Vũ Hải Phong - kỹ sư trẻ có nhiều sáng kiến
LSO-Ấn tượng đầu tiên khi chúng tôi tiếp xúc với kỹ sư Vũ Hải Phong, Trưởng phòng kỹ thuật, Công ty Điện lực Lạng Sơn (ĐLS) là đôi mắt sáng thông minh và giọng nói tự tin, đầy sức thuyết phục. Vì thế mà chúng tôi đã không chút bỡ ngỡ khi được giới thiệu đây chính là cây sáng kiến của Công ty ĐLS nói riêng và ngành điện nói chung.
Vũ Hải Phong (giữa) đang hướng dẫn đồng nghiệp áp dụng sáng kiến cải tiến kỹ thuật vào thực tế |
Từ ước mơ tuổi thơ
Khi còn là một cậu nhóc, Vũ Hải Phong luôn bị cuốn hút bởi những tính năng, tác dụng to lớn của điện đem lại. Vì vậy, năm 2006, sau khi tốt nghiệp PTTH, Phong đã thi và đỗ vào khoa điện của trường Đại học Công nghệ Thái Nguyên. Sau 5 năm học hành miệt mài chăm chỉ, năm 2001, khi tốt nghiệp ra trường, Phong đã được nhận công tác tại Trạm 110kV với chức danh kỹ thuật viên. Năm 2003, sau khi nhận thấy khả năng cùng niềm say mê sáng tạo nơi người kỹ sư trẻ, các lãnh đạo ngành điện đã nhận Phong về công tác tại Phòng Kỹ thuật, Công ty ĐLS. Hải Phong tâm sự: là một kỹ sư được đào tạo chính quy, được trang bị và nắm tương đối vững kiến thức chuyên môn, có khả năng đáp ứng mọi yêu cầu công việc. Tuy nhiên, điện là ngành có kỹ thuật khá đặc thù, các kiến thức đã được học tại trường đôi khi áp dụng vào thực tế lại rất khác biệt, việc tìm hiểu các thiết bị trên lưới điện cũng gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là các thiết bị kỹ thuật số đời mới. Do vậy, bên cạnh việc chấp hành tốt kỷ luật lao động, thực hiện đúng các quy trình quy phạm kỹ thuật trong mọi thao tác công việc, Phong cũng thường xuyên học hỏi, trang bị thêm kiến thức thông qua các lớp bồi dưỡng, tập huấn; không ngừng tìm tòi, học hỏi trên sách vở, các phương tiện truyền thông đại chúng, mạng Internet… nhất là các tiến bộ khoa học kỹ thuật có liên quan đến ngành. Năm 2010, Phong đã theo học lớp cao học tại trường Đại học Bách khoa Hà Nội và hiện là thạc sỹ chuyên ngành kỹ thuật điện.
Đến 4 năm 6 sáng kiến
Cùng với sự phát triển nhanh như vũ bão của khoa học công nghệ, các thiết bị lắp đặt trên hệ thống điện cũng dần được thay thế, áp dụng với những tính năng mới vượt trội. Tuy nhiên làm sao để các thiết bị này phát huy được tối đã khả năng, tác dụng thì cần phải có sáng kiến cải tiến kỹ thuật sao cho phù hợp với thực tế. Với trăn trở đó, sau bao đêm suy nghĩ tìm tòi, năm 2009, Hải Phong đã có sáng kiến cải tiến kỹ thuật đầu tiên mang tên “điều khiển từ xa máy cắt Recloser Nulec bằng modem gắn thẻ sim điện thoại di động”. Sáng kiến được đưa vào áp dụng đã giúp cho việc lấy thông tin và phân tích sự cố nhanh chóng, ra lệnh đóng cắt và kiểm tra dòng điện, điện áp truyền tải trên lưới thuận tiện, giảm được thời gian xử lý sự cố, góp phần cung cấp điện ổn định cho phụ tải. Phát huy khả năng sáng tạo của tuổi trẻ có tri thức, trong năm 2010, Phong lại đưa ra sáng kiến “Xử lý hiện tượng cộng hưởng điện áp tại các trạm trung gian”, sáng kiến cải tiến kỹ thuật này được đưa vào áp dụng trong thực tế đã giúp các trạm trung gian vận hành ổn định, không còn xảy ra hiện tượng cộng hưởng điện áp làm bảo vệ chạm đất tác động nhầm và nhất là không còn sự cố cháy TU đo lường do cộng hưởng điện áp. Năm 2011, mặc dù đang theo học lớp cao học nhưng Hải Phong vẫn dành thời gian để phát huy tính sáng tạo và đã có 2 sáng kiến cải tiến kỹ thuật là “điều khiển từ xa máy cắt Recloser Coper bằng sóng điện thoại di động” và “lắp bổ sung kim thu sét trên đường dây trung thế”. Việc lắp đặt kim thu sét trên lưới điện trung thế tại các vị trí đồi trọc, nơi có dịa hình cao đã hạn chế được sét đánh trực tiếp lên đường dây, tránh sự cố vỡ sứ và tăng thêm tuổi thọ làm việc cho các chống sét van đường dây, giúp cho lưới điện vận hành ổn định, hạn chế mất điện trên diện rộng do sự cố sét đánh. Gần đây nhất, năm 2012, Phong đã có sáng kiến “lắp đặt bộ cảnh báo sự cố trên đường dây trung thế”, góp phần tách sự cố ra khỏi lưới điện một cách chính xác kịp thời cung cấp điện trở lại cho phụ tải. Ngoài ra, Hải Phong còn cùng các đồng nghiệp trong phòng nghiên cứu, đưa ra sáng kiến “lắp đặt phần tử Disconnecter vào chống sét van trung thế”, giúp cho người vận hành phát hiện trước sự hư hỏng và kịp thời thay thế chống sét van bị hỏng khi phát hiện phần tử Disconnecter bị tách ra, hạn chế được sự cố mất điện trên diện rộng do sự cố nổ sét van, giúp lưới điện vận hành ổn định, nâng cao độ tin cậy cung cấp điện và làm tăng điện thương phẩm.
Và trị giá tiền tỉ
Ông Trần Tuấn Khanh, Chủ tịch Công đoàn Công ty Điện lực Lạng Sơn cho biết: tất cả các sáng kiến nói trên của Vũ Hải Phong và đồng nghiệp đã được Hội đồng sáng kiến của Tổng Công ty Điện lực miền Bắc công nhận là sáng kiến cải tiến kỹ thuật cấp tổng công ty với giá trị của mỗi sáng kiến đạt từ 1- 2 tỉ đồng/sáng kiến/năm. Riêng sáng kiến “điều khiển từ xa máy cắt Recloser Nulec bằng modem gắn thẻ sim điện thoại di động” đã đạt giải nhất Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Lạng Sơn năm 2009 với giá trị làm lợi đạt trên 2 tỉ đồng/năm. Điều đáng nói nhất ở đây, những sáng kiến đã được cấp tổng công ty công nhận sẽ được áp dụng rộng rãi trong toàn tổng công ty và giá trị làm lợi đem lại sẽ tăng lên gấp hàng chục lần. Ghi nhận những cố gắng, nỗ lực cũng như những đóng góp thiết thực của kỹ sư Vũ Hải Phong, năm 2013, Hải Phong đã được UBND tỉnh tặng bằng khen vì đã có thành tích hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ công tác, 2 năm liên tục đạt danh hiệu chiến sỹ thi đua cấp cơ sở.
Ý kiến ()