Vũ Lễ: Phát triển kinh tế từ làm đồ thủ công mỹ nghệ
(LSO) – Thời gian qua, một số hộ dân xã Vũ Lễ, huyện Bắc Sơn đã phát triển kinh tế từ sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ. Hướng đi này đã tạo nét riêng cho xã; đồng thời, góp phần tạo việc làm ổn định cho lao động nông thôn; tăng thu nhập cho các hộ làm nghề.
Năm 2003, một vài gia đình trong xã Vũ Lễ sau khi đi tìm hiểu, học hỏi ở các tỉnh miền xuôi về đã mở xưởng sản xuất và bán đồ thủ công mỹ nghệ. Tuy nhiên, phải đến năm 2010, sản xuất và kinh doanh đồ gỗ mỹ nghệ trên địa bàn xã mới thực sự phát triển.
Ông Trần Sỹ Kiên, chủ cửa hàng đồ gỗ nội thất cao cấp Kiên Hiền, thôn Ngả Hai là người đầu tiên mở xưởng sản xuất và bán đồ thủ công mỹ nghệ trên địa bàn xã Vũ Lễ. Ông Kiên cho biết: Năm 2003, tôi mở xưởng sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ. Ban đầu, tôi chỉ sản xuất bàn, ghế, giường, tủ, đồ đục, tượng… Các sản phẩm làm ra có chất lượng tốt, giá cả bình dân nên thu hút nhiều khách. Do đó, từ năm 2008, tôi mở rộng quy mô cửa hàng và đầu tư vào các sản phẩm cao cấp hơn. Các sản phẩm của cửa hàng hiện có khá nhiều loại với giá bán dao động từ 30 triệu đồng đến 700 triệu đồng/sản phẩm, tùy vào chất lượng gỗ. Hiện nay, xưởng luôn duy trì khoảng 10 lao động với mức thu nhập bình quân từ 8 – 15 triệu đồng/người/tháng.
Khách hàng chọn mua đồ thủ công mỹ nghệ tại xã Vũ Lễ
Hiện nay, ngoài cơ sở sản xuất đồ gỗ nội thất cao cấp Kiên Hiền thì trên địa bàn xã Vũ Lễ còn 5 cơ sở sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ, đồ nội thất cao cấp lớn và khoảng 15 cơ sở sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ, đồ gỗ dân dụng như: đũa, giường, tủ, sập, đồng hồ, bàn phấn… với quy mô nhỏ hơn.
Ông Phan Văn Thông, thôn Minh Tiến cho biết: Năm 2014, sau khi khảo sát nhu cầu và giá cả thị trường, tôi quyết định mở xưởng sản xuất đũa. Căn cứ vào nguồn nguyên liệu sẵn có, xưởng sản xuất 2 loại đũa gồm: đũa gỗ và đũa tre, chủ yếu bán lẻ cho các khách hàng trong huyện và tỉnh. Hiện nay, với 5 nhân công lao động, trung bình mỗi ngày, cơ sở sản xuất được khoảng 1.500 đôi đũa các loại. Với giá bán từ 20 – 25 nghìn đồng/chục, trừ chi phí, cơ sở thu lãi khoảng 500 nghìn đồng/ngày.
Được biết, tại xã Vũ Lễ, các cơ sở sản xuất và bán đồ thủ công mỹ nghệ, đồ gỗ gia dụng tập trung chủ yếu ở 3 thôn: Quang Thái, Minh Tiến, Ngả Hai… Các cơ sở này duy trì từ 5 – 10 thợ/cơ sở. Trong đó, bên cạnh các thợ chính (đục, tạo hình) được thuê tại các làng nghề làm mộc ở các tỉnh: Nam Định, Hải Dương, Hà Tây… thì số nhân công còn lại là các lao động địa phương được tạo việc làm thường xuyên với mức thu nhập bình quân từ 4 đến 6 triệu đồng/người/tháng.
Nhờ sản xuất, kinh doanh hiệu quả nên các cơ sở sản xuất lớn, bình quân mỗi năm trừ chi phí thu lãi từ 700 đến 800 triệu đồng/cơ sở. Với các cơ sở sản xuất nhỏ hơn thu lãi khoảng 200 đến 300 triệu đồng/năm/cơ sở.
Các sản phẩm thủ công mỹ nghệ do các xưởng trên địa bàn xã sản xuất đa phần là sản phẩm có tính ứng dụng cao nhưng đáp ứng được các tiêu chí về chất lượng tốt, mẫu mã đa dạng, đẹp, độc đáo, độ bền cao. Chính vì vậy, ngoài các khách hàng trong huyện, trong tỉnh, các cơ sở sản xuất của xã còn được rất nhiều khách hàng ở xa tin tưởng, lựa chọn và đặt mua. Lượng khách mua nhiều chủ yếu ở các tỉnh, thành phố như: Thái Nguyên, Hà Nội, Quảng Ninh, Sài Gòn, Cà Mau…
Ông Dương Công Soạn, Chủ tịch UBND xã Vũ Lễ cho biết: Sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ không phải là nghề truyền thống của xã, nhưng từ sự quan tâm, định hướng phát triển phù hợp của xã cùng với sự mạnh dạn của người dân, từ năm 2010 đến nay, các cơ sở sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ trên địa bàn xã Vũ Lễ ngày càng phát triển cả về số lượng và chất lượng. Thời gian tới, cấp ủy, chính quyền xã tiếp tục tuyên truyền, định hướng các cơ sở sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ trên địa bàn duy trì, phát triển; góp phần đa dạng cơ cấu nghề, tạo việc làm cho lao động nông thôn; đồng thời nâng cao thu nhập cho các hộ làm nghề.
NGUYỄN PHƯƠNG
Ý kiến ()