Vụ pate Minh Chay: Hồi chuông cho các đơn vị sản xuất thực phẩm
Với tính chất nghiêm trọng của vụ ngộ độc pate Minh Chay, doanh nghiệp đã bị đình chỉ sản xuất và thu hồi sản phẩm vi phạm, tuy nhiên có khởi tố hay không thì còn đợi kết luận của cơ quan điều tra.
Những ngày gần đây, dư luận vẫn chưa hết lo lắng khi số người bị ngộ độc do sử dụng pate Minh Chay đã lên đến 2 con số. Câu hỏi đặt ra là liệu sản gắn mác “an toàn” có thực sự an toàn?
Pate Minh Chay có nguồn gốc từ đâu?
Minh Chay được giới thiệu là một thương hiệu xuất phát từ gia đình có truyền thống 30 năm ăn chay trường, trụ sở công ty tại Đông Anh, Hà Nội.
Căn cứ vào báo cáo của Giám đốc Công ty và bản tự công bố, để sản xuất pate chay, doanh nghiệp này sử dụng các nguyên liệu: chân nấm hương hữu cơ, nhân nấm hương, mộc nhĩ, nấm hương khô, nấm hương khô organic, nấm đùi gà to, nấm đùi gà non, nấm sò yến, nấm sò (nấm bào ngư), nấm rơm, nấm đùi gà, dầu oliu, hạt dẻ cười, hạt bí đỏ, hạt hướng dương, đậu xanh, gạo, hạnh nhân, dầu hướng dương, dầu oliu, hạt điều, hạt óc chó, lạc, bột mì, nước tương, bột nêm, hạt tiêu, muối tre, nước mắm từ thực vật.
Với những nguyên liệu đó, pate chay được bán với giá không hề rẻ. Ngoài ra, doanh nghiệp này còn sản xuất các loại ruốc nấm, muối vừng bát bảo, giò lụa lúa mì…
Sở hữu một nhà hàng chay lớn giữa trung tâm phố cổ của Hà Nội, rất nhiều người tin tưởng vào sản phẩm này nói riêng cũng như các sản phẩm có gắn mác “an toàn,” “thực vật,” “nhà làm”… cho đến khi xảy ra hàng loạt vụ ngộ độc do pate Minh Chay chứa vi khuẩn Clostridium botulinum.
Ngay sau khi phát hiện sự việc, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã đề nghị thu hồi triệt để sản phẩm này trên toàn quốc.
Vào tháng 1 năm nay, cơ sở này được Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thuỷ sản Hà Nội cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Tại thời điểm đó, cơ sở này vẫn còn một số tiêu chí chưa đạt, cần phải bổ sung, hoàn thiện. Hiện tại, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội cho hay, tại thời điểm kiểm tra, công ty chưa xuất trình được đầy đủ hồ sơ nguồn gốc, xuất xứ các loại nguyên liệu phục vụ sản xuất các sản phẩm (hợp đồng, hóa đơn).
Doanh nghiệp này cũng chưa cung cấp được số lượng nguyên liệu nhập kho để sản xuất các loại sản phẩm; số lượng toàn bộ sản phẩm đã sản xuất; số lượng toàn bộ sản phẩm đã cung cấp ra thị trường; các hồ sơ theo dõi sản xuất trong thời gian từ 1/7 – 28/8 để phục vụ công tác điều tra nguyên nhân, truy xuất nguồn gốc sản phẩm không đảm bảo an toàn thực phẩm.
Cung cấp thông tin cho báo chí, người đứng đầu cơ sở sản xuất này cho biết, quá trình sản xuất sử dụng máy hấp tiệt trùng 120 độ C trong vòng 45 phút, không dùng hóa chất. “Việc phát sinh vi khuẩn độc vượt ngoài tầm kiểm soát, chúng tôi sẵn sàng chịu trách nhiệm sự cố.”
Chưa có kết luận chính thức từ cơ quan chức năng
Ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và Thuỷ sản cho biết Chi cục Quản lý nông lâm và thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội là đơn vị cấp giấy chứng nhận cho công ty đồng thời cũng là cơ quan chịu trách nhiệm lấy mẫu, kiểm tra thường xuyên các sản phẩm của Minh Chay. Đây là vụ việc rất nghiêm trọng, do đơn vị chủ yếu bán hàng online nên chưa xác định chính xác con số người tiêu thụ tại từng địa phương.
Theo ông Tiệp, đầu tiên, doanh nghiệp phải xem xét lại toàn bộ quá trình sản xuất, điều tra, đánh giá nguyên nhân vì sao sản phẩm nhiễm khuẩn Clostridium botulinum typ B. Trong trường hợp cần thiết, doanh nghiệp có thể đề nghị cơ quan chức năng cử chuyên gia xuống phối hợp để xử lý. Về thời gian điều tra nguyên nhân, theo ông Tiệp, đây là vụ việc phức tạp bởi nhiễm khuẩn có thể từ khâu nguyên liệu, bảo quản nguyên liệu, trong quá trình chế biến, bảo quản sản phẩm…
Hiện tại, cơ quan điều tra vẫn chưa có kết luận chính thức trong khi doanh nghiệp này đã bị định chỉ sản xuất, đình chỉ hiệu lực công bố sản phẩm và phải khắc phục sự cố, thu hồi toàn bộ sản phẩm vi phạm.
Cũng từ vụ việc này, tất cả quận, huyện, thị xã của Hà Nội đã đồng loạt kiểm tra các địa điểm kinh doanh, buôn bán thực phẩm chay, siêu thị, chuỗi nhà hàng chay. Qua kiểm tra 93/126 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chay, các quận, huyện, thị xã đã xử lý vi phạm 14 cơ sở với số tiền 55 triệu đồng. Vi phạm chủ yếu là không xuất trình được bản tự công bố sản phẩm, điều kiện bảo quản chưa bảo đảm theo quy định…
Liên quan tới vụ việc, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho rằng mặc dù đơn vị đã được cấp giấy phép, nhưng không có nghĩa là hoàn tất. Trong luật cũng quy định phải hậu kiểm và theo ông phải tăng cường công tác này.
Qua vụ việc, có thể thấy rất rõ người dùng chưa hẳn đã “an toàn” với những sản phẩm dù có nhãn mác, xuất xứ. Bởi thế, hơn lúc nào hết, công tác hậu kiểm cần được thực hiện chặt chẽ và thường xuyên bên cạnh ý thức của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp sản xuất thực phẩm phải được nâng lên. Có như vậy, những vụ việc ngộ độc đáng tiếc mới được hạn chế…/.
Ý kiến ()