Vụ mùa Đình Lập: Nhà nông vượt khó
LSO - Thời tiết vô cùng khắc nghiệt, mưa to, bão lũ xảy ra liên tiếp, những tưởng người nông dân huyện Đình Lập sẽ mất trắng vụ mùa. Nhưng với sự nỗ lực, cố gắng của bà con, những trà lúa mùa đã đồng hành cùng người nông dân nơi đây vượt qua mọi khó khăn, thử thách để đơm bông, kết hạt. Đến thời điểm này, toàn huyện đã thu hoạch xong trên 90% diện tích lúa mùa.
Người dân thôn Phật Chỉ, xã Đình Lập phơi thóc vụ mùa
Vụ mùa năm nay, toàn huyện gieo cấy được 1.180 ha. Tuy nhiên, ngay sau khi bà con vừa cấy xong thì cơn bão số 2 đổ về làm phần lớn diện tích lúa bị ngập sâu trong nước. Ông Bùi Văn Cường, Phó Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện cho biết: Ngay khi cơn bão tràn về, các ban, ngành chức năng của huyện đã tiến hành kiểm tra, tuyên truyền, vận động bà con nước rút đến đâu thau rửa lá lúa đến đó, tích cực chăm sóc…. để lúa phục hồi. Nhưng do cơn bão mạnh, lượng mưa lớn nên toàn huyện vẫn có 65 ha lúa bị ảnh hưởng nặng nề. Trong đó, có trên 30 ha mất trắng, trên 30 ha năng suất bị ảnh hưởng từ 30% đến 70%. Trước thực tế trên, UBND huyện đã báo cáo UBND tỉnh và được hỗ trợ 3.360 kg thóc giống để bà con gieo trồng bổ sung.
Vừa trải qua cơn bão số 2 chưa được bao lâu, khi lúa mùa đang trong giai đoạn đẻ nhánh thì cơn bão số 3 lại tràn về, một lần nữa, những trà lúa mùa lại bị ngập sâu trong nước. Tuy nhiên, do bà con luôn chủ động nên ngay sau khi nước rút, người nông dân đã tích cực chăm sóc, làm cỏ, bón phân nên lúa phục hồi nhanh, tiếp tục sinh trưởng, phát triển. Một số xã bị ảnh hưởng nặng bởi cơn bão số 2 và số 3 như: Bắc Xa, Đình Lập, Châu Sơn, Bắc Lãng, Đồng Thắng, Thái Bình, thị trấn Nông trường Thái Bình…, bà con cũng nỗ lực vượt khó để chăm bón giúp cây lúa phát triển tốt.
Vừa trải qua 2 trận bão lớn, khi những trà lúa mùa đang trong giai đoạn đẻ nhánh rộ thì sâu bệnh xuất hiện nhiều, đặc biệt là sâu cuốn lá. Trước thực tế trên, Trạm Bảo vệ thực vật huyện đã ra thông báo và phối hợp chặt chẽ với UBND các xã, thị trấn tuyên truyền, vận động, hướng dẫn bà con nông dân phun thuốc phòng trừ. Vì vậy, sâu bệnh mặc dù xuất hiện nhiều nhưng đã được khống chế kịp thời, không để phát sinh thành dịch.
Cuối tháng 10/2014, khi những trà lúa mùa đã chín vàng óng ả, chuẩn bị cho thu hoạch thì đồng ruộng nơi đây tiếp tục gặp phải một trận mưa lớn kéo dài làm hàng trăm ha lúa bị ngập nước. Trong đó có trên 10 ha bị mất trắng do đất đá sạt lở, vùi lấp. Số còn lại nơi nào thuận tiện bà con lội nước gặt lúa hoặc nước rút đến đâu tranh thủ gặt đến đó, rồi phơi thóc ngay để tránh hạt thóc bị nảy mầm. Tranh thủ phơi những bao thóc vừa thu hoạch về, bà La Thị Thơm, thôn Phật Chỉ, xã Đình Lập chia sẻ: chưa năm nào gia đình tôi và các hộ trong thôn gặp phải một mùa vụ vất vả như năm nay. Vượt qua 2 cơn bão lớn, những tưởng đến ngày lúa chín vàng sẽ được thu hoạch thuận lợi. Nào ngờ cơn mưa to những ngày cuối tháng 10 đã làm hơn 1 mẫu ruộng của gia đình tôi ngập sâu trong nước, bùn đất bám đầy các bông lúa. Vì vậy, ngay sau khi nước rút, gia đình đã khẩn trương thu hoạch lúa rồi phơi hong ngay để rũ bỏ bùn đất bám trên các hạt thóc, tránh cho lúa bị mốc hay nảy mầm. Dù vụ mùa năm nay có vô cùng vất vả, thời tiết diễn biến phức tạp nhưng cuối cùng gia đình tôi và nhiều hộ trong thôn vẫn được thu hoạch.
Thiên tai, bão lũ liên tiếp xảy ra nhưng với sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự vào cuộc có trách nhiệm của các ban, ngành chức năng và sự nỗ lực của người nông dân nên vụ mùa năm nay bà con vẫn được thu hoạch với năng suất ước đạt 39 tạ/ha. Hiện các ban, ngành chức năng đang phối hợp với UBND các xã có diện tích cây trồng vụ đông tuyên tuyền, vận động bà con thu hoạch song đến đâu, vệ sinh, làm đất, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để gieo trồng vụ đông đến đó.
Bài, ảnh: Tân An - Đức Anh
Ý kiến ()