Vừa chống dịch, vừa khám bệnh, cấp cứu
Trong những ngày nghỉ Tết Nguyên đán, lực lượng y tế tại các địa phương trong cả nước vẫn bám trụ vừa phòng, chống dịch, vừa thực hiện chiến dịch tiêm chủng mùa Xuân vắc-xin phòng Covid-19 và sẵn sàng cấp cứu, điều trị cho người dân.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, ngoài Covid-19, cả nước không ghi nhận các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhóm A như: tả, cúm A(H5N1), cúm A(H7N9); không phát hiện hành khách nhập cảnh nghi ngờ mắc cúm A(H5N1), A(H7N9) tại các cửa khẩu biên giới. Các địa phương, đơn vị tập trung, huy động mọi nguồn lực khẩn trương hoàn thành tiêm đủ liều cơ bản cho người từ 12 tuổi trở lên và liều bổ sung, liều nhắc lại cho người từ 18 tuổi trở lên; rà soát không để bỏ sót đối tượng chưa được tiêm đủ liều vắc-xin; bảo đảm an toàn tiêm chủng. Đồng thời tổ chức quản lý, bảo vệ tối đa các đối tượng nguy cơ cao (người già, người có bệnh nền, người suy giảm miễn dịch, phụ nữ có thai) bảo đảm tiêm chủng đủ liều, được tiếp cận các dịch vụ y tế nhanh nhất, tốt nhất ngay tại địa phương; tổ chức các điểm tiêm chủng lưu động, bố trí tiêm tại nhà cho những người đi lại khó khăn… Các cơ sở y tế tiếp tục bám sát diễn biến tình hình dịch do biến chủng Omicron gây ra; tăng cường giám sát, quản lý các trường hợp nhập cảnh từ nước ngoài, đặc biệt các trường hợp đi/đến các quốc gia, khu vực đã ghi nhận biến chủng mới; chuẩn bị các phương án về vắc-xin, thuốc điều trị và các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp với biến chủng mới của SARS-CoV-2.
Tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Bộ Y tế về tăng cường công tác khám, chữa bệnh trong dịp Tết Nhâm Dần 2022, bảo đảm công tác thường trực cấp cứu cho nhân dân. Số liệu thống kê cho thấy, số người bệnh được khám, cấp cứu giảm 20,1% so với cùng kỳ Tết Tân Sửu, trong đó số ca khám, cấp cứu liên quan đến tai nạn giao thông, giảm 14% so với cùng kỳ Tết Tân Sửu 2021… Trong năm ngày nghỉ Tết đã có 207 người chết do tai nạn giao thông, bao gồm cả người chết trên đường đến bệnh viện và tiên lượng tử vong xin về, ít hơn 23 ca so với cùng kỳ Tết Tân Sửu 2021. Trong khi đó có 310 trường hợp khám, cấp cứu do pháo nổ các loại (nhiều hơn 24 ca) và có 2.781 ca cấp cứu tai nạn do đánh nhau làm 1.088 trường hợp phải nhập viện điều trị, theo dõi và chín trường hợp tử vong…
Theo báo cáo và kết quả giám sát an toàn thực phẩm, phòng, chống ngộ độc thực phẩm của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Ban Quản lý an toàn thực phẩm của 63 tỉnh, thành phố và năm viện khu vực, trên toàn quốc không ghi nhận vụ ngộ độc thực phẩm. Các kíp trực bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng, chống ngộ độc thực phẩm từ Trung ương đến địa phương thực hiện đầy đủ và nghiêm túc. Chỉ có 486 ca khám, cấp cứu do ngộ độc thức ăn, rối loạn tiêu hóa, chiếm 0,3% tổng số khám, cấp cứu.
Tại Hà Nội, tất cả các bệnh viện và trạm y tế phường, trạm y tế lưu động đều có cán bộ trực 24/24 giờ sẵn sàng đáp ứng nhu cầu khám bệnh ban đầu, cũng như tư vấn, hướng dẫn chăm sóc sức khỏe cho những F0 đang cách ly, điều trị tại nhà. Cán bộ y tế cơ sở tích cực triển khai chiến dịch tiêm chủng mùa Xuân tại các điểm tiêm cố định, lưu động trên toàn địa bàn. Hà Nội phấn đấu tiêm phủ mũi 3 trong quý I/2022 cho người dân. Công tác theo dõi, điều trị cho bệnh nhân Covid-19 cũng bảo đảm nghiêm túc suốt Tết. Bác Nguyễn Thị Lan (ở phố Thợ Nhuộm, Hà Nội) phát hiện dương tính với SARS-CoV-2 chiều 29 Tết. Tuy sức khỏe ổn định nhưng do có bệnh nền nên cán bộ y tế khuyến cáo bác nhập viện để theo dõi. Ngay khi được chuyển đến Bệnh viện Bắc Thăng Long (huyện Đông Anh, Hà Nội), bác Lan được các y sĩ, bác sĩ tại đây chụp chiếu kiểm tra chức năng phổi và kê thuốc điều trị kịp thời.
Theo Sở Y tế Hà Nội, địa bàn Thủ đô hiện có khoảng 53 nghìn người mắc Covid-19 đang điều trị, trong đó, gần 50 nghìn người theo dõi, điều trị tại nhà. Do đó, các tổ hỗ trợ theo dõi người nhiễm Covid-19 tại nhà, tổ phản ứng nhanh vẫn duy trì hoạt động xuyên Tết. Các trường hợp F0 trong dịp Tết đều được cán bộ y tế trực phối hợp cảnh sát khu vực, tổ Covid-19 cộng đồng, tổ hỗ trợ F0 tại nhà hướng dẫn, chăm sóc kịp thời. Các trường hợp khai báo được lấy mẫu xét nghiệm an toàn, nhanh chóng. Đội “Oxy xanh” phân công lịch trực và luôn sẵn sàng di chuyển khi các F0 cần hỗ trợ.
Tại thành phố Hải Phòng, số ca nhiễm Covid-19 giảm mạnh so với thời gian trước Tết, số ca khỏi bệnh tăng nhanh. Hiện, tại các cơ sở y tế và tại các gia đình đang điều trị gần 9.000 ca bệnh, trong đó, có 186 bệnh nhân nặng, với 20 trường hợp nguy kịch phải thở máy xâm lấn. Trong khi đó, chiến dịch tiêm chủng mùa Xuân tại Hải Phòng được thực hiện từ ngày 29/1, tại các quận, huyện đều có một điểm tiêm chủng thường trực để phục vụ tiêm chủng cho người dân. Tính đến hết ngày 5/2, Hải Phòng đã tiêm gần 4 triệu mũi vắc-xin phòng Covid-19, bảo đảm 100% số người dân đủ điều kiện được tiêm đủ 2 mũi vắc-xin và gần 700 nghìn người được tiêm mũi nhắc lại, mũi bổ sung. Sau kỳ nghỉ Tết, ngành y tế Hải Phòng tổ chức triển khai tiêm chủng tại các bệnh viện, trung tâm y tế, điểm tiêm lưu động, phấn đấu hoàn thành chiến dịch tiêm chủng mùa Xuân trong tháng 2.
Các bệnh viện tại Hải Phòng cũng bố trí lực lượng ứng trực bảo đảm công tác cấp cứu và điều trị cho nhân dân. Bệnh viện hữu nghị Việt Tiệp đã bố trí 170 cán bộ, bác sĩ, nhân viên y tế ứng trực tại Khoa Cấp cứu và các khoa lâm sàng, cận lâm sàng ở cả hai cơ sở để sẵn sàng tiếp nhận người bệnh bị tai nạn giao thông, tai nạn pháo nổ, ngộ độc thực phẩm, tai nạn sinh hoạt, lên cơn cấp tính… 230 bác sĩ, điều dưỡng túc trực trong khu điều trị bệnh nhân Covid-19 có diễn biến nặng tại cơ sở 2… Tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hải Phòng, các khoa: Xét nghiệm, Kiểm soát bệnh truyền nhiễm vẫn chia ca làm việc 24/24 giờ xuyên Tết thực hiện xét nghiệm sàng lọc vi-rút SARS-CoV-2; theo dõi, giám sát tình hình dịch bệnh; dự trù, cấp phát vắc-xin và vật tư tiêm chủng, hỗ trợ các điểm tiêm chủng,…
Tại Đà Nẵng, trong kỳ nghỉ Tết, số ca nhiễm Covid-19 tăng cao. Ghi nhận của phóng viên tại các bệnh viện tuyến đầu đang cùng lúc chăm sóc khám, chữa bệnh cho người dân và phân luồng điều trị F0, các y, bác sĩ đang nỗ lực, trực chiến bệnh viện 24/24. Bác sĩ Nguyễn Đại Vĩnh, Giám đốc Bệnh viện Hòa Vang cho biết: Những ngày Tết, bệnh viện vẫn tiếp nhận khám, cấp cứu cho người bệnh như bình thường… Bệnh viện đang chăm sóc, điều trị cho gần 100 người nhiễm Covid-19, trong đó nhiều trường hợp đang mang thai, nên những ngày Tết có 7 em bé đã chào đời an toàn, mẹ tròn con vuông. Đây không chỉ là động lực mà còn là niềm vui, làm giảm bớt mệt nhọc, căng thẳng trong thời điểm dịch bệnh tại Đà Nẵng diễn biến khá phức tạp, số ca ghi nhận hằng ngày tăng cao.
Ngay trong Tết Nguyên đán Nhâm Dần, các ngành chức năng tại Đà Nẵng đã đưa vào hoạt động hai trạm y tế lưu động tại hai khu công nghiệp Hòa Khánh và An Đồn. Hai trạm này phát hiện, phân loại, cách ly tạm thời các trường hợp nhiễm Covid-19 và chuyển tuyến với những trường hợp diễn biến nặng, cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, khám bệnh, chữa bệnh, sơ cứu, chuyển tuyến các bệnh thông thường cho người lao động. Đây là một nỗ lực lớn của Bệnh viện 199 (Bộ Công an) đóng tại Đà Nẵng nhằm “thiết lập lá chắn” phòng, chống dịch tại các khu công nghiệp tại Đà Nẵng. Bệnh viện 199 đã bố trí 8 y, bác sĩ, xe cứu thương thường xuyên tại trạm y tế nhằm hỗ trợ tốt nhất cho các doanh nghiệp, xử lý các trường hợp có ca nhiễm trong doanh nghiệp, ngăn chặn nguy cơ lây lan ra cộng đồng, không làm đứt gãy hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Trong những ngày Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn TP Hồ Chí Minh tiếp tục được kiểm soát. Thành phố tiếp tục giữ vững vùng xanh trong năm tuần liên tiếp. Đây là tuần thứ hai liên tiếp toàn bộ 21 quận, huyện và TP Thủ Đức đều đạt vùng xanh, không còn quận, huyện ở cấp độ 2 (vùng vàng). Trong tổng số 312 phường, xã, thị trấn, chỉ còn 1 địa phương ở cấp độ 2 (giảm 3 địa phương so với tuần trước), còn lại đều đạt vùng xanh. Tuần qua, thành phố ghi nhận 964 ca mắc mới, tăng nhẹ so với tuần trước (895 ca) và vẫn giảm mạnh so với các tuần trước đó. Đây cũng là tuần thứ hai liên tiếp số ca mắc mới trên địa bàn được kéo giảm xuống dưới 1.000 ca/tuần. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh (HCDC) cho biết: Trước sự xuất hiện của biến chủng mới Omicron, để thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch, nhất là vào dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần, thành phố đẩy mạnh tiêm vắc-xin Covid-19 liều bổ sung và nhắc lại để tăng cường miễn dịch, hiệu quả phòng bệnh cho người dân. Theo đó, thành phố đã tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân bằng cách vẫn tiếp tục tổ chức tiêm vắc-xin Covid-19 trong suốt kỳ nghỉ Tết Nguyên đán trên địa bàn 21 quận, huyện và TP Thủ Đức.
TS, BS Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết: Trong đợt nghỉ Tết vừa qua, bệnh viện đã lên kế hoạch bảo đảm nhân lực và phương tiện sẵn sàng cấp cứu nội-ngoại viện và cấp cứu thảm họa, can thiệp vàng phẫu thuật, thủ thuật, đáp ứng tình hình bệnh nhân tăng đột biến. Bệnh viện chuẩn bị đủ cơ số thuốc cấp cứu, các loại thuốc hiếm cũng như dự trữ các loại máu, chế phẩm máu cung cấp không chỉ cho bệnh nhân tại bệnh viện mà cả các bệnh viện khác khi cần. Cùng với đó, bệnh viện bố trí chín đội cơ động dự phòng hỗ trợ công tác phòng, chống dịch trong trường hợp có lệnh điều động của Bộ Y tế.
Theo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, trong những ngày nghỉ Tết, ngành y tế bảo đảm thường trực bốn cấp 24/24. Các bệnh viện thực hiện nghiêm công tác phân luồng, phân tuyến hiệu quả, phân loại nguy cơ người bệnh ngay từ khi nhập viện, bảo đảm tất cả người bệnh cấp cứu được khám và điều trị kịp thời. Đối với người bệnh trái tuyến, trái chuyên khoa, cơ sở y tế xử lý cấp cứu ban đầu ổn định, giải thích đầy đủ cho người bệnh, người nhà người bệnh trước khi chuyển đi cơ sở y tế khác. Các bệnh viện bảo đảm cơ số giường bệnh, phương tiện cấp cứu và cấp cứu ngoại viện để sẵn sàng đáp ứng công tác tiếp nhận, điều trị bệnh nhân.
Ý kiến ()