Vũ trụ ảo sẽ mang lại cho nền kinh tế Việt Nam 9-17 tỷ USD mỗi năm
Theo phân tích của Deloitte, metaverse có thể tác động tới GDP của các nền kinh tế tại Châu Á trong đó có Việt Nam lên mức 1,4 nghìn tỷ USD vào năm 2035.
Metaverse (hay còn gọi vũ trụ ảo) là một không gian kỹ thuật số được tạo ra nhờ Internet và các ứng dụng công nghệ như thực tế tăng cường (AR), thực tế ảo (Virtual Reality – VR)… Nhờ đó, Metaverse cho phép người dùng có thể tương tác và có các trải nghiệm chân thực như ngoài thực tế.
Việt Nam nằm trong nhóm 5 quốc gia dẫn đầu về các công nghệ Blockchain Metaverse. Theo dự báo của hãng phân tích MarketAndMarkets, thị trường Blockchain Metaverse Việt Nam sẽ đạt quy mô 2,6 tỷ USD vào năm 2026 tức gấp 5 lần so với hiện tại.
Trong 200 công ty Blockchain Metaverse lớn nhất thế giới, hiện có tới 7 công ty đến từ Việt Nam. Theo các chuyên gia, việc giới công nghệ dồn mọi sự chú ý vào Metaverse đang mang lại ngày càng nhiều cơ hội cho Việt Nam.
Theo phân tích gần đây của Deloitte (một trong bốn tập đoàn cung cấp dịch vụ kiểm toán và tư vấn lớn trên thế giới), lợi ích tiềm năng Metaverse mang lại cho nền kinh tế Việt Nam sẽ rơi vào khoảng 9-17 tỷ USD mỗi năm, tương đương với 1,3 đến 2,4% tổng GDP.
Cũng theo Deloitte, Chính phủ Việt Nam cũng đang tích cực xây dựng hành lang pháp lý cho thời kỳ kỹ thuật số, bao gồm một loạt những đánh giá quy định về luật liên quan đến kỹ thuật số trong vòng 1-2 năm tới. Bên cạnh những quy định liên quan đến kỹ thuật số, môi trường hỗ trợ startup cũng là một yếu tố quan trọng.
Theo đại diện Deloitte Việt Nam, không chỉ các startup mà đông đảo người dân đang ở tâm thế đón nhận những công nghệ web mới, và việc ứng dụng sẽ hỗ trợ Việt Nam vững bước trên lộ trình đạt được chiến lược Make in Vietnam và các mục tiêu nền kinh tế số.
Cũng theo Deloitte, tác động của Metaverse đến GDP tại châu Á ước tính rơi vào khoảng 0,8 đến 1,4 nghìn tỷ USD mỗi năm vào năm 2035, tương đương với 1,3 – 2,4% tổng GDP.
“Ước tính này có thể hiện thực hóa trong dài hạn nếu có những khoản đầu tư bền vững vào công nghệ trong vòng 5 – 10 năm tới. Mức độ, tốc độ hiện thực hóa được ước tính sẽ phụ thuộc vào những chiến lược riêng biệt mà các nền kinh tế thực hiện nhằm tối ưu các lợi ích của Metaverse”, đại diện Deloitte nhấn mạnh.
Các phân tích của Deloitte được tổng hợp trong báo cáo: “Metaverse tại châu Á – Những chiến lược nhằm tối ưu hóa những lợi ích kinh tế.” Báo cáo chỉ ra những lợi ích tiềm năng của metaverse tại 12 nền kinh tế thuộc châu Á (Hồng Kông, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Trung Quốc, Pakistan, Philippines, Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan và Việt Nam).
Theo Deloitte, nhận thức của người dân châu Á về Metaverse tương đối cao và những nền tảng Metaverse đầu tiên đang được hàng triệu người trong khu vực sử dụng cho các mục đích như chơi game, giao lưu, tạo ra bản sao kỹ thuật số (digital twin), tham gia các buổi hòa nhạc và mua sắm.
“Metaverse được hình dung sẽ tạo ra những cơ hội công việc, kinh doanh và thị trường mới, đồng thời cải thiện cách thức làm việc, tiêu dùng và hợp tác. Nếu những cơ hội này được phát triển ở mức toàn diện, Metaverse sẽ tạo ra những thay đổi đột phá cho hơn 4 tỷ người đang sinh sống, làm việc và vui chơi tại khu vực,” đại diện Deloitte nhấn mạnh./.
Ý kiến ()