LSO-Những ngày này, Lạng Sơn đang liên tiếp phải hứng chịu những đợt không khí lạnh tăng cường. Nhưng dự báo trong năm nay, rét đậm, rét hại sẽ không nhiều và sản xuất vụ đông sẽ diễn ra trong bối cảnh thời tiết ấm hơn so với trung bình nhiều năm qua. Sự bất thường này sẽ tác động trực tiếp đến ngành trồng trọt. Nông dân xã Xuân Mãn, huyện Lộc Bình làm đất chuẩn bị gieo trồng vụ xuânVụ xuân năm trước, thời tiết không có nhiều biến động, rét kéo dài tới tận tháng 3 âm lịch. Chính vì vậy, về thời vụ vẫn chậm hơn so với các địa phương lân cận. Tuy nhiên điểm mấu chốt của vụ xuân năm 2012 là nhuận tháng 4 âm lịch, do vậy kỳ lúa trỗ bông đúng với thời điểm thuận lợi. Theo phân tích của lãnh đạo Phòng trồng trọt, Sở NN&PTNT, thì đây là điều kiện quan trọng để Lạng Sơn giành được thắng lợi toàn diện trong vụ sản xuất đó. Tuy nhiên theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn Trung ương thì vụ xuân năm 2013, rất nhiều khả năng...
LSO-Những ngày này, Lạng Sơn đang liên tiếp phải hứng chịu những đợt không khí lạnh tăng cường. Nhưng dự báo trong năm nay, rét đậm, rét hại sẽ không nhiều và sản xuất vụ đông sẽ diễn ra trong bối cảnh thời tiết ấm hơn so với trung bình nhiều năm qua. Sự bất thường này sẽ tác động trực tiếp đến ngành trồng trọt.
Nông dân xã Xuân Mãn, huyện Lộc Bình làm đất chuẩn bị gieo trồng vụ xuân
Vụ xuân năm trước, thời tiết không có nhiều biến động, rét kéo dài tới tận tháng 3 âm lịch. Chính vì vậy, về thời vụ vẫn chậm hơn so với các địa phương lân cận. Tuy nhiên điểm mấu chốt của vụ xuân năm 2012 là nhuận tháng 4 âm lịch, do vậy kỳ lúa trỗ bông đúng với thời điểm thuận lợi. Theo phân tích của lãnh đạo Phòng trồng trọt, Sở NN&PTNT, thì đây là điều kiện quan trọng để Lạng Sơn giành được thắng lợi toàn diện trong vụ sản xuất đó. Tuy nhiên theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn Trung ương thì vụ xuân năm 2013, rất nhiều khả năng thời tiết sẽ ấm hơn nhiều so với các vụ xuân trước, đây sẽ là yếu tố ảnh hưởng trực tiếp tới trồng trọt. Ông Trần Đại Dũng, Trưởng phòng Trồng trọt, Sở NN&PTNT nhận định: trước tiên có thể dự báo với thời tiết ấm bất thường thì nguy cơ sâu bệnh hại sẽ cao hơn nhiều so với mọi năm. Đầu vụ có thể bệnh đạo ôn sẽ xuất hiện nhiều, sau đó là sâu cuốn lá và rầy. Mặt khác, có thể sẽ xảy ra hạn hán đầu vụ gây khó khăn cho sản xuất. Về năng suất, cơ quan chuyên môn phân tích: Trong vụ xuân, các trà lúa xuân đều sử dụng giống cảm ôn, có nghĩa là nếu tích đủ nhiệt độ, lúa sẽ trỗ bông. Thời tiết ấm hơn bình thường sẽ làm cho lúa trỗ sớm hơn mọi năm, một mặt thời vụ sẽ được rút ngắn lại, nhưng mặt khác diễn biến này có thể làm cho lúa không tích lũy đủ dinh dưỡng và trỗ vào thời điểm không thuận lợi gây giảm năng suất.
Trên thực tế, dự báo trước tình hình, trong thời gian qua, ngành NN&PTNT đã đưa ra rất nhiều giải pháp chuyên ngành. Đặc biệt là việc xây dựng thí điểm mô hình cánh đồng mẫu lớn. Nếu triển khai thực hiện tốt việc sản xuất đồng loạt cùng thời điểm, cùng loại giống, thì nguy cơ về sâu bệnh hại sẽ được hạn chế một cách tối đa. Trong khi đó về công tác thủy lợi, giải pháp đưa ra cũng rất cụ thể, đó là điều tiết nước tưới theo khung thời vụ, điều này một mặt giúp cho sản xuất có thể tiến hành đồng loạt, mặt khác tiết kiệm được nước tưới cho sản xuất. Ông Hà Văn Đoàn, Phó Giám đốc Công ty TNHH một thành viên khai thác công trình thủy lợi Lạng Sơn cho biết: hiện nay Công ty được giao quản lý, khai thác 352 công trình thủy lợi lớn, có thể đảm bảo chủ động nước cho trên 15.000 ha diện tích gieo trồng trong vụ đông xuân, trong đó chủ động nước cho khoảng 9.000 ha lúa xuân. Ngoài các công trình thủy lợi lớn do Công ty quản lý, khai thác, thì trong những năm qua, Lạng Sơn đã xây dựng được trên 1.000 công trình thủy lợi kiên cố và trên 2.300 công trình thủy lợi nhỏ do nhân dân các địa phương tự đầu tư, dự kiến toàn bộ hệ thống thủy lợi sẽ đảm bảo chủ động nước cho trên 26.400 ha diện tích các loại cây trồng vụ xuân. Như vậy nếu điều tiết, sử dụng hợp lý có thể hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ hạn hán.
Lãnh đạo phòng Trồng trọt khuyến cáo: đồng thời triển khai thực hiện tốt các biện pháp trên thì về khung thời vụ, nhà nông phải xuống mạ trong khoảng thời gian cuối tháng 2 đến trung tuần tháng 3 dương lịch, kèm theo đó là tăng cường công tác điều tra, dự tính, dự báo tình hình sâu bệnh hại ngay từ khâu gieo mạ và làm tốt công tác vệ sinh đồng ruộng, chăm sóc sau khi gieo cấy. Đặc biệt đối với những chân ruộng không thuận lợi, nhà nông không cấy lúa mà chuyển sang các loại cây khác. Có thể thấy công tác dự báo đã được các cơ quan chuyên môn đưa ra từ rất sớm, kèm theo đó là những giải pháp chuyên ngành cụ thể. Việc các địa phương tuyên truyền, vận động và hướng dẫn nhà nông triển khai thực hiện tốt các giải pháp đó là yếu tố quan trọng để Lạng Sơn tiếp tục giành được thắng lợi trong vụ xuân sắp tới.
Vũ Như Phong
Ý kiến ()