Vụ Việt Á: Đại biểu đặt câu hỏi về quản lý tiền mặt của ngân hàng
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết khi sử dụng tiền mặt, chi tiêu ngân sách Nhà nước thì đối với khoản 20 triệu đồng phải chuyển khoản.
Vấn đề lưu thông tiền mặt đã được nhiều đại biểu quan tâm trong phiên chất vấn đối với vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV vào sáng 9/6.
Đại biểu Nguyễn Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) nêu vấn đề đối với Thống đốc về việc sử dụng tiền mặt lưu thông trên thị trường đã và đang được áp dụng theo quy định của ngành ngân hàng. Tuy nhiên, không ít tổ chức, cá nhân còn sử dụng số lượng rất lớn tiền mặt, lên tới hàng chục tỷ đồng để giao dịch.
“Ví dụ trong vụ Việt Á, có trường hợp khám xét nơi làm việc của người phạm tội có hàng chục tỷ đồng trong tủ. Thống đốc cho biết tại sao có trường hợp này? Phải chăng có sự bất cập trong sự quản lý của ngành ngân hàng?,” ông Hòa đặt câu hỏi.
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, quy định pháp luật hiện hành đã có những quy định đối với những khoản chi của Nhà nước theo một ngưỡng nào đó là phải thực hiện thanh toán qua tài khoản ngân hàng.
Theo bà, hiện nay, Ngân hàng Nhà nước đang trong quá trình tổng kết, đánh giá để sửa đổi các văn bản và những phần quy định về thanh toán tiền mặt sẽ được đánh giá kỹ tác động đối với nền kinh tế.
Tuy nhiên trong thực tế, đối với những giao dịch tiền mặt hay không tiền mặt mà vượt ngưỡng quy định theo Luật Phòng, chống rửa tiền thì các tổ chức, cơ quan thực hiện thanh toán đều có yêu cầu phải báo cáo cho Ngân hàng Nhà nước.
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết thêm, khi sử dụng tiền mặt, chi tiêu ngân sách Nhà nước thì đối với khoản 20 triệu đồng phải chuyển khoản.
“Trong vụ Việt Á, Ngân hàng Nhà nước đánh giá, phân tích, có thể phối hợp và chuyển các cơ quan pháp luật để xác minh, điều tra những giao dịch tiền mặt đó.
Trả lời đại biểu Mai Khanh (đoàn Ninh Bình) về quản lý tiền mặt trong các vụ cá độ, đánh bạc, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh hoạt động rửa tiền qua biên giới là hoạt động thường xuyên, liên tục, nhất là trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu rộng với thế giới. Những giao dịch về thương mại, đầu tư số lượng ngày càng lớn, trong đó các giao dịch qua biên giới phân ra nhiều loại hình.
Những giao dịch về hàng hóa, dịch vụ chuyển tiền mục đích tiêu dùng vãng lai thì các tổ chức, cá nhân phải tự chịu trách nhiệm. Mỗi ngày loại hình thanh toán này có nhiều triệu giao dịch.
“Các tổ chức tín dụng không thể kiểm soát trước, vì nếu kiểm soát trước sẽ ách tắc các giao dịch. Cho nên trong các quy định của pháp luật hiện hành yêu cầu các tổ chức tín dụng thực hiện kiểm tra những chứng từ và các tổ chức, cá nhân tự chịu trách nhiệm về các chứng từ đó,” bà Hồng lý giải./.
Ý kiến ()