Vũ Sơn: Thêm hướng phát triển kinh tế từ trồng cây mắc ca
– Những năm gần đây, người dân xã Vũ Sơn, huyện Bắc Sơn đã chuyển đổi một số diện tích đất canh tác kém hiệu quả sang trồng cây mắc ca. Hướng đi này bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế, tạo sinh kế cho người dân trên địa bàn xã.
Người dân thôn Nà Tân chăm sóc cây mắc ca
Gia đình anh Lương Đình Trình, thôn Nà Tân là một trong những hộ tiên phong trồng cây mắc ca ở xã Vũ Sơn. Từ năm 2016, qua tìm hiểu kỹ thuật trồng cây mắc ca, anh đã đưa vào trồng tại vườn của gia đình 400 cây. Anh Trình cho biết: “Ban đầu, tôi lấy giống về trồng với ý định xem đất này có phù hợp hay không, sau 5 năm chăm sóc, cây sinh trưởng phát triển tốt và bắt đầu bói quả. Năm 2022, vườn mắc ca của gia đình tôi thu về hơn 3 tấn hạt, tôi bán với giá 35.000 đồng/kg, thu nhập đem lại trên 100 triệu đồng. Hiện nay, đang bước vào vụ thu hoạch, ước tính vụ này sẽ thu hoạch được khoảng 4 tấn quả tươi. Từ hiệu quả kinh tế như vậy, thời gian tới, gia đình tôi sẽ tiếp tục mở rộng diện tích.
Không chỉ gia đình anh Trình, nhiều hộ dân trên địa bàn xã nhận thấy trồng cây mắc ca mang lại hiệu quả kinh tế cao nên đã chủ động đưa vào trồng. Điển hình như anh Lương Đình Thanh, thôn Nà Pán. Anh Thanh cho biết: Mắc ca là cây trồng có sức sống mạnh mẽ, ít sâu bệnh. Sau 5 đến 6 năm trồng, cây bắt đầu cho thu hoạch. Đến nay, gia đình tôi đã chuyển đổi diện tích đất vườn của gia đình sang trồng được 200 cây, hiện đang là vụ thu hoạch mắc ca, năm nay, vườn của gia đình tôi đã cho thu hoạch năm đầu tiên, được thu 5 tạ, dự kiến những năm sau sẽ cho thu hoạch nhiều hơn.
Ngoài 2 hộ trên, đến nay, trên địa bàn xã Vũ Sơn có khoảng 150 hộ trồng cây mắc ca với diện tích trên 11 ha. Cây mắc ca được trồng tập trung ở các thôn: Nà Tân, Nà Pán… Được biết đây là xã có diện tích cây mắc ca lớn nhất trên địa bàn huyện Bắc Sơn.
Bên cạnh sự chủ động của người dân, để hỗ trợ phong trào trồng cây mắc ca và góp phần giúp nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, hằng năm, chính quyền xã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện tổ chức từ 2 đến 3 lớp tập huấn về trồng trọt (trong đó tuyên truyền lồng ghép về kỹ thuật trồng, chăm sóc cây mắc ca). Cùng đó tư vấn, hỗ trợ người dân tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển trồng cây mắc ca. Đặc biệt, năm 2023, gia đình anh Lương Đình Trình, thôn Nà Tân đã đầu tư mua máy sơ chế, xay vỏ và thu mua quả mắc ca của người dân trong xã. Bên cạnh đó, từ đầu năm 2023, UBND xã Vũ Sơn đã tuyên truyền, vận động các hộ trồng mắc ca thành lập hợp tác xã để người dân có cơ hội học hỏi kinh nghiệm về cách trồng, chăm sóc cây mắc ca và liên kết tiêu thụ sản phẩm (hiện nay đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ và thủ tục đăng ký).
Ông Phùng Văn Thư, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Hiện nay, mô hình trồng cây mắc ca trên địa bàn xã đã bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân. Thời gian tới, chính quyền xã sẽ tiếp tục tuyên truyền, khuyến khích các hộ phát triển và mở rộng diện tích cây mắc ca, từ đó hướng đến đưa cây mắc ca thành cây trồng chủ lực của xã. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng tuyên truyền người dân lựa chọn và đưa vào trồng giống cây mắc ca đảm bảo chất lượng.
Mô hình trồng cây mắc ca trên địa bàn xã Vũ Sơn đã bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực. Năm 2022, sản lượng quả mắc ca tươi trên địa bàn xã đạt 15 tấn, với giá bán từ 30.000 đồng – 35.000 đồng/kg, đem lại tổng nguồn thu gần 500 triệu đồng. Từ đó, một số hộ gia đình đã có thu nhập từ 50 đến 100 triệu đồng/vụ.
Ý kiến ()