LSO-Có quốc lộ 1B và tỉnh lộ 241 qua địa bàn, lại ở vị trí giáp ranh với tỉnh Thái Nguyên, rất thuận lợi về giao thương giữa các vùng miền, song xã Vũ Lễ (Bắc Sơn) là địa bàn luôn đứng trước nguy cơ bệnh truyền nhiễm nguy hiểm là dịch cúm gia cầm H5N1 và bệnh tay-chân-miệng ở trẻ em. Trẻ em người Dao ở Lân Kẽm (Vũ Lễ) Bắc SơnCho đến nay địa phương này đã có 2 đợt dịch cúm gia cầm do chủng vi rút H5N1 gây ra. Đợt thứ nhất vào tháng 5/2011 xuất hiện trên đàn gia cầm ở thôn Quang Tiến khiến địa phương phải tiêu hủy 726 kg gà vịt và áp dụng các biện pháp mạnh đề phòng H5N1 lây sang người. Nguyên nhân được xác định là do đàn chim di cư trong thời gian lưu lại địa phương khiến vi rút phát tán. Gần đây, vào tháng 9/2012, dịch lại bùng phát ở thôn Thống Nhất với đàn gia cầm của 2 hộ gia đình; nguyên nhân là người dân mua gia cầm nơi khác về và đàn gia cầm của gia đình bị lây nhiễm. Song song...
LSO-Có quốc lộ 1B và tỉnh lộ 241 qua địa bàn, lại ở vị trí giáp ranh với tỉnh Thái Nguyên, rất thuận lợi về giao thương giữa các vùng miền, song xã Vũ Lễ (Bắc Sơn) là địa bàn luôn đứng trước nguy cơ bệnh truyền nhiễm nguy hiểm là dịch cúm gia cầm H5N1 và bệnh tay-chân-miệng ở trẻ em.
Trẻ em người Dao ở Lân Kẽm (Vũ Lễ) Bắc Sơn
Cho đến nay địa phương này đã có 2 đợt dịch cúm gia cầm do chủng vi rút H5N1 gây ra. Đợt thứ nhất vào tháng 5/2011 xuất hiện trên đàn gia cầm ở thôn Quang Tiến khiến địa phương phải tiêu hủy 726 kg gà vịt và áp dụng các biện pháp mạnh đề phòng H5N1 lây sang người. Nguyên nhân được xác định là do đàn chim di cư trong thời gian lưu lại địa phương khiến vi rút phát tán. Gần đây, vào tháng 9/2012, dịch lại bùng phát ở thôn Thống Nhất với đàn gia cầm của 2 hộ gia đình; nguyên nhân là người dân mua gia cầm nơi khác về và đàn gia cầm của gia đình bị lây nhiễm. Song song với dịch cúm gia cầm H5N1, trên địa bàn thường có bệnh tay-chân-miệng lưu hành. Từ tháng 9 đến nay toàn xã đã có 49 ca mắc tại hầu hết các thôn.
Tuy không có hộ gia đình chăn nuôi gia cầm với quy mô lớn, song do có chợ, có đầu mối giao thông, nên gia cầm được buôn bán về thường không rõ xuất xứ nguồn gốc, cộng với sự chủ quan của người dân, nên nguy cơ lây lan là rất lớn. Trước diễn biến phức tạp của 2 loại dịch bệnh này, Ban bảo vệ chăm sóc sức khỏe nhân dân xã đã đẩy mạnh tuyên truyền tới người dân về tác động của dịch cúm gia cầm tới sản xuất và sức khỏe của con người, tuyên truyền cách phòng bệnh tay- chân- miệng tại gia đình. Những kiến thức phòng chống H5N1, phòng chống bệnh tay-chân-miệng còn được phổ biến thông qua các buổi họp dân tại các thôn bản, lồng ghép với các chương trình khác trong các hội nghị tại Trung tâm học tập cộng đồng. Song song với tuyên truyền, cơ quan chức năng của huyện, xã đã tăng cường kiểm soát gia cầm tại các phiên chợ… Lực lượng thú y địa phương phân lịch tiêm phòng tại các thôn bản và có nhiều chế tài đối với các hộ không tuân thủ lịch tiêm phòng cho đàn gia cầm như đưa tiêu chí này vào việc bình xét gia đình văn hóa, thôn văn hóa, hoặc gia đình đó phải chịu trách nhiệm nếu để lây lan ra diện rộng. Các cán bộ phòng khám đa khoa khu vực Vũ Lễ cùng với trạm y tế xã cử cán bộ hướng dẫn người dân và trường mầm non về cách nhận biết trẻ bị bệnh tay-chân-miệng, cách vệ sinh cho trẻ và tẩy rửa phòng học, vệ sinh đồ chơi. Nhận thức được tầm quan trọng của việc phòng chống dịch cúm gia cầm và sự nguy hiểm nếu vi rút H5N1 lây sang người, bà con nhân dân đã tự giác tuân thủ tiêm phòng và thực hiện vệ sinh chuồng trại, môi trường xung quanh; biết cách giữ vệ sinh cho trẻ và đưa trẻ đến trạm y tế kịp thời nếu phát hiện bệnh tay-chân-miệng. Anh Triệu Văn Thanh, Bí thư Chi đoàn thôn Lân Kẽm nói rằng, con gà con vịt là nguồn thực phẩm chủ yếu của các gia đình, nhất là dịp lễ tết. Vì vậy, đoàn thanh niên luôn gương mẫu và nhắc nhở gia đình mình không mua gia cầm không rõ nguồn gốc và phải tiêm phòng đúng theo lịch của thú y. Còn cô giáo Hoàng Thị Hồng Thương, giáo viên phân trường mầm non Lân Kẽm, ngoài việc giữ gìn vệ sinh phòng học, đồ dùng, đồ chơi, còn phổ biến cho bà con vào giờ đưa đón trẻ về cách vệ sinh cho trẻ.
Trao đổi với ông Dương Công Bình, Phó Chủ tịch UBND xã Vũ Lễ, chúng tôi được biết, do xã tuyên truyền sâu và có biện pháp kịp thời, nên dịch cúm gia cầm được khoanh vùng khống chế và dập dịch nhanh, không để lây ra diện rộng. Bệnh tay- chân- miệng ở trẻ em cũng bắt đầu giảm bớt, không có ca biến chứng nặng. Ông Bình cho rằng, tuy đã tích cực phòng và chống, song trên địa bàn vẫn tiềm ẩn nguy cơ 2 loại dịch bệnh này; một số hộ dân, nhất là những hộ buôn bán gia cầm từ Thái Nguyên sang vẫn còn thờ ơ về nguy hại của cúm gia cầm H5N1 đối với cộng đồng. Vì vậy, từ nay đến cuối năm và nhất là trong dịp tết Nguyên đán sắp tới, xã sẽ có những biện pháp mạnh hơn để ngăn chặn dịch quay trở lại. Mặt khác, Ban chỉ đạo chăm sóc sức khỏe nhân dân của xã chỉ đạo tuyên truyền sâu hơn về bệnh tay-chân-miệng, nhằm bảo vệ sức khỏe trẻ em, tránh tình trạng các cháu phải nghỉ học, ảnh hưởng tới tiến độ và chất lượng phổ cập giáo dục mầm non ở địa phương.
Trần Kim
Ý kiến ()