Vụ cựu Chủ tịch Vimedimex: Luật sư kiến nghị tòa xem xét trách nhiệm của 7 người
Luật sư cho rằng vụ án Vimedimex có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm khi cơ quan tố tụng không xử lý trách nhiệm của lãnh đạo, cán bộ Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội và các sở ngành liên quan.
Sáng 19/4, tiếp tục phần tranh luận tại phiên tòa xét xử bị cáo Nguyễn Thị Loan - cựu Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn Dược phẩm Vimedimex - cùng 10 bị cáo khác trong vụ án sai phạm đấu giá quyền sử dụng đất ở Đông Anh, Hà Nội, đại diện Viện Kiểm sát giữ quyền công tố tại phiên tòa đã tham gia đối đáp với các luật sư bào chữa về các quan điểm luận tội, gỡ tội cho các bị cáo.
Kiến nghị xử lý 7 cá nhân liên quan
Trong vụ án này, Viện Kiểm sát cáo buộc bị cáo Loan đã dùng 3 công ty thuộc hệ thống của mình đi đấu giá đất tại Tiêu Dương (Đông Anh, Hà Nội) và dùng các phương thức để “dìm giá” đấu thầu đất, gây thiệt hại 135 tỷ đồng cho Nhà nước.
Đại diện Viện Kiểm sát đã đề nghị mức phạt đối với bị cáo Loan là từ 30-36 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.
Tuy nhiên, bị cáo Loan vẫn khẳng định bị cáo không phạm tội “vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản," bị cáo bị “vu khống, đổ tội," phủ nhận cáo buộc chỉ đạo cấp dưới dùng chiêu trò “dìm giá” đất và cho rằng hồ sơ vụ án có “20 bút lục lời khai giả” bởi tên của điều tra viên tại biên bản không phải điều tra viên lấy cung; chữ ký tại các biên bản này cũng không phải của bị cáo…
Về 3 công ty tham gia đấu giá, bị cáo Loan cho biết bản thân chỉ có 20% cổ phần tại mỗi doanh nghiệp nên cáo trạng khi quy kết “3 công ty đều của bị cáo Loan, chịu chỉ đạo của bị cáo Loan” là không đúng. Trên thực tế, bị cáo không có vai trò, quyền hành chỉ đạo 3 doanh nghiệp này.
Bị cáo cho rằng: "Có sự thông đồng nội bộ khi tôi đang bị tạm giam, dựng phiếu thu chi và tài liệu khống để đổ tội, vu cho tôi chỉ đạo họ đề xuất bỏ giá đấu thầu thế nào."
Bào chữa cho bị cáo Loan, luật sư Dương Đình Khuyến (Công ty Luật sư Hoàng Đàm và toàn cầu) cho rằng có nhiều sai phạm trong quá trình bắt giữ, khám xét đối với bị cáo Loan diễn ra vào ban đêm, lúc 23 giờ 30 phút là vi phạm nghiêm trọng Bộ luật Tố tụng Hình sự; đồng thời cho rằng có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm đối với một số người trong Hội đồng định giá của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội.
Chung quan điểm này, nhóm luật sư bào chữa cho bị cáo Loan cũng cho rằng việc định giá khởi điểm để đấu giá đất thấp hơn thực tế thuộc trách nhiệm của cán bộ, cơ quan quản lý Nhà nước, còn những đơn vị tham gia đấu giá chỉ biết trả giá. Trong khi đó, bị cáo Loan không có vai trò gì để khiến cơ quan Nhà nước “định giá thấp." Do vậy, trách nhiệm trong vụ việc phải thuộc Hội đồng định giá thành phố, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội cùng các sở ngành liên quan; cáo trạng buộc bà Loan chịu trách nhiệm cho việc này là “đánh bùn sang ao."
Mặt khác, luật sư cho rằng vụ án cũng có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm khi cơ quan tố tụng không xử lý trách nhiệm của lãnh đạo, cán bộ Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội và các sở ngành liên quan.
Trên cơ sở đó, luật sư kiến nghị tòa xem xét trách nhiệm của 7 người, gồm ông Nguyễn Trọng Đông, cựu Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường (nay là Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội); ông Lê Tuấn Định, cựu Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội (nay là Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận Đống Đa, Hà Nội); ông Lê Hồng Sơn, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, chủ tịch Hội đồng thẩm định giá; ông Vũ Xuân Tùng, Chi cục trưởng Chi cục quản lý đất đai, Sở Tài nguyên và Môi trường; ông Nguyễn Thế Hoàng Tùng, cán bộ Sở Tài nguyên và Môi trường; ông Mai Xuân Vinh, Phó Giám đốc Sở Tài chính (Cơ quan thường trực của hội đồng thẩm định giá đất cụ thể của thành phố, được giao nhiệm vụ trực tiếp chỉ đạo Tổ giúp việc Hội đồng thẩm định giá đất cụ thể của thành phố); ông Phan Văn Đồng, Phó phòng Quản lý giá, Sở Tài chính Hà Nội.
Đủ cơ sở xác định hành vi thông đồng dìm giá
Đối đáp với các luật sư tại tòa, công tố viên khẳng định việc bắt giữ đối với bị cáo Loan là khẩn cấp, được tiến hành đúng pháp luật, việc lấy lời khai bị can ngay sau khi bắt là cần thiết và đây chỉ là lấy lời khai, không phải là hỏi cung. Bộ luật Tố tụng Hình sự chỉ cấm không cho phép hỏi cung vào ban đêm.
Mặt khác, các tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ mà bị cáo Loan nói rằng bị làm giả, theo công tố viên, những tài liệu này đều có chữ ký của bị cáo Loan, nên không thể nói là giả.
Về việc hồ sơ vụ án có 20 bút lục có chữ ký của điều tra Bùi Đức Hiếu mà bị cáo Loan nói là không phải điều tra viên lấy cung, đại diện Viện Kiểm sát đã trích dẫn quyết định 603 của cơ quan điều tra đã phân công 27 điều tra viên tham gia nhóm điều tra vụ án này và trong đó có tên điều tra viên Bùi Đức Hiếu đứng ở số thứ tự số 9. Do vậy, điều tra viên Hiếu có tư cách tham gia tố tụng trong vụ án này.
Tại phiên tòa, đa số các bị cáo đều khai nhận hành vi phạm tội của mình, thừa nhận hành vi đúng như bản cáo trạng đã truy tố, đồng tình với quan điểm của đại diện Viện Kiểm sát tại phiên tòa. Tuy nhiên, có 2 bị cáo kêu oan là Nguyễn Thị Loan và Trần Công Tuyên (Trưởng Phòng Quản lý khai thác hạ tầng và giải phóng mặt bằng thuộc Ban Quản lý dự án huyện Đông Anh, Hà Nội).
Đại diện Viện Kiểm sát đã phân tích 2 điều kiện cần và đủ để xác định hành vi thông đồng dìm giá trong hoạt động đấu giá ở vụ án này là cố ý hạ giá, sau đó thông đồng dìm giá dẫn đến thiệt hại vụ án. Cụ thể, để xảy ra hậu quả trong vụ án này phải có “điều kiện cần” là giá khởi điểm thấp hơn thực tế, “điều kiện đủ” là có hành vi thông đồng dìm giá mua giá thấp nhất. Nếu thiếu 1 trong 2 yếu tố này sẽ không dẫn tới thiệt hại trong vụ án.
Trên thực tế, các bị cáo trong vụ án đã thực hiện 2 nhóm hành vi: Hạ giá khởi điểm và thông đồng dìm giá. Quá trình điều tra, bị cáo Loan có 14 lời khai thừa nhận xuất phát từ đề xuất của bị cáo Nguyễn Quang Hưng (Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư bất động sản Thanh Trì, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn dược phẩm Vimedimex) trình phương án đấu giá, các bước để 3 công ty tham gia để trúng đấu giá, bị cáo Loan đã đồng ý và chỉ đạo các cán bộ dưới quyền triển khai thực hiện. Lời khai này cũng đã được xác nhận qua đối chất giữa bị cáo Loan và bị cáo Hưng.
Ngoài ra, công tố viên còn viện dẫn email của bị cáo Loan trả lời email của bị cáo Hưng (đồng thời email này có gửi đồng thời cho một số người khác) về việc đồng ý với đề xuất của Hưng và chỉ đạo, chuẩn bị cho công tác đấu giá của 3 công ty (Bắc Từ Liêm, Mỹ Đình, Thanh Trì).
Cụ thể, bị cáo Loan đã chỉ đạo Hưng cho nộp hồ sơ đấu giá, chuẩn bị tiền cho thực hiện đấu giá; chỉ đạo Tạ Thị Thùy Trang (thư ký hành chính của bị cáo Loan) làm ủy quyền cho 3 bị cáo Nguyễn Quang Hưng, Tạ Thị Vân (Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư bất động sản Bắc Từ Liêm) và Nguyễn Xuân Đức (Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư bất động sản Mỹ Đình, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn dược phẩm Vimedimex 2) thực hiện đấu giá… Điều này khẳng định có sự phân công chỉ đạo từng người thực hiện các nhiệm vụ khác nhau, chuẩn bị cho việc tham gia đấu giá đất.
Đại diện Viện Kiểm sát đã căn cứ vào lời khai của bị cáo Hưng, căn cứ vào dòng tiền, nguồn tiền 90 tỷ đồng “chảy” đến 3 công ty nói trên, để các công ty dùng khoản này để nộp đặt cọc đấu giá; phân tích cụ thể sau khi Công ty Bắc Từ Liêm trúng đấu giá, “dòng chảy” của 60 tỷ đồng còn lại quay về tài khoản nào… để khẳng định bị cáo Loan có đủ dấu hiệu thực hiện hành vi thông đồng dìm giá.
Về nội dung đối đáp này, bị cáo Loan phủ nhận việc tham gia chỉ đạo 3 công ty nói trên tham gia đấu thầu và thông đồng dìm giá. Tuy nhiên, bị cáo Hưng thừa nhận nội dung mà Viện Kiểm sát đã phân tích, luận tội và cho rằng bị cáo thực hiện theo sự chỉ đạo của bị cáo Loan.
Đối với bị cáo Trần Công Tuyên cho rằng bị cáo không phạm tội, bị cáo chỉ tham khảo giá để báo cáo lãnh đạo mà không có chuyên môn về giá, không tham gia đấu giá...
Đại diện Viện Kiểm sát đặt câu hỏi mặc dù bị cáo khai không có kiến thức về giá đất, nhưng khi đơn vị tư vấn thẩm định giá và đưa ra mức giá đất tư vấn thì bị cáo lại yêu cầu hạ mức giá xuống là nhằm động cơ, mục đích gì. Trên cơ sở phân tích này, công tố viên tiếp tục khẳng định quan điểm việc bị cáo Tuyên chỉ đạo nhân viên trao đổi với đối tác để hạ mức giá khởi điểm là 1 trong chuỗi các hành vi để dìm giá, đủ căn cứ buộc tội bị cáo Tuyên về hành vi “vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản."
Hậu quả được ngăn chặn kịp thời
Công tố viên phân tích, nếu thực hiện đấu giá khách quan, thiệt hại trong vụ án đã không xảy ra. Do các bị cáo trong vụ án đã cấu kết, thực hiện một chuỗi các hành vi hạ giá khởi điểm, thông đồng dìm giá đã gây thiệt hại trong vụ án này.
Cụ thể, quá trình định giá đất khu đất nói trên, các bị cáo đã không định giá đất khách quan mà theo đề nghị của Trần Công Tuyên và Vương Thị Thu Thủy thống nhất cố ý hạ giá trị khu đất để ban hành Chứng thư định giá đất không đúng với giá trị thực tế (gần 285 tỷ đồng tương đương 17,6 triệu đồng/m2).
Việc này đã gây hậu quả làm sai lệnh giá khởi điểm đưa vào đấu giá, tạo điều kiện cho các công ty tham gia đấu giá của Nguyễn Thị Loan thông đồng dìm giá và trúng đấu giá với giá trị thấp, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 135 tỷ đồng.
Viện Kiểm sát xác định động cơ, mục đích của nhóm thông đồng dìm giá là trục lợi, thu lời bất chính, phản ánh việc các cá nhân dùng doanh nghiệp tham gia đấu giá mua rẻ đất của Nhà nước. Trên thực tế, khu đất bán đấu giá này đã được tiến hành bán, các khách hàng đã tới đặt cọc. Việc khu đất được thu hồi, trả lại tài sản cho Nhà nước không xuất phát từ việc các bị cáo dừng lại hành vi mà xuất phát từ việc cơ quan Nhà nước dừng lại kịp thời. Nếu không có việc khởi tố vụ án thì hành vi phạm tội tiếp tục được thực hiện, hậu quả tiếp tục được diễn ra.
Trên cơ sở đó, đại diện Viện Kiểm sát khẳng định việc Viện Kiểm sát truy tố 11 bị cáo trong vụ án về tội “vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản," “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” là đúng người, đúng tội, đúng pháp luật./.
Ý kiến ()