãi thái quá để trở nên cực đoan, siết chặt các hoạt động kinh tế, xã hội, gây ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân. Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ ban hành quy định tạm thời “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” xác định rõ mục tiêu của Việt Nam trong thời gian tới, đó là: “Bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của người dân; hạn chế đến mức thấp nhất các ca mắc, ca chuyển bệnh nặng, tử vong do Covid-19; khôi phục và phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội; thực hiện mục tiêu kép, đưa cả nước chuyển sang trạng thái bình thường mới sớm nhất có thể…”.
Nghị quyết cũng chỉ rõ: “Trong khi tỷ lệ bao phủ vắc-xin đang được đẩy nhanh nhưng chưa đạt độ bao phủ toàn dân và các loại thuốc điều trị Covid-19 đang được phát triển, đưa vào sử dụng nhưng chưa có thuốc đặc trị; nhằm bảo đảm sự thống nhất thực hiện theo quy định, hướng dẫn của các bộ, ngành đồng thời phát huy tính chủ động, sáng tạo của địa phương trong kiểm soát tình hình dịch bệnh, tạo điều kiện khôi phục sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế-xã hội, đưa đời sống sinh hoạt của nhân dân dần trở lại tình trạng bình thường mới; không để tình trạng cục bộ, cát cứ trong ban hành và thực hiện các giải pháp trên mức cần thiết, gây ảnh hưởng tiêu cực tới sản xuất, kinh doanh, đời sống xã hội”.
Như vậy, để cuộc sống của người dân thật sự trở lại trạng thái bình thường mới như Nghị quyết 128/NQ-CP đặt ra, rất cần sự thống nhất, thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh trên cả nước. Việc một số địa phương áp dụng giải pháp thiếu thống nhất hoặc trên mức cần thiết trong việc tạo điều kiện, đón nhận người dân về quê đón Tết đang đòi hỏi cần có sự cân nhắc, tính toán hợp lý, hợp tình, để vừa bảo đảm yêu cầu phòng, chống dịch, đồng thời không gây khó dễ, không ngăn cản nhu cầu chính đáng của người dân.
Để kịp thời chấn chỉnh những bất cập được dư luận phản ánh thời gian qua, ngày 19/1 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ có Công điện về việc đẩy nhanh hoàn thành tiêm vắc-xin phòng Covid-19; bảo đảm an toàn, hiệu quả công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong dịp Tết Nhâm Dần 2022.
Nội dung Công điện yêu cầu Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19; Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện nghiêm Nghị quyết 128 của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Y tế trong việc quy định và tổ chức thực hiện các biện pháp y tế, hành chính (như xét nghiệm, cách ly…) liên quan tới hoạt động sản xuất, kinh doanh, đi lại của người dân bảo đảm tính khoa học, thống nhất trong công tác phòng, chống dịch Covid-19; không đặt ra những quy định về phòng, chống dịch trái với hướng dẫn, quy định của Bộ Y tế, của Chính phủ, gây khó khăn không cần thiết cho người dân nhất là trong dịp về quê ăn Tết Nguyên đán Nhâm Dần.
Cùng với đó đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân, công nhân, người lao động thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch, nhất là trong quá trình di chuyển về quê, sinh hoạt trong dịp Tết và trở lại nơi làm việc sau Tết.
Bên cạnh đó, mỗi người dân, nhất là người lao động làm ăn xa quê, cần phải phát huy tinh thần trách nhiệm, ý thức công dân trong phòng, chống dịch bệnh. Nếu tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, mỗi cá nhân cần cân nhắc việc trở về quê nhà trong thời điểm nhạy cảm như vậy. Nếu không quá cấp bách, có thể thu xếp vào thời điểm khác phù hợp hơn. Và gia đình đang ở vùng dịch có diễn biến phức tạp cũng nên suy xét tìm giải pháp phù hợp.
Quyết định về hay ở của mỗi người, mỗi gia đình đều được cộng đồng tôn trọng; tuy nhiên, nếu người dân thật sự có nhu cầu trở về thì cần bảo đảm tốt các quy tắc phòng, chống dịch bệnh. Bởi đó là yêu cầu để bảo vệ bản thân, bảo vệ gia đình và cộng đồng, góp phần làm nên một cái Tết đầm ấm, an toàn.
Ý kiến ()