Vụ sạt lở đá ở núi Cấm, An Giang: Khắc phục nguy cơ đá lăn
Ngày 7-5, việc khắc phục hậu quả vụ sạt lở đá ở núi Cấm, tỉnh An Giang đang được tiến hành khẩn trương. Cùng với việc tập trung xử lý các tảng đá để khai thông mặt đường, ngay chiều cùng ngày, tỉnh An Giang đã khảo sát toàn bộ khu vực có nguy cơ sạt lở để có hướng xử lý an toàn.Ngay sau khi tai nạn lở đá xảy ra làm chết 6 người, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang đã đặt chốt cấm các loại xe lưu thông lên núi theo đường chính để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân. Tuy nhiên, mấy ngày qua, nhiều người hiếu kỳ vẫn lén lút lên núi xem hiện trường vụ sạt lở qua những đường mòn rất nguy hiểm. Đáng ngại, hàng trăm xe gắn máy vẫn sẵn sàng chở khách có nhu cầu lên núi. Một tài xế xe ôm cho biết: “Từ chân núi lên các điểm tham quan chính khoảng 4km, nhiều người sẵn sàng trả 100.000 đồng/người/lượt để được chở lên”. Tuy nhiên, những con đường quá nhỏ, ngang chưa đầy 1m, qua nhiều năm sử dụng đã xuống cấp, nhiều chỗ...
Ngày 7-5, việc khắc phục hậu quả vụ sạt lở đá ở núi Cấm, tỉnh An Giang đang được tiến hành khẩn trương. Cùng với việc tập trung xử lý các tảng đá để khai thông mặt đường, ngay chiều cùng ngày, tỉnh An Giang đã khảo sát toàn bộ khu vực có nguy cơ sạt lở để có hướng xử lý an toàn.
Ngay sau khi tai nạn lở đá xảy ra làm chết 6 người, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang đã đặt chốt cấm các loại xe lưu thông lên núi theo đường chính để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân. Tuy nhiên, mấy ngày qua, nhiều người hiếu kỳ vẫn lén lút lên núi xem hiện trường vụ sạt lở qua những đường mòn rất nguy hiểm. Đáng ngại, hàng trăm xe gắn máy vẫn sẵn sàng chở khách có nhu cầu lên núi. Một tài xế xe ôm cho biết: “Từ chân núi lên các điểm tham quan chính khoảng 4km, nhiều người sẵn sàng trả 100.000 đồng/người/lượt để được chở lên”. Tuy nhiên, những con đường quá nhỏ, ngang chưa đầy 1m, qua nhiều năm sử dụng đã xuống cấp, nhiều chỗ trơn bóng chỉ một sơ suất nhỏ cũng có thể gây tai họa.
Ông Lý Thanh Sang, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Phát triển du lịch An Giang, lo ngại: “Việc những người chạy xe ôm tự ý chở khách lên núi Cấm là vô cùng nguy hiểm. Bởi hiện nay đã vào mùa mưa, các lối mòn này rất dễ xảy ra tai nạn. Đề nghị địa phương phải chấn chỉnh ngay”.
Trong buổi làm việc cùng các cơ quan chức năng tỉnh An Giang sáng 7-5, ông Nguyễn Thanh Hầu, Trưởng Phòng TN-MT huyện Tịnh Biên, cho biết: Khảo sát thực tế cho thấy tại địa điểm xảy ra vụ sạt lở, hiện vẫn còn khá nhiều tảng đá nằm cheo leo rất nguy hiểm.
Theo Sở TN-MT An Giang, nơi sạt lở không thuộc các khu vực đang được cấp phép khai thác khoáng sản nên không có chuyện sạt lở do khai thác đá. Thống kê cụ thể cho thấy, khu vực sạt lở hôm 5-5 hiện còn 5 tảng đá lớn có đường kính từ 2 – 6m và nhiều tảng đá khác nằm rải rác dọc theo đường dẫn lên núi Cấm, có nguy cơ sạt lở. Đặc biệt, một số tảng đá khác còn vướng lại ở các gốc cây có nguy cơ trượt rất cao.
Chiều cùng ngày, Sở GTVT tỉnh An Giang cũng đến hiện trường vụ sạt lở đá để chốt phương án khắc phục sự cố. Theo đó, UBND huyện Tịnh Biên có trách nhiệm chính trong việc giám sát quá trình khắc phục sự cố. Trước mắt cơ quan chức năng giao cho Công ty TNHH Hữu Duẫn, xử lý các khối đá theo phương án xẻ nhỏ rồi cho lăn (có kiểm soát) xuống khu vực đã định. UBND tỉnh An Giang giao Sở TN-MT tỉnh phối hợp với UBND huyện Tri Tôn, Tịnh Biên, Thoại Sơn tổ chức khảo sát, kiểm tra toàn bộ các khu vực có dân cư sinh sống quanh đồi núi cũng như các điểm có nguy cơ sạt lở để khắc phục triệt để.
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()