Vực dậy sau đại dịch, doanh nghiệp loay hoay 'bài toán' thiếu vốn
Theo Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam, thu giảm mạnh, chi vẫn tăng đang bào mòn nguồn lực tài chính được tích lũy nhiều năm của doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Dịch COVID-19 đang dần được kiểm soát tại nhiều tỉnh, thành phố và tỷ lệ tiêm vaccine cũng đã được phủ rộng hơn, giúp cho các hoạt động kinh tế-xã hội khôi phục trở lại. Tuy nhiên, với doanh nghiệp, để có thể vận hành, ngoài việc đảm bảo có đủ công nhân sản xuất, tiếp tục sống chung với dịch bệnh thì thiếu vốn đang là rào cản lớn nhất hiện nay, đặc biệt là những doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Bào mòn nguồn lực tài chính
Công ty cổ phần kinh doanh VMPC là đơn vị chuyên xuất khẩu bột khoáng sản sang các thị trường Ấn Độ, Bangladesh, Sri Lanka. Liên tục 10 năm qua, công ty này luôn có tăng trưởng tốt. Thế nhưng do dịch bệnh, gần đây cước vận tải chuyển tăng đột biến từ 300 USD/container 20 feet lên tới 3.000 USD. Nhiều đơn hàng bị hủy, chậm, khách hàng không chấp nhận tăng giá đã khiến chi phí giao mỗi chuyến hàng của công ty tăng thêm hàng trăm triệu đồng.
Ông Nguyễn Vinh Huỳnh, Phó giám đốc VMPC cho hay dịch COVID-19 khiến xuất khẩu giảm mạnh từ 60-70%, trong khi giá đầu vào tăng. Công ty càng bán càng lỗ nhưng để giữ chân khách hàng thì vẫn phải chấp nhận. Trong tháng qua, công ty đã mất gần 60 tỷ đồng doanh thu.
“Bởi vậy để hoạt động trở lại, chúng tôi cần nhất là vốn lưu động. Các khó khăn do dịch bệnh cùng với chi phí phòng chống dịch đã khiến doanh nghiệp dần cạn kiệt nguồn lực. Công ty đã lên kế hoạch vay 10 tỷ đồng với lãi suất 7%/6 tháng. Đây là chi phí thiết yếu nhất để vận hành bộ máy trong 6 tháng giúp công ty không phải đền bù hợp đồng,” ông Nguyễn Vinh Huỳnh nói.
Ông Vũ Tuấn Thanh, Giám đốc Công ty cổ phần Phân bón công nghệ cao Việt Âu Châu – đơn vị chuyên nhập khẩu phân bón, xuất khẩu nông sản, cũng chia sẻ dịch COVID-19 khiến chi phí của doanh nghiệp tăng cao nhưng giá bán lại không thể theo kịp do sức mua sụt giảm mạnh.
Để hoạt động trở lại, doanh nghiệp cần nguồn vốn lớn nhưng việc vay vốn gặp nhiều thủ tục khó khăn, tài sản thế chấp định giá thấp…
“Sau đại dịch, ngành nông nghiệp sẽ có bước phục hồi mạnh. Nếu không tiếp cận được vốn để duy trì sản xuất, xuất khẩu trong thời gian cuối năm, doanh nghiệp sẽ khó vực dậy,” ông Thanh cho biết.
Theo ông Đào Phan Long, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam, vấn đề tài chính là quan trọng nhất để doanh nghiệp mở cửa trở lại. Hiện nay, các chi phí đều tăng, từ test COVID-19, sản xuất 3 tại chỗ, cước vận chuyển đến trả lương người lao động, lãi vay ngân hàng, tiền thuê đất, nhà xưởng… trong khi đầu ra sản phẩm chậm, thậm chí phải dừng sản xuất. Nhiều doanh nghiệp càng sản xuất càng lỗ, đã buộc phải đóng cửa tạm thời hoặc đứng trước nguy cơ phá sản.
“Thu giảm mạnh, chi vẫn tăng đang bào mòn nguồn lực tài chính được tích lũy nhiều năm của doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Với các doanh nghiệp lớn, có tài sản đảm bảo, uy tín có thể dễ dàng vay vốn ngân hàng. Nhưng với đại đa số doanh nghiệp nhỏ và vừa, muốn vay vốn để khôi phục sẽ là rất khó,” ông Long nói.
Doanh nghiệp ngóng hỗ trợ
Theo ông Vũ Tuấn Thanh, doanh nghiệp cần nhất lúc này hỗ trợ về tài chính. Cụ thể như ngân hàng cần giãn nợ, gia hạn nợ vay, hoặc cho doanh nghiệp vay tín chấp, vay trên hợp đồng xuất khẩu, nhập khẩu; giảm hay miễn thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền đóng bảo hiểm được gia hạn, miễn hay trả chậm… Những chính sách đó chưa thể ngay lập tức giúp doanh nghiệp bứt lên nhưng sẽ là trợ lực, giúp doanh nghiệp có thêm dòng tiền duy trì sản xuất.
Ông Đào Phan Long cho rằng Nhà nước nên có khoản tiền hỗ trợ, bảo lãnh vay vốn cho doanh nghiệp để họ có thể phục hồi sản xuất. Ngoài những giải pháp trên, có thể thực hiện giãn thuế, giảm thuế, giảm tiền thuê đất… hay các chi phí phải đóng khác như bảo hiểm, phí công đoàn…
“Nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa rất khó khăn, không có khả năng tồn tại và thiếu dự án khả thi. Nếu cho vay, các ngân hàng sẽ gặp rủi ro. Như vậy, doanh nghiệp rất khó vay được vốn. Do vậy, cần có những quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa và được vận hành hiệu quả,” ông Long kiến nghị.
Theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cần nghiên cứu đề xuất dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất như quy định tại Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 trong 6 tháng từ khi nộp hồ sơ. Đối với các doanh nghiệp nằm trong địa phương áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg được giảm 50% số tiền phải nộp.
“Hiện tại số tiền kết dư của hai quỹ Bảo hiểm xã hội và thất nghiệp đang còn quá lớn, khoảng 935.100 tỷ đồng, trong khi doanh nghiệp rất khó khăn, vì vậy mức hỗ trợ nên là giảm nộp 1 năm để cứu doanh nghiệp trong lúc này,” ông Giang kiến nghị.
Đặc biệt, ông Vũ Đức Giang cũng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo hệ thống ngân hàng không hạ hạn mức tín dụng đối với với những doanh nghiệp gặp khó khăn do COVID-19, tiếp tục giảm lãi suất cho vay tối thiểu 1%/năm và giãn thời gian trả nợ gốc và lãi của năm 2021 và 2022.
“Để giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp, đề nghị Nhà nước tiếp tục giảm giá điện và thuế VAT từ 20-30% cho doanh nghiệp ở các địa phương phải thực hiện Chỉ thị 16 đến hết tháng 6 năm 2022. Các địa phương không điều chỉnh giá thuê đất trong điều kiện các doanh nghiệp phải gồng mình chống dịch và nghiên cứu giảm tiền thuê đất 50% cho doanh nghiệp ở các địa phương áp dụng Chỉ thị 16 đến hết tháng 6 năm 2022,” ông Giang cho hay.
Hiện nay, để hỗ trợ doanh nghiệp, các ngân hàng cũng linh hoạt xem xét cho vay không có tài sản đảm bảo trên cơ sở quản lý dòng tiền; tiếp tục cải tiến quy trình, thủ tục cho vay, rút ngắn thời gian xét duyệt cho vay. Ngân hàng Nhà nước cho biết thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; tập trung nguồn vốn để đáp ứng kịp thời nhu cầu với thời hạn và lãi suất hợp lý.
Thêm vào đó, Bộ Tài chính đã tham mưu cho Chính phủ giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế VAT, thuế thu nhập cá nhân và miễn tiền phạt chậm nộp thuế cho các doanh nghiệp gặp khó khăn. Tổng gói hỗ trợ này khoảng 21.300 tỷ đồng…
Cùng với các gói hỗ trợ khác từ Chính phủ, chung tay của các tổ chức tín dụng, hy vọng thời gian tới, doanh nghiệp có thể tiếp cận thuận lợi hơn với nguồn vốn để khôi phục nhịp độ sản xuất sau dịch bệnh./.
Theo vietnamplus.vn
Ý kiến ()