Vụ MV của Sơn Tùng: Nghệ sỹ cần nâng tầm văn hóa và trách nhiệm xã hội
Việc gỡ, chặn các sản phẩm nguy hại chỉ là giải pháp tình thế khi sự đã rồi. Cơ quan quản lý nhà nước phải có những giải pháp tổng thể để Việt Nam có một môi trường văn hóa lành mạnh hơn.
Sau khi bị dư luận phản đối và cơ quan chức năng “tuýt còi,” ca sỹ Sơn Tùng M-TP đã lên tiếng xin lỗi và tuyên bố sẽ chủ động ngừng phát hành video ca nhạc (MV) mới.
Tuy nhiên, “There’s No One At All” vẫn tồn tại trên YouTube ở các quốc gia khác chứ không bị gỡ bỏ hoàn toàn. Với động thái này, Sơn Tùng M-TP có thực sự “cầu thị, lắng nghe” như trong tâm thư, hay đây chỉ là hành động đối phó với cơ quan quản lý nhà nước?
Lại một lần nữa, dư luận xã hội lo ngại về những sản phẩm giải trí có thể ảnh hưởng đến tâm lý và lệch lạc lối sống của giới trẻ. Sự việc này cũng một lần nữa cho thấy cần một giải pháp tổng thể để Việt Nam thực sự có một nền văn hóa lành mạnh.
Sản phẩm gây tranh cãi
Tối 28/4, giọng ca gốc Thái Bình ra mắt MV hát tiếng Anh đầu tiên trong sự nghiệp. Anh vào vai một kẻ lang thang, ương ngạnh và coi việc tấn công mọi người vô cớ là cách để khẳng định sự tồn tại của mình. Cuối cùng, nhân vật đã chọn cách tự sát bằng việc nhảy từ trên lầu cao.
Công chúng bày tỏ lo lắng MV sẽ gây ảnh hưởng xấu đến khán giả trẻ, nhất là tinh thần này lại được truyền đi từ một ca sỹ có lượng fan rất lớn.
Khán giả Vũ Ngọc Mai đang sống ở Mỹ cho hay cô cảm thấy nghẹn thở khi xem clip bởi bản thân Mai là một người trầm cảm đang phải trị liệu.
“Xem MV, tôi thấy thế giới này thật đáng sợ. Tôi không hề cảm nhận được sự cô đơn, đáng thương… mà chỉ thấy một thanh niên thích gây rối, đập phá, oán trách người khác. Lẽ nào những đứa trẻ bị tổn thương có quyền hành động như vậy?” Mai bày tỏ ý kiến.
Vũ Ngọc Mai còn cho rằng nhiều hình ảnh trong MV bắt chước sản phẩm của ca sỹ G-Dragon (Hàn Quốc) mà Sơn Tùng M-TP từng dính nghi án đạo nhái ca sỹ này rất nhiều lần.
Là một phụ huynh có con đang trong độ tuổi dậy thì, chị Phạm Thu Hương (quận Hoàng Mai, Hà Nội thực sự lo ngại khi xem clip, đặc biệt là khi nội dung này đến từ một ca sỹ nổi tiếng, được giới trẻ hâm mộ.
Theo chị Hương, dù có thể mục đích của ca sỹ là muốn nhắc nhở mọi người hãy biết quan tâm nhiều hơn đến những người xung quanh, để không ai cảm thấy bị bỏ rơi. Tuy nhiên, cách xây dựng nội dung, hình ảnh của clip lại dễ làm tăng cảm xúc tiêu cực, kích động giới trẻ, vốn đang ở độ tuổi chưa đủ chín chắn trong nhận thức và dễ bị tổn thương, dẫn tới hành động tiêu cực như nhân vật trong clip này.
Gần đây, không chỉ có vụ em bé 15 tuổi tự tử mà có đến 4-5 vụ xảy ra liên tiếp. Đây là một thực trạng rất đáng báo động, trong khi việc clip này ra đời chỉ sau những vụ việc đó vài chục ngày khiến tôi rất lo lắng vì có cảm giác MV cổ súy cho hành động tiêu cực,” chị Hương nói.
”Trên mạng xã hội có rất nhiều quan điểm trái ngược, cũng có nhiều người cho rằng việc ‘tuýt còi’ MV này là không cần thiết, họ có những ví von với các tác phẩm văn học nghệ thuật khác như ‘Cô bé bán diêm,’ ‘Truyện Kiều’… Vì vậy, chúng ta cần nhìn nhận vấn đề đa chiều và thấu đáo hơn nhưng không nên so sánh khập khiễng. Những tác phẩm nêu trên đã là những sáng tác từ rất lâu, người đọc Andersen, Nguyễn Du giờ này đếm trên đầu ngón tay, đặc biệt là giới trẻ. Tuy nhiên, MV này chỉ sau 24 tiếng đã có lượt truy cập hơn 8 triệu, với sự đầu tư về âm thanh hình ảnh công phu và của một ‘thần tượng’ được giới trẻ yêu thích- thì rất khác…” nhà báo Đ.T.H nêu ra quan điểm.
Khô khốc về cảm xúc và yếu kém trách nhiệm xã hội
Chia sẻ trên trang cá nhân, nhà báo Mi Ly cho rằng: “Vấn đề của MV này là sự nông cạn, MV muốn tạo sự bùng nổ nhưng khi xem tôi thấy khô khốc về cảm xúc. Tôi cảm thấy người nghệ sĩ yếu kém về trách nhiệm xã hội.
Chúng ta không chỉ vừa trải qua một cú sốc về cái chết của cậu bé 15 tuổi nhảy lầu ttự tử, chúng ta còn vừa trải qua hơn 2 năm COVID-19 khiến cả xã hội chịu nhiều tổn thương, mất mát sâu sắc. Tôi tin rằng rất nhiều người đang không có đủ sức khỏe tinh thần để xem những sản phẩm nghệ thuật có chiều hướng, cách thể hiện tiêu cực. Đó là còn chưa tính đến việc xoáy sâu vào nỗi đau của những người có người thân tự tử. Có thể họ không phải là khán giả mục tiêu của người nghệ sĩ này, nhưng chẳng phải vẻ đẹp của nghệ thuật là khi nghệ sĩ biết thấu cảm và chia sẻ với những người bình thường, xa xôi, đau khổ nhất chứ không phải chỉ nhóm mục tiêu mà họ muốn phục vụ?”
“Sự thực là phim ảnh và nhạc của chúng ta vẫn mắc lỗi nông cạn khi làm về chủ đề tâm lý, cho thấy người làm không nghiên cứu đủ và không đủ chân thành,” nhà báo Mi Ly bình luận.
Chia sẻ với phóng viên VietnamPlus về sự việc, Phó giáo sư, tiến sỹ Tâm lý học Trần Thành Nam (Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội) nhận định các cơ quan liên quan đã vào cuộc rất nhanh nhưng nhìn vào số view của MV, thì có thể thấy rằng đã có quá nhiều em học sinh xem clip này và tác hại mà clip gây ra cho tâm lý của các em là điều có thể nhận thấy.
“Đại dịch COVID-19 và thời gian học trực tuyến đã khiến học sinh bị tổn thương sức khỏe tinh thần. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng đã thống kê số vụ tự sát-tự hại tăng cao. Những người trầm cảm đang có ý định tự sát mà tiếp cận với thông điệp mang tính chất tiêu cực đến từ những người nổi tiếng, có sức ảnh hưởng hoặc chính thần tượng của họ thì điều này vô cùng nguy hiểm,” ông Nam khẳng định.
Việc gỡ bỏ tại Việt Nam chỉ là sự ‘đối phó, thiếu thành ý’
Tiến sỹ Đàm Quang Minh, Tổng Giám đốc Khối phổ thông, Giám đốc Dự án Phát triển Giáo dục Phổ thông của Tổ chức Giáo dục EQuest cho rằng đây là một clip hoàn toàn không phù hợp cho giới trẻ. Đáng tiếc là môi trường mạng khiến cho các nội dung được phát tán rất nhanh, rất nhiều người đã xem clip.
Sơn Tùng M-TP có một lượng lớn khán giả là các bạn trẻ Việt Nam sống ở nước ngoài, do đó, lượng views của MV này vẫn tiếp tục tăng. Chưa kể, nội dung bằng tiếng Anh của nam ca sỹ có thể khiến khán giả nước ngoài hiểu sai về những người sáng tạo nghệ thuật Việt Nam.
Do đó, ông Minh cũng lên tiếng kêu gọi mọi người report (báo cáo) clip để YouTube gỡ bỏ không chỉ ở lãnh thổ Việt Nam.
Đồng quan điểm, Phó giáo sư, tiến sỹ Tâm lý học Trần Thành Nam nhìn nhận: Sơn Tùng đã không gỡ MV khỏi YouTube mà chỉ ẩn tại Việt Nam tức là khán giả ở nước ngoài vẫn xem được.
Thậm chí, tại Việt Nam, người dùng vẫn có những thủ thuật để tiếp tục tăng views cho sản phẩm gây tranh cãi này.
Ông Nam cho rằng đây là cách giải quyết không triệt để, không thực tâm nhận ra sai lầm mà chỉ là một hình thức ứng phó với dư luận và cơ quan chức năng.
Sự đã rồi, ông cho rằng các vị phụ huynh cần trò chuyện với con, hỏi xem con có suy nghĩ, cảm nhận như thế nào khi xem clip này. Sau đó, cha mẹ phải giải thích cho con biết rằng nội dung này chỉ là hư cấu, không phải là trải nghiệm thực tế của nam ca sỹ này.
“Phụ huynh có thể giải thích rằng ca sỹ đang phản ánh một điều có thể xảy ra trong cuộc sống nhưng trên thực tế, dù trong hoàn cảnh khó khăn, chúng ta luôn có những cách giải quyết tích cực hơn. Bên cạnh đó, cha mẹ hãy giới thiệu những những tấm gương vượt lên hoàn cảnh,” chuyên gia nêu ý kiến.
Cần có cơ chế ‘tiền kiểm’
Về lâu dài, Phó giáo sư, tiến sỹ Tâm lý học Trần Thành Nam cho rằng cơ quan quản lý nhà nước phải có những giải pháp rất tổng thể để Việt Nam có một môi trường văn hóa, môi trường mạng lành mạnh, an toàn.
Thứ nhất là cần thay đổi cơ chế quản lý với các sản phẩm sáng tạo.
“Chúng ta phải có cơ chế tiền kiểm chứ không thể chỉ hậu kiểm, sai thì gỡ như thế này. Trước khi công bố lên mạng, các sản phẩm này phải được kiểm duyệt như phim điện ảnh,” ông nói.
Giải pháp thứ hai là yêu cầu những người tham gia sáng tạo nội dung trên nền tảng số phải tham gia lớp học bắt buộc, phải có “chứng chỉ hành nghề” để nắm được luật, quy tắc ứng xử và nâng cao nhận thức về những tác động, nguy cơ có thể gây ra cho cộng đồng.
“Mục tiêu của nghệ thuật phải là hướng đến sự chữa lành. Khi buồn chán, đau khổ, chúng ta tìm đến âm nhạc, phim ảnh như một cách thức để giải trí, xoa dịu tâm hồn, nên nghệ thuật phải cứu rỗi chứ không thể mang cái nhìn u ám, làm mất động lực, niềm tin vào tương lai,” ông nhấn mạnh.
Dưới góc độ luật pháp, thạc sỹ Nguyễn Đức Hùng, Phó Giám đốc Công ty Luật TGS (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) cho rằng kênh YouTube của ca sỹ Sơn Tùng M-TP đã vi phạm quy định cấm trong hoạt động nghệ thuật biểu diễn được quy định tại khoản 4 Điều 3 Nghị định 144/2020/NĐ-CP của Chính phủ: “Sử dụng trang phục, từ ngữ, âm thanh, hình ảnh, động tác, phương tiện biểu đạt, hình thức biểu diễn hành vi trái với thuần phong, mỹ tục của dân tộc, tác động tiêu cực đến đạo đức, sức khỏe cộng đồng và tâm lý xã hội.”
Theo đó, kênh này sẽ bị phạt tiền từ 30-40 triệu đồng đồng thời phải thực hiện biện pháp khắc phục như: Buộc tiêu hủy văn hóa phẩm có nội dung độc hại; Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm; Buộc tháo gỡ bản ghi âm, ghi hình, văn hóa phẩm có nội dung độc hại dưới hình thức điện tử trên môi trường mạng và kỹ thuật số.
Nền tảng YouTube cũng nhiều lần khẳng định “không cho phép đăng tải nội dung khuyến khích tự sát, tự hủy hoại bản thân, gây rủi ro đáng kể cho người xem.”./.
Ý kiến ()