Anh dũng, kiên cường trong đấu tranh vệ quốc, người Vũ Lăng cũng chăm chỉ, cần cù, sáng tạo trong xây dựng chủ nghĩa xã hội và công cuộc đổi mới đất nước. Ông Đinh Dương Thảo, Phó Bí thư Đảng ủy xã hào hứng: dưới sự lãnh đạo của Đảng, phát huy tối đa tiềm năng thế mạnh của địa phương, từ chỗ đói, nghèo, nay Vũ Lăng chỉ còn 8,9% hộ nghèo; trường học đã khang trang, không còn tranh tre nứa lá, mạng lưới y tế được phát triển đến từng thôn bản đảm bảo chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Về kinh tế, Vũ Lăng đã hình thành vùng sản xuất hàng hóa với cây quýt đặc sản và vùng sản xuất cây công nghiệp như thuốc lá, lạc, đậu tương…Phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới có sức lan tỏa mạnh mẽ và đạt hiệu quả cao, đó cũng là những thành tích thiết thực của nhân dân các dân tộc xã Vũ Lăng kỷ niệm 72 năm ngày khởi nghĩa Bắc Sơn.
LSO-Vũ Lăng những ngày đầu thu 2012 cờ hoa rực rỡ. Người người, nhà nhà náo nức chuẩn bị cho kỷ niệm 72 năm ngày khởi nghĩa Bắc Sơn. Nhiệt huyết thủa ấy đang được người già truyền cho lớp con cháu.
Di tích lịch sử Trường Vũ Lăng
Vũ Lăng, thuở xưa vốn là mảnh đất trù phú, nhân dân sinh sống trên những sườn đồi thấp theo hình thế “thượng gia, hạ điền”. Khung cảnh bình yên ấy bỗng chốc bị phá vỡ dưới gót giày xâm lăng của đế quốc thực dân. Lịch sử vẫn còn ghi rõ, đế quốc xâm lược thường xuyên đàn áp, bắt phu, bắt lính, mặt khác thực hiện chính sách vơ vét, bóc lột tàn bạo. Chúng ra sức kìm hãm kinh tế – xã hội, đầu độc thanh niên bằng thuốc phiện và rượu cồn. Nhân dân cơ cực, lầm than. Người Vũ Lăng đã vùng lên đấu tranh, nhưng trước những năm 30 của thế kỷ trước, những cuộc đấu tranh ấy đều thất bại, bởi chưa có đường lối đúng đắn.
Năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, để rồi chỉ vài năm sau đó, những người con ưu tú của Vũ Lăng đã tiếp cận được với đường lối cách mạng Việt Nam. Từ những người yêu nước chân chính, những thanh niên ưu tú thủa ấy đã trở thành chiến sĩ cách mạng chân chính. Ngày 25/9/1936, chi bộ Đảng cộng sản đầu tiên ở Bắc Sơn được thành lập dưới thung lũng Mỏ Tát, xã Vũ Lăng (nay là thôn Nam Hương I xã Tân Hương). Đây là bước ngoặt quan trọng trong phong trào đấu tranh của nhân dân trong toàn huyện. Ngay sau khi thành lập, Chi bộ đã lãnh đạo quần chúng, đoàn kết, tập hợp lực lượng đấu tranh. Đến năm 1938, các chi bộ Đảng lần lượt được thành lập ở nhiều địa phương trong toàn huyện như Hữu Vĩnh, Hưng Vũ, Chiêu Vũ, Vũ Lễ…Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân các dân tộc huyện Bắc Sơn đã tiến hành cuộc khởi nghĩa lịch sử ngày 27/9/1940. Đây là tiếng súng báo hiệu cho cuộc khởi nghĩa toàn quốc, là bước đầu đấu tranh bằng vũ trang của các dân tộc Đông Dương.
Lặng đứng hồi lâu trước khu di tích lịch sử trường Vũ Lăng, ông Đặng Xuân Hội, Chủ tịch UBND xã giới thiệu như hướng dẫn viên: để nâng cao quyết tâm chiến đấu của chiến sĩ và nhân dân, vừa uy hiếp tinh thần địch, tại đây ngày 28/10/1940, Ban chỉ huy Du kích Bắc Sơn đã tổ chức cuộc tuần hành thị uy. Hàng nghìn người hàng ngũ chỉnh tề, xuất phát từ thôn Nam Nhi, hùng dũng lên đường tới trường Vũ Lăng. Sau thành công của Cách mạng tháng Tám, hưởng ứng lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Vũ Lăng cùng với nhân dân Bắc Sơn lại tiếp tục góp sức người, sức của vào cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mĩ. Xây dựng lực lượng chiến đấu, phục vụ chiến đấu ở các thôn, bản; huy động các tổ, đội dân công phục vụ chiến dịch. Ở hậu phương đã huy động thanh niên đi đầu trong các phong trào sản xuất phục vụ chiến đấu; thành lập các tổ đổi công, từng bước xây dựng hợp tác xã từ bậc thấp đến bậc cao, vận chuyển hàng ngàn tấn nhu yếu phẩm ra tiền tuyến. Hàng trăm người con ưu tú của Vũ Lăng đã hăng hái lên đường cùng nhân dân cả nước làm nên những chiến thắng chấn động địa cầu, đánh đổ 2 đế quốc hùng cường. Tổng kết cuộc kháng chiến chống Pháp, Vũ Lăng có 39 liệt sĩ, 13 thương binh; 52 gia đình có công với nước; 2 Mẹ Việt Nam anh hùng; 6 lão thành cách mạng và cán bộ tiền khởi nghĩa. Xã Vũ Lăng được phong tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Trong kháng chiến chống Mĩ, xã có 19 liệt sĩ, 10 thương bệnh binh, nhiều người được tặng thương huân chương chống Mĩ cứu nước.
Anh dũng, kiên cường trong đấu tranh vệ quốc, người Vũ Lăng cũng chăm chỉ, cần cù, sáng tạo trong xây dựng chủ nghĩa xã hội và công cuộc đổi mới đất nước. Ông Đinh Dương Thảo, Phó Bí thư Đảng ủy xã hào hứng: dưới sự lãnh đạo của Đảng, phát huy tối đa tiềm năng thế mạnh của địa phương, từ chỗ đói, nghèo, nay Vũ Lăng chỉ còn 8,9% hộ nghèo; trường học đã khang trang, không còn tranh tre nứa lá, mạng lưới y tế được phát triển đến từng thôn bản đảm bảo chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Về kinh tế, Vũ Lăng đã hình thành vùng sản xuất hàng hóa với cây quýt đặc sản và vùng sản xuất cây công nghiệp như thuốc lá, lạc, đậu tương…Phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới có sức lan tỏa mạnh mẽ và đạt hiệu quả cao, đó cũng là những thành tích thiết thực của nhân dân các dân tộc xã Vũ Lăng kỷ niệm 72 năm ngày khởi nghĩa Bắc Sơn.
Vũ Như Phong
Ý kiến ()