Vu lan báo hiếu - ngày lễ của hiếu lễ và tình người
Tối 11/8 (ngày 14 tháng 7 âm lịch), tại tổ đình Phúc Khánh (Đống Đa, Hà Nội), bất chấp cơn mưa tầm tã, hàng nghìn người đã tới dự Đại lễ Vu lan báo hiếu 2022.
Mùa hiếu hạnh và tri ân
Bà Nguyễn Thị Mai, một người tham gia chia sẻ, rằm tháng 7 âm lịch nào gia đình bà đều tới đây dự đại lễ. “Lễ Vu Lan mang ý nghĩa lớn là báo ân cha mẹ, đồng thời còn dạy con người ta nhớ về cội nguồn, là biết ơn và báo ơn. Tôi đến đây cầu mong mọi người trong gia đình có sức khỏe, luôn bình an”, bà Mai nói.
Cũng như bà Mai, chị Lê Ngọc Lan (35 tuổi, ở quận Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ, từ khi còn nhỏ, chị đã được cha mẹ dạy những hiếu hạnh của đạo làm con, cháu. Chính vì vậy mỗi dịp Vu Lan chị lại bồi hồi nhớ tới những lời răn dạy của ông bà, cha mẹ.
“Gia đình tôi cũng đã chuẩn bị mâm cơm cúng gia tiên xong. Tôi đến chùa cầu mong gia đình luôn bình an, công việc hanh thông và mọi người trong nhà thật nhiều sức khỏe”, chị Lan bày tỏ.
Năm nào cũng vậy, dù bận bịu tới đâu nhưng cứ đến gần Rằm Tháng 7 (âm lịch), anh Trần Việt Khánh (Mỹ Đình, Nam Từ Liêm, Hà Nội) cũng sắp xếp công việc để chuẩn bị một mâm cơm nhỏ để thắp hương, tưởng nhớ đến cha mẹ đã khuất.
Cũng giống như anh Khánh, bà Mai hay chị Ngọc, dịp này, hàng triệu người Việt Nam cũng bày tỏ lòng hiếu kính, biết ơn hướng về các bậc sinh thành, tiên tổ của mình như một truyền thống nhân văn và tốt đẹp.
Tối 14 tháng 7 âm lịch, hàng nghìn người vẫn đội mưa tới Tổ đình Phúc Khánh (Hà Nội) để tham dự Đại lễ Vu lan báo hiếu. |
Theo Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm, lễ Vu lan vốn xuất phát từ kinh điển trong Phật Giáo Đại thừa. Tôn giả Mục Kiền Liên, một trong những đệ tử lớn của Đức Phật có người mẹ sinh thời làm nhiều điều độc ác nên khi mất đi phải sinh vào chốn dữ. Với phận làm con, tôn giả Mục Kiền Liên đã rất đau lòng.
Ngài vội vàng đến bạch Đức Phật Thích Ca Mâu Ni để tìm cách cứu mẹ mình, được Đức Phật chỉ dạy rằng: Vì mẹ ông tội gốc rất sâu cho nên dù ông có thần lực nhiệm màu, dù lòng hiếu thảo của ông thấu tận đến 9 tầng trời và cả khắp các cõi thì cũng không thể cứu được mẹ. Muốn cứu được mạng của mẹ, ông phải nhờ vào thần lực của chư tăng mười phương.
“Đức Phật dạy rằng: Ngày Rằm tháng 7 là ngày thích hợp để cung thỉnh chư tăng. Nghe lời dạy, tôn giả đã sắm sửa lễ, thỉnh chư tăng mới thành công cứu mẹ mình ra khỏi kiếp ngạ quỷ”, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm kể.
Người Việt Nam vốn có truyền thống hiếu đạo, do đó, ngay khi Phật Giáo được truyền vào Việt Nam, hai tinh thần cốt lõi ấy đã gặp gỡ và phù hợp. Với truyền thống văn hóa hiếu nghĩa, uống nước nhớ nguồn của dân tộc và tín ngưỡng tâm linh thờ cúng tổ tiên của người Việt Nam, ngày lễ Vu Lan của Đạo Phật đã hòa quyện với triết lý, tục thờ cúng ngày Rằm tháng 7 Âm lịch (xá tội vong nhân) hình thành lễ Vu Lan báo hiếu.
“Ông cha ta luôn dạy: Không phúc nào lớn hơn phúc Hiếu kính, không tội nào nặng bằng tội bất kính với mẹ cha. Trong khi đó, Phật pháp cũng răn: Cha mẹ trong nhà chính là Phật ở đời. Nếu cha mẹ ở nhà mà không phụng dưỡng thì đến chùa có ích gì đâu. Đạo thờ ông bà tổ tiên của người Việt đã gặp gỡ Phật Giáo ở điểm này và người Việt đã lấy ngày Rằm Tháng 7 là dịp để mong cầu Đức Phật gia trì để tổ tiên được siêu thoát, cha mẹ, ông bà được bình an. Cho nên mới có câu: “Cúng cả năm không bằng Rằm Tháng 7”, Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố Hà Nội giải thích.
Bên cạnh ý nghĩa phổ biến này, theo Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm, trong lễ Vu Lan, mọi người còn cần nhớ tới 4 ơn cao cả khác. Đó là ơn tam bảo tế độ, ơn Quốc gia che chở mình, ơn thầy cô dạy bảo và ơn tất cả mọi người trong xã hội.
Đồng tình với quan điểm trên, Thượng tọa Thích Minh Quang – Phó Chánh Văn phòng Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng khẳng định: Trước hết, trong dịp này, mỗi người cần thực hành và khắc sâu hạnh nguyện báo hiếu với cha mẹ, ông bà, tổ tiên. Ngoài ra, đối với ơn quốc gia, chúng ta hãy tri ân các anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh. Ơn thầy bạn là sự trân trọng những người dạy dỗ, truyền thụ kiến thức, đạo đức cho chúng ta trong cuộc sống. Ơn xã hội là biết ơn mọi người, mọi tầng lớp trong xã hội, điển hình như trong thời gian chống dịch Covid-19, đã có rất nhiều bác sĩ, chiến sĩ tuyến đầu vất vả ngày đêm…
Thực hành tinh thần Vu lan thế nào cho đúng?
Được coi là một trong những lễ lớn nhất của Phật Giáo, Lễ Vu Lan báo hiếu được tổ chức từ ngày 1/7 đến hết ngày 15/7 âm lịch hằng năm. Trong dịp này, người Việt thường tới chùa cầu bình an cho mẹ cha, hoặc tự tay chuẩn bị một mâm cơm dâng lên ông bà, tổ tiên. Tại một số nơi, các gia đình cũng kết hợp phóng sinh, thả đèn hoa đăng, đèn trời… như một cách gửi lời nguyện ước an lành tới đấng sinh thành.
Theo Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm, tại các cơ sở tự viện, Đại lễ thường được tổ chức với các hoạt động như Tụng kinh-sám Vu Lan, kinh báo hiếu phụ mẫu, kinh Mục Liên sám pháp, kinh A Di Đà…; lễ cầu siêu cho anh linh anh hùng liệt sĩ, tổ tiên trong gia đình; pháp thoại thuyết giảng ý nghĩa Vu Lan báo hiếu; nghi thức “Bông hồng cài áo” tri ân công đức sinh thành của cha mẹ; nghi thức thắp nến tri ân và truyền hoa đăng tưởng niệm anh linh anh hùng liệt sĩ và cửu huyền thất tổ; chương trình nghệ thuật về công cha nghĩa mẹ…
Hàng trăm người có mặt tại Đại lễ Vu lan báo hiếu tại Tổ đình Phúc Khánh tối 11/8. |
Trong các hoạt động kể trên, Bông hồng cài áo chính là nghi thức mang tính chất tôn vinh cao nhất. Trong nghi thức đó, các Phật tử với 3 giỏ hoa hồng (màu đỏ, màu trắng và màu vàng) sẽ đến cài hoa lên áo từng người dự lễ. Nếu ai còn mẹ sẽ được cài một bông hoa màu hồng trên áo với ý nghĩa tự hào vì đang còn mẹ. Các con sẽ cố gắng để mẹ luôn được an vui…
Còn những người không còn mẹ sẽ được cài trên áo một bông hoa trắng với ý nghĩa tưởng nhớ khôn nguôi về công ơn sinh thành, dưỡng dục của mẹ. Riêng hoa hồng màu vàng được Phật tử cài lên ngực cho chư tăng khi tham dự lễ Vu Lan, tượng trưng cho sự tiếp nối, mừng ngày hoan hỷ.
“Điều quan trọng nhất là truyền tải cho tất cả mọi người tinh thần chung của ngày lễ, đó là tình người và hiếu lễ”, Hòa thượng nhấn mạnh.
Phật tử dự lễ Vu lan báo hiếu tại đỉnh Fansipan (Sa Pa, Lào Cai). |
Trưởng ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố Hà Nội cho rằng: Trong dịp Đại lễ Vu lan, mọi người nên làm những điều thánh thiện nhất. Con cái phải nhìn lại xem mình đã hiếu kính, phụng dưỡng cha mẹ thế nào. Ngược lại, mẹ cha cũng phải xem đã làm hết thiên chức của mình chưa. Bên cạnh đó, mọi người cũng phải san sẻ tình yêu thương tới mọi người.
Nếu không thể đến chùa đón lễ, mỗi gia đình có thể tự chuẩn bị mâm cúng tại nhà. Mâm cúng không cần phải mâm cao, cỗ đầy mới là thành kính. “Các cụ có câu: Bát nước cho trong, đĩa hoa cho thơm, nén hương cho ngát. Đặc biệt, trong Phật Giáo không dạy đốt vàng mã cúng cho tổ tiên”.
Trong ngày lễ Vu lan báo hiếu, mọi người cũng thường thả hoa đăng hoặc đèn trời với mong ước cha mẹ luôn mạnh khỏe và hạnh phúc… (Ảnh: Lê Minh) |
Theo hòa thượng Thích Bảo Nghiêm, Vu lan chỉ là tháng trọng tâm, nhưng việc hiếu nghĩa cần phải thực hành cả đời này: Anh em hòa thuận, con cháu phụng dưỡng cha mẹ, ông bà.
“Vu Lan không chỉ là nghi lễ riêng của Phật Giáo mà còn đi vào truyền thống đạo đức, trở thành một nét văn hóa đẹp, thấm sâu trong tâm thức của hàng triệu triệu người Việt Nam hàng nghìn năm nay”, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm nhấn mạnh.
Ý kiến ()