Vui mừng xen lẫn âu lo
LSO-Hội bảo tồn dân ca tỉnh được thành lập là một tín hiệu vui đối với những người đam mê dân ca xứ Lạng. Tuy nhiên, một số khó khăn trong quá trình hoạt động đang dấy lên nỗi lo trong lòng những người tâm huyết với sự phát triển của loại hình nghệ thuật này.
Nghệ nhân Triệu Thủy Tiên (bên phải) truyền dạy hát then cho những hội viên CLB cựu giáo chức |
Nỗi niềm của hội viên
Được tham gia các câu lạc bộ (CLB) dân ca, được đứng trên sân khấu biểu diễn, những người yêu thích đàn hát dân ca vui mừng khôn siết. Họ sắp xếp mọi công việc để dành nhiều thời gian luyện tập. Chị Hoàng Thị Dự (xã Hoàng Đồng, thành phố Lạng Sơn) kể: Tôi mê hát then lắm. Vợ chồng tôi làm phụ hồ vất vả nhưng tối đến lại vác đàn đi học hát. Tuần 2, 3 buổi. Tôi theo học được 3 năm và cũng được đi biểu diễn nhiều rồi. Tôi còn được tham gia biểu diễn ở Cao Bằng, Bắc Giang, vui lắm.
Tuy nhiên, để thỏa mãn niềm đam mê, ngoài thời gian, người yêu then phải tự bỏ tiền học phí, mua sắm đạo cụ, trang phục. Chính vì thế không phải ai cũng có đủ điều kiện để theo đuổi đam mê của mình. Quanh năm gắn bó với công việc đồng áng, vất vả nặng nhọc, thu nhập ít nhưng bà Lành Thị Biện (60 tuổi, thị trấn Cao Lộc, huyện Cao Lộc) vẫn để dành ra một khoản để mua trang phục, đạo cụ và nộp tiền tham gia học đàn và hát dân ca ở Trung tâm Văn hóa tỉnh. Bà Biện cho biết: Tiền đàn và trang phục chỉ cần mua lúc đầu thôi (khoảng 4 triệu đồng). Còn tiền học phí, tôi học từ năm 2009 đến nay cũng nộp hơn 10 triệu đồng. Tôi biết có nhiều người rất yêu hát then nhưng không có tiền mua sắm đạo cụ, nộp học phí, tiền xe đi lại nên không tham gia được.
Nghệ nhân ưu tú Hà Mai Ven (huyện Cao Lộc) cho biết: Người dân xứ Lạng yêu dân ca của quê mình lắm. Cứ nghe có lớp học, mọi người hăng hái đăng ký tham gia đông lắm (hơn 40 người) nhưng đến lúc học thì thường chỉ còn khoảng chục người. Mặc dù tôi đã tự bỏ kinh phí để duy trì các CLB nhưng không phải ai cũng có tiền mua sắm đủ đạo cụ, trang phục để theo học. Tôi tha thiết mong các cấp, ngành cùng chung tay hỗ trợ để dân ca được bảo tồn và ngày càng phát triển.
Nỗi lo của người quản lý
Ngoài việc tự trang trải kinh phí thì những khó khăn trong hoạt động của Hội Bảo tồn dân ca tỉnh cũng đang là vấn đề băn khoăn của người làm công tác quản lý. Được thành lập từ tháng 10/2010 nhưng đến nay hội mới chỉ có một văn phòng nhỏ, vừa dùng để họp vừa dùng để dạy học. Thế nhưng vì diện tích chật hẹp, các lớp học thường phải chia nhỏ và dạy thành nhiều buổi khác nhau.
Không được trang bị phương tiện đi lại, mỗi lần đi dự họp, chỉ đạo triển khai công tác hội hoặc tổ chức hoạt động ở các thôn bản, ban chủ nhiệm hội thường phải tự túc phương tiện. Khi thì tự đi xe máy, xe khách hoặc tự bỏ tiền túi thuê xe ngoài.
Cùng với đó, công tác nhân sự cũng đang là một vấn đề đáng quan tâm. Tuy là một hội đặc thù cấp tỉnh nhưng đến nay, hội bảo tồn dân ca tỉnh vẫn chưa được giao biên chế. Ông Hoàng Việt Bình, Phó Chủ tịch Hội Bảo tồn dân ca tỉnh cho biết: Những hội viên trẻ còn bận bịu với cuộc sống mưu sinh. Không có biên chế nên người trẻ không có đủ tâm huyết để gắn bó với công tác hội. Trong khi đó ban chủ nhiệm hội có nhiều người cao tuổi, không đủ sức khỏe để đảm đương, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động hội cũng như việc phát triển, nhân rộng các CLB.
Thiết nghĩ, để tháo gỡ những khó khăn nêu trên và nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn và phát huy các làn điệu dân ca thì các cấp, ngành cần quan tâm tạo điều kiện, có cơ chế thu hút đối với những người làm công tác bảo tồn dân ca, đặc biệt là thế hệ trẻ như: phân bổ biên chế, điều chỉnh thù lao… Qua đó góp phần bảo tồn nét văn hóa đặc trưng, trở thành một sản phẩm du lịch xứ Lạng, thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.
MINH NGỌC
Ý kiến ()