Vụ xuân hè: Sâu, bệnh hại diễn biến phức tạp
LSO-Đúng như dự báo của cơ quan chuyên môn, thời tiết trong vụ xuân năm nay đã ấm hơn trung bình nhiều năm. Kết hợp với ẩm độ không khí cao khiến cho sâu, bệnh hại cây trồng phát sinh, gây hại và bắt đầu có những diễn biến phức tạp.
LSO-Đúng như dự báo của cơ quan chuyên môn, thời tiết trong vụ xuân năm nay đã ấm hơn trung bình nhiều năm. Kết hợp với ẩm độ không khí cao khiến cho sâu, bệnh hại cây trồng phát sinh, gây hại và bắt đầu có những diễn biến phức tạp.
Cán bộ UBND huyện Văn Quan kiểm tra tình hình gây hại của bọ ánh kim |
Nguy hiểm bọ ánh kim
Năm trước, bọ ánh kim đã xuất hiện, gây hại đến hàng trăm ha hồi ở các địa phương trong tỉnh, tuy nhiên xét về diễn biến thì năm nay lại có phần phức tạp hơn. Theo báo cáo của Chi cục Bảo vệ thực vật thì trong khoảng từ tháng 2 trở lại đây, bọ ánh kim đã xuất hiện trên rừng hồi của Văn Quan, Cao Lộc, Lộc Bình. Điều đáng chú ý là bọ ánh kim năm nay xuất hiện sớm hơn mọi năm, theo cán bộ chuyên môn thì nguyên nhân của tình trạng này là do vụ xuân năm nay ấm hơn so với trung bình nhiều năm. Tổng diện tích hồi bị nhiễm bọ ánh kim trong tháng 3 lên đến 432,7 ha. Trong đó diện tích nhiễm trung bình là 294,5ha, trên 138ha bị nhiễm nặng. Diện tích và mật độ nhiễm đều cao hơn so với cùng kỳ. Ông Sầm Ngọc Thanh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật cho biết: Loại bọ này đã xuất hiện từ những năm 90 của thế kỷ trước, tuy nhiên lúc đó mật độ gây hại diện tích hồi không đáng kể, đến nay mới bùng phát mạnh. Hiện vẫn chưa xác định được tên khoa học cũng như đặc tính, vòng đời sinh trưởng của sâu này. Chính vì vậy mà việc phòng, chống bọ lạ vẫn còn khá nhiều lúng túng, hầu hết là người dân làm bằng cách thủ công, còn các biện pháp của cơ quan chuyên môn cũng mới chỉ mang tính thử nghiệm. Trong tháng 3 vừa qua, Chi cục Bảo vệ thực vật đã chủ động sử dụng khoảng 600kg thuốc trừ sâu sinh học dùng trừ sâu róm thông để thử nghiệm trên rừng hồi. Kết quả ban đầu là bọ ngừng gây hại, tuy nhiên lại không chết hẳn. Thời điểm này bọ ánh kim hầu hết đã vào kén, tuy nhiên dự báo lứa sau sẽ tiếp tục bùng phát gây hại vào tháng 5 tới đây. Hiện nay Viện Bảo vệ thực vật đang nghiên cứu về bọ ánh kim, tuy nhiên trong khi chờ đề tài cấp nhà nước này hoàn tất, rừng hồi Lạng Sơn vẫn đang gặp nguy hiểm.
Cận cảnh bọ ánh kim trên cây hồi ở huyện Văn Quan |
Xuất hiện bệnh do vi rút trên lúa xuân
Không chỉ riêng bọ ánh kim, mà trong thời gian qua, trên các trà lúa xuân mới cấy, bệnh do vi rút gây ra cũng bắt đầu xuất hiện. Cuối tháng 3, đầu tháng 4 vừa qua, cơ quan chuyên môn đã phát hiện bệnh lùn xoắn lá trên lúa tại thôn Quyết Tiến, xã Thiện Kỵ, huyện Hữu Lũng. Tổng diện tích nhiễm là 1,8ha, trong đó 1ha nhiễm nặng với tỷ lệ cao 80-100% dảnh. Do phát hiện kịp thời, nên diện tích nhiễm bệnh đã nhổ, vùi dảnh bị hại và tiến hành cấy dặm. Tại diện tích nhiễm nặng đã tiêu hủy toàn bộ để cấy lại. Vùng nhiễm bệnh đã được khoanh vùng, khống chế. Mặc dù vậy, nguy cơ mắc bệnh tại các diện tích khác là rất cao. Trong vụ xuân hè cách đây 3 năm, Hữu Lũng cũng đã từng bùng phát dịch vàng lùn, lùn xoắn lá và lùn sọc đen. Ngoài ra, trong thời điểm này các đối tượng gây hại khác như ốc bươu vàng, sâu đục thân 2 chấm cũng đang phát sinh với diện tích và mật độ đều lớn hơn so với cùng kỳ. Cơ quan chuyên môn khuyến cáo người nông dân cần chủ động thăm đồng thường xuyên để kịp thời phát hiện những triệu chứng bất thường trên cây trồng. Qua đó thông báo ngay cho cơ quan chuyên môn để được tư vấn, giúp đỡ xử lý.
Nông dân thành phố Lạng Sơn phun thuốc trừ sâu hại ngô xuân |
Ngày 22/4, theo thông tin từ Chi cục Bảo vệ thực vật, cơ quan chuyên môn đã phát hiện gần 40ha rừng keo tại Văn Lãng bị nhiễm bệnh phấn trắng. Đây là hiện tượng rất bất thường trên địa bàn. Hiện nay Trạm Bảo vệ thực vật Văn Lãng đang khẩn trương tiến hành các biện pháp phòng trừ. Đây cũng là một trong những biểu hiện cụ thể cho thấy tình hình phức tạp của sâu, bệnh hại cây trồng trong vụ xuân hè năm nay, không chỉ trên cây trồng nông nghiệp mà trên cả cây lâm nghiệp.
VŨ NHƯ PHONG
Ý kiến ()