Vụ mượn bằng tại Đắk Lắk: Cần bịt 'kẽ hở' trong thẩm tra lý lịch
Qua vụ việc của bà Trần Thị Ngọc Ái S cho thấy, công tác thẩm tra, xác minh lý lịch kết nạp đảng viên cũng như công tác giới thiệu, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ vẫn còn “kẽ hở,” cần chấn chỉnh.
Vụ việc bà Trần Thị Ngọc Ái Sa (tên theo tường trình là bà Trần Thị Ngọc Thảo), một cán bộ Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk “mượn” Bằng tốt nghiệp Trung học Phổ thông của chị gái để làm việc, học tập và thăng tiến lên đến chức Trưởng phòng Quản trị, bị “phanh phui” đã làm “nóng” dư luận trong những ngày qua.
Quan điểm của Thường trực Tỉnh ủy, lãnh đạo Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk là xử lý nghiêm sai phạm của bà Trần Thị Ngọc Ái Sa và các cá nhân, tổ chức có liên quan theo quy định của Đảng, Nhà nước.
Các bước xử lý vẫn đang được các cơ quan chức năng thực hiện và kết quả sẽ được thông tin trước công luận.
Tuy nhiên, qua vụ việc này cho thấy, công tác thẩm tra, xác minh lý lịch kết nạp đảng viên cũng như công tác giới thiệu, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ vẫn còn “kẽ hở,” cần chấn chỉnh.
Sai sót trong công tác thẩm tra, xác minh lý lịch
Theo thông tin từ Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk, ngày 22/8/2019, Thường trực Tỉnh ủy, Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Văn phòng Tỉnh ủy, Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh nhận được Đơn tố cáo (nặc danh) tố cáo bà Trần Thị Ngọc Ái Sa, sinh ngày 25/5/1973, chức vụ: Trưởng phòng Quản trị – Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk.
Theo nội dung đơn tố cáo, bà Trần Thị Ngọc Ái Sa tên thật là Trần Thị Ngọc Thảo (sinh năm 1975); chưa học hết cấp 3 nhưng đã lấy bằng cấp 3 của bà Trần Thị Ngọc Ái Sa (là chị ruột) để đi học Trung cấp, học liên thông lên Đại học và hiện nay đã học đến Thạc sỹ; đồng thời kê khai lý lịch cán bộ công chức không trung thực…
Ngay khi nhận được đơn thư tố cáo, Thường trực Tỉnh ủy, Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Văn phòng Tỉnh ủy đã kịp thời chỉ đạo, giải quyết.
Qua xem xét nội dung đơn tố cáo và thẩm tra, xác minh, đối chiếu với các hồ sơ, tài liệu có liên quan, ngày 17/9/2019, Ban Tổ chức Tỉnh ủy kết luận nội dung Đơn tố cáo bà Trần Thị Ngọc Ái Sa (sinh ngày 25/5/1973, chức vụ: Trưởng phòng Quản trị – Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk) có tên thật là Trần Thị Ngọc Thảo, sinh năm 1975, là đúng sự thật.
Quá trình công tác của bà Trần Thị Ngọc Ái Sa (tên thật Trần Thị Ngọc Thảo), như sau: Từ năm 1999 đến tháng 5/2002 làm nhân viên tại Xí nghiệp chế biến Càphê, thuộc Công ty Xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk; từ tháng 5/2002 đến tháng 4/2005 làm Kế toán trưởng tại Khách sạn Bạch Mã, thành phố Buôn Ma Thuột; từ tháng 5/2005 đến tháng 5/2011 phụ trách kế toán rồi làm Kế toán trưởng tại Nhà khách tỉnh Đắk Lắk; từ tháng 5/2011 đến tháng 10/2019 công tác tại Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk, lần lượt giữ các chức vụ nhân viên kế toán, Phó Trưởng phòng Quản trị, Trưởng phòng Quản trị thuộc Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk. Bà Trần Thị Ngọc Ái Sa được kết nạp Đảng ngày 10/3/2013; vào Đảng chính thức ngày 10/4/2014 tại Chi bộ Quản trị, Đảng bộ Văn phòng Tỉnh ủy.
Sau khi vụ việc được “phanh phui,” dư luận đặt câu hỏi: Tại sao việc bà Trần Thị Ngọc Ái Sa (tên thật là Trần Thị Ngọc Thảo) “mượn” bằng cấp 3 của chị gái để học tập, thăng tiến, khai không trung thực trong hồ sơ, nhưng khi thẩm tra, xác minh lý lịch kết nạp Đảng – quy định vốn rất chặt chẽ, lại không phát hiện ra? Phải chăng còn có kẽ hở để “lọt” những người không xứng đáng vào Đảng, từ đó dẫn đến công tác quy hoạch, bổ nhiệm sai?
Liên quan đến quy trình xác minh lý lịch kết nạp Đảng đối với bà Trần Thị Ngọc Ái Sa, ông Nguyễn Thượng Hải, Chánh Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk cho biết, trong hồ sơ sinh hoạt Đảng, bà Ái Sa khai gia đình có 11 anh, chị, em và không khai tên của mình.
Ngoài ra, bà Ái Sa khai có chị gái Trần Thị Ngọc Ánh là đảng viên, công tác tại một trường mầm non trên địa bàn Phường 4 (thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng).
Do đó, quá trình xác minh lý lịch, Chi bộ phòng Quản trị (thuộc Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk) đã xác minh qua chi bộ của chị Ngọc Ánh. Sau đó, chi bộ trường mầm non – nơi chị Ngọc Ánh công tác và Đảng ủy Phường 4 (thành phố Đà Lạt) xác nhận, chị Ngọc Ánh là đảng viên.
Tuy nhiên, Chi bộ phòng Quản trị (Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk) đã sơ suất, không đến Đảng ủy nơi bố mẹ bà Ái Sa sinh sống, để xác minh mới dẫn đến thiếu sót.
Bịt “kẽ hở” trong công tác thẩm tra, xác minh lý lịch cán bộ, đảng viên
Chánh Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk Nguyễn Thượng Hải thừa nhận, vụ việc liên quan đến bà Trần Thị Ngọc Ái Sa (tên thật Trần Thị Ngọc Thảo) hiện giữ chức Trưởng phòng Quản trị – Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk, là vụ việc hết sức đáng tiếc, là bài học sâu sắc trong công tác thẩm tra, xác minh, quản lý, bổ nhiệm cán bộ.
Về mặt Đảng, trước hết trách nhiệm thuộc về người giới thiệu, người thẩm tra xác minh hồ sơ lý lịch Đảng , Chi bộ Phòng Quản trị, Đảng ủy Văn phòng Tỉnh ủy và Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh Đắk Lắk.
Về mặt chính quyền, trong việc đề đạt, bổ nhiệm, trách nhiệm thuộc về lãnh đạo Phòng Quản trị, lãnh đạo Văn phòng Tỉnh ủy và các cơ quan, đơn vị quản lý cán bộ có liên quan.
Theo Chánh Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk Nguyễn Thượng Hải, để tránh được những vụ việc như trên, Tỉnh ủy Đắk Lắk sẽ quán triệt tốt hơn Quy định số 105-QĐ/TW ngày 19/12/2017 của Bộ Chính trị về “phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử” góp phần kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền.
Bên cạnh đó, thực hiện nghiêm các Quy định số 102-QĐ/TW ngày 15/11/2017 của Bộ Chính trị về “xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm,” trong đó quy định rõ nếu cán bộ đảng viên sử dụng bằng cấp giả để lên chức, hình thức xử lý cao nhất là khai trừ khỏi Đảng. Cùng với đó, thực hiện nghiêm Quy định 126-QĐ/TW ngày 28/2/2018 của Bộ Chính trị về “Một số vấn đề bảo vệ chính trị nội bộ Đảng” và Hướng dẫn số 19 ngày 12/9/2019 của Ban Tổ chức Trung ương về hướng dẫn thực hiện Quy định 126: Tất cả cán bộ, đảng viên từ khâu làm hồ sơ kết nạp Đảng đến khâu tuyển dụng, cử đào tạo, đề bạt, bổ nhiệm, giới thiệu bầu cử đều phải được thẩm tra về tiêu chuẩn chính trị, trong đó có vấn đề bằng cấp.
Đặc biệt, triển khai, quán triệt thực hiện nghiêm Quy định số 205-QĐ/TW ngày 23/9/2019 của Bộ Chính trị về việc “Kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền” quy định rõ về hành vi, đối tượng chạy chức chạy quyền và xử lý cán bộ, đảng viên có hành vi chạy chức, chạy quyền hoặc bao che, tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền.
Trao đổi xoay quanh vấn đề trên, Tiến sỹ Lương Hữu Nam, Trưởng khoa Xây dựng Đảng, Trường Chính trị tỉnh Đắk Lắk cho rằng, vụ việc bà Trần Thị Ngọc Ái Sa (tên thật là Trần Thị Ngọc Thảo) “mượn” bằng tốt nghiệp Trung học Phổ thông của chị gái và không trung thực trong kê khai lý lịch Đảng, lý lịch cán bộ là một trường hợp đáng tiếc xảy ra. Điều đó cho thấy, công tác phát triển đảng viên vẫn còn kẽ hở, bất cập.
Đồng thời, qua vụ việc này cũng rút ra những bài học cho các cấp ủy đảng trong công tác phát triển đảng viên nói chung và công tác kết nạp đảng viên nói riêng, để từ đó ngày càng hoàn thiện công tác này.
Theo Tiến sỹ Lương Hữu Nam, công tác phát triển đảng cần có sự phối kết hợp chặt chẽ giữa tổ chức đảng nơi công tác và tổ chức đảng nơi cư trú trong việc nhận xét, thẩm tra, xác minh lý lịch của người xin vào Đảng, cũng như trong sinh hoạt đảng.
Thực tế cho thấy một số trường hợp, tổ chức đảng nơi cư trú khi nhận xét vào lý lịch của người xin vào Đảng, người nhận xét không nắm rõ lịch sử chính trị, chính trị hiện nay cũng như quan hệ gia đình, xã hội của người xin vào Đảng, mà chủ yếu dựa vào việc chấp hành nghĩa vụ công dân nơi cư trú, các mối quan hệ, thậm chí là dư luận, mà thiếu kênh thông tin chính thức cho người nhận xét.
Mặt khác, về nguyên tắc, chi ủy, chi bộ nơi cư trú phải tiến hành họp để bàn bạc, thảo luận, trao đổi trước khi nhận xét vào lý lịch, tuy nhiên không phải lúc nào cũng có thể tiến hành cuộc họp. Do đó, Bí thư chi bộ nơi cư trú thường tự mình đứng ra nhận xét. Điều này vô tình tạo kẽ hở trong việc nhận xét, thẩm tra, xác minh lý lịch xin vào đảng.
Cùng với đó, Tiến sỹ Lương Hữu Nam cho rằng, cần nâng cao nhận thức của cấp ủy các cấp, nhất là chi ủy, chi bộ nơi công tác và nơi cư trú về vị trí, vai trò, ý nghĩa của công tác phát triển đảng viên để từ đó nâng cao ý thức, trách nhiệm của mỗi đảng viên, tổ chức đảng trong việc xem xét, thẩm tra, xác minh lý lịch của người xin vào Đảng.
Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát công tác phát triển đảng viên ở các tổ chức cơ sở đảng, kịp thời phát hiện những sai sót, bất cập ngay từ khi mới phát sinh để kịp thời điều chỉnh tránh được các trường hợp sai sót sau khi kết nạp xong, hoặc có đơn thư khiếu nại, tố cáo./.
Theo vietnamplus.vn
Ý kiến ()