Vụ người lao động Việt Nam xuất cảnh trái phép bị bắt cóc, tra tấn, tống tiền: Tỉnh mộng những giấc mơ hoang
“Không có bữa cơm nào là miễn phí” và cũng không tồn tại khái niệm “việc nhẹ, lương cao”. Thế những vẫn còn đó những người chấp nhận rời quê hương, xuất cảnh trái phép ra nước ngoài với mơ ước tìm được một công việc nhẹ nhàng, mức thu nhập cao ngất ở nơi đất khách quê người. Và những bi kịch bắt đầu.
Các chiêu trò lừa đảo, dụ dỗ người dân ra nước ngoài lao động chui đều chỉ là “bổn cũ soạn lại”. Cái mới chính là nạn nhân, dù các cơ quan chức năng đã cảnh báo bằng mọi hình thức. Thủ đoạn chính mà các đối tượng sử dụng vẫn là hứa hẹn mức lương “cao như mơ”, công việc “sướng như tiên”, không cần bằng cấp, trình độ, kỹ năng làm việc sẽ được đào tạo miễn phí, chỉ cần ngồi phòng lạnh, thao tác trên máy tính, đến tháng nhận lương, thưởng, hoa hồng theo năng suất lao động.
Khi thấy “con mồi” còn do dự, các đối tượng còn hà hơi, tiếp sức thêm bằng cách hỗ trợ toàn bộ chi phí, nơi ăn, chốn ở, xe đưa rước tận tình hoặc sau khi có việc làm ổn định mới hoàn trả lại chi phí và hứa “nếu qua đến nơi, công việc không phù hợp thì sẽ được hỗ trợ điều kiện quay về Việt Nam mà không tốn bất kỳ chi phí nào”.
Nạn nhân mà các đối tượng lựa chọn chủ yếu trong độ tuổi từ 18-35 tuổi, thông qua tìm kiếm việc làm trên mạng xã hội (Zalo, Facebook…). Họ chỉ suy nghĩ đơn thuần, ở đâu cũng là lao động, miễn sao có thu nhập cao. Nếu ra nước ngoài không làm được thì quay về quê hương, xem như một chuyến du lịch “0 đồng”. Họ đâu biết rằng, những đối tượng mà sẵn sàng hỗ trợ họ tận tình mà trước đó chưa hề quen biết, chỉ thông qua mạng xã hội sẽ nhận hoa hồng từ vài triệu đến chục triệu đồng, nếu đưa được người lao động ra nước ngoài. Khi gật đầu, họ đã tự biếnmình thành “món hàng” của bọn bất lương.
Vụ “Tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép, giết người, cướp tài sản và bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản”, xảy ra ngày 25/8, tại tỉnh An Giang và Vương quốc Campuchia mà Công an tỉnh An Giang và Cục Cảnh sát hình sự, cùng các đơn vị nghiệp vụ Bộ Công an đang tích cực điều tra, truy bắt các đối tượng phạm tội là một bài học cảnh tỉnh.
Thông qua mạng xã hội, thấy nội dung được rao: “Có dịch vụ đưa công dân Việt Nam vượt biên trái phép sang Đài Loan bằng đường tàu biển xuất phát từ An Giang hoặc Bà Rịa – Vũng Tàu với giá 6.500 USD/người”, hai thanh niên quê ở Bắc Giang và Thanh Hóa đã đồng ý thỏa thuận xuất cảnh trái phép đi Đài Loan lao động. Hai thanh niên này rủ thêm 3 người khác quê ở Ninh Bình và Hải Dương thành nhóm 5 người để đi ra nước ngoài lao động với mong ước đổi đời.
Để sang được Đài Loan, nhóm 5 người này bị các đối tượng tổ chức dẫn dụ phải đi sang Campuchia “quá cảnh” trước. Vượt biên trái phép bằng đường tiểu ngạch tại tuyến biên giới An Giang, nhóm người lao động thành công đến được cổng Casino Yong Yuan, sau đó được một xe ô tô đến đón và đưa về một căn nhà tại TP Sampeou Poun, tỉnh Kandal, Vương quốc Campuchia. Tại đây, nhóm người lao động được được thông báo “nghỉ ngơi chờ tàu đến rước chở sang Đài Loan”.
Tuy nhiên, khi vừa vào đến nhà, các nạn nhân bị nhóm đối tượng bịt khẩu trang, mang theo súng, dao, gậy tới khống chế, trói chân, tay rồi đánh đập dã man, ép cởi áo rồi đốt túi nilon cho rơi nhiễu vào người.
Bọn chúng cướp tiền, điện thoại di động và những tài sản có giá trị mà các nạn nhân mang theo. Đồng thời, chúng sử dụng điện thoại của các nạn nhân liên lạc trực tiếp qua mạng xã hội với người nhà nạn nhân để quay video cho họ thấy cảnh nạn nhân đang bị đánh đập, ép buộc người nhà phải chuyển tiền vào các tài khoản ngân hàng do chúng chỉ định để chuộc người.
Thấy gia đình các nạn nhân chần chừ, chúng liên tục đánh đập, dùng dao đâm vào đùi các nạn nhân để gây sức ép với gia đình. Quá sợ hãi, người thân của 3 nạn nhân đã chuyển nhiều lần với tổng số gần 500 triệu đồng nhưng các đối tượng vẫn không thả người. Một trong 5 nạn nhân đã bị tra tấn đến chấn thương sọ não, tử vong. 4 người còn lại lợi dụng đêm tối và sơ hở của đối tượng đã tự cởi trói, trốn chạy qua sông về Việt Nam cầu cứu lực lượng chức năng.
Anh N.V.T. (SN 1982, ngụ tỉnh Hải Dương), là một trong bốn người may mắn trốn thoát cho biết, cả nhóm dự định qua Đài Loan tìm việc, được báo giá cho một chuyến vượt biên như vậy là 6.500 USD/người (khoảng 150 triệu đồng), khi xuất cảnh được trót lọt an toàn thì mới phải chi trả. Mọi người thấy cũng hợp lý và yên tâm.
“Thế nhưng, chuyến đi này thật sự là cơn ác mộng, còn giữ được mạng về với gia đình, quê hương là một điều quý giá. Anh M. (nạn nhân bị các đối tượng tra tấn, đánh đập tử vong tại Campuchia – PV) đã không may mắn như chúng tôi, phải bỏ mạng nơi xứ người. Bài học quá đắt giá cho bản thân tôi. Tôi muốn khuyên mọi người đừng nhẹ dạ, để bị dụ dỗ, rồi rơi vào hoàn cảnh như chúng tôi”, anh T. vẫn chưa hết bàng hoàng.
Thượng tá Lê Vinh Tùng, Phó trưởng Phòng Trọng án thuộc Cục Cảnh sát hình sự cho biết, bước đầu xác định các nạn nhân và đa số các đối tượng gây án đều là người Việt Nam. Một số đối tượng và nạn nhân đều đã từng đi làm thuê tại Đài Loan. Hoạt động phạm tôi của chúng có tổ chức, xuyên quốc gia. Các đối tượng đã lên kế hoạch rất tỉ mỉ, có tính toán đến việc che giấu hành vi kể từ khi đưa ra thông tin lừa nạn nhân vượt biên trái phép qua Campuchia để đi Đài Loan, thuê nhà trọ trong ngày bằng hình thức đặt cọc, bắt giữ và tra tấn nạn nhân rất dã man, tàn độc, xem thường tính mạng con người. Các đối tượng này còn mang theo vũ khí để thực hiện các hành vi phạm tội và sẵn sàng chống trả lực lượng chức năng. Hành vi của chúng có dấu hiệu phạm các tội “Tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép, giết người, cướp tài sản và bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản”.
Hiện, Công an tỉnh An Giang, Cục Cảnh sát hình sự, các đơn vị nghiệp vụ Bộ Công an đã và đang tích cực phối hợp với cơ quan chức năng thuộc Vương quốc Campuchia bắt giữ, xác định được nhiều đối tượng liên quan và tiếp tục điều tra, truy bắt các đối tượng. Cơ quan Công an kêu gọi các đối tượng có liên quan đến vụ án sớm ra đầu thú, thành khẩn khai báo để hưởng sự khoan hồng của pháp luật.
Thượng tá Nguyễn Hồng Phong, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh An Giang cho biết, vụ hàng chục người trốn chạy khỏi casino tại xã Sampeou Poun, huyện Kaoh Thom, tỉnh Kandal, Vương quốc Campuchia bơi qua sông Bình Di về Việt Nam, vào sáng 18/8/2022 và vụ việc lần này là những bài học đắt giá, cảnh tỉnh cho người dân khi muốn ra nước ngoài lao động.
Thời gian qua, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh An Giang liên tiếp tiếp nhận các trình báo, vụ việc liên quan đến tình trạng người dân tbị lừa qua nước ngoài để làm việc. Nếu người lao động muốn trở về Việt Nam thì phải liên hệ người nhà chuyển tiền chuộc. Đa phần các nạn nhân bị lừa sang Campuchia đều từ 18-35 tuổi, ttìm kiếm việc làm trên mạng xã hội (Zalo, Facebook…) hoặc từ bạn bè, người quen rủ rê…
Thượng tá Nguyễn Hồng Phong khuyến cáo, người dân cần cảnh giác trước các lời mời, kêu gọi ra nước ngoài “làm việc nhẹ, lương cao”, không mất chi phí đi lại… trên mạng xã hội. Người dân không tiếp tay, giúp đỡ cho nhóm đối tượng đưa người xuất cảnh trái phép. Đối với người dân có nhu cầu đi lao động ở nước ngoài cần tìm hiểu kỹ, liên hệ cơ quan chức năng tại địa phương để được tư vấn, hỗ trợ và phải tuân thủ các quy định của pháp luật về xuất, nhập cảnh, xuất khẩu lao động tại nước ngoài. Đồng thời, người dân thường xuyên tìm hiểu để nâng cao trình độ văn hoá, pháp luật, kỹ năng tự bảo vệ, có thể đảm bảo an toàn cho bản thân và giúp cho người thân khỏi bị lừa, mua bán. Quan trọng luôn nhớ địa chỉ và số điện thoại tin cậy, có thể là của chính quyền, cơ quan, tổ chức, người thân,… để có thể liên hệ giúp đỡ khi cần thiết.
Nguồn:https://cand.com.vn/Ban-tin-113/tinh-mong-nhung-giac-mo-hoang-i706382/
Ý kiến ()