Thứ 7, 23/11/2024 22:28 [(GMT +7)]
Vụ cưỡng chế ngôi nhà 194 Phố Huế: Cơ quan Thi hành án đã "lờ" đi việc xử lý tài sản thế chấp
Thứ 3, 19/07/2011 | 09:47:00 [(GMT +7)] A A
Sau khi Dân trí đưa tin về vụ án 194 Phố Huế đã nhận được sự quan tâm đông đảo từ bạn đọc. Tiếp tục đi sâu tìm hiểu vụ việc cho thấy, những điều “bất thường” trong vụ việc này là có cở sở, cần được làm sáng tỏ trước công luận.
Theo Luật sư Trương Quốc Hòe, thủ tục bán đấu giá ngôi nhà 194 Phố Huế có nhiều sai phạm nghiêm trọng.
Để rộng đường dư luận, chúng tôi tiếp tục cập nhật thông tin về vấn đề này.
Ngày 8/8/2002, Công ty Bắc Sơn và Ngân hàng Công thương (NHCT) Cầu giấy ký kết Hợp đồng tín dụng cho vay trung hạn số 01/NHCG, theo đó NHCT Cầu Giấy cho Công ty Bắc Sơn vay 10 tỷ đồng để đầu tư nhà máy lắp đặt xe máy tại xã Nam Hồng, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội; thời hạn vay 5,5 năm, lãi suất 0,75%/tháng, quá hạn bằng 150% lãi suất cho vay.
Hợp đồng tín dụng này được bảo đảm bằng: “Hợp đồng bảo lãnh thế chấp tài sản” ngày 5/8/2002, tài sản bảo lãnh là toàn bộ quyền sở hữu ngôi nhà và quyền sử dụng đất tại 194 phố Huế do ông Hoàng Đình Mậu và bà Nguyễn Thị Thu Hồng cam đoan là chủ sở hữu. Số tiền bảo lãnh vay là 5 tỷ đồng, thời hạn bảo lãnh là 6 năm. Theo đó, ông Mậu và bà Hồng là bên bảo lãnh, Công ty Bắc Sơn là bên được bảo lãnh và NHCT Cầu Giấy là bên nhận bảo lãnh. Hợp đồng này được Công chứng viên phòng công chứng số 1 thành phố Hà Nội chứng nhận ngày 05/8/2002;
Cầm cố 9 bộ dây chuyền lắp ráp xe máy theo Hợp đồng cầm cố tài sản ngày 23/8/2002 của Công ty Bắc Sơn với NHCT Cầu Giấy. Hợp đồng này được Công chứng viên phòng Công chứng số 3 thành phố Hà Nội chứng nhận ngày 23/8/2002;
Thế chấp toàn bộ giá trị tài sản hình thành của dự án đầu tư “xây dựng nhà xưởng và các thiết bị” được dùng làm tài sản bảo đảm cho vốn vay đầu tư của dự án.
Như vậy, ngôi nhà 194 phố Huế là 1 trong 3 tài sản đảm bảo cho HĐ tín dụng số 01/NHCG nêu trên. Trong đó, hợp đồng bảo lãnh xác định rõ: “Nếu bên vay (Công ty Bắc Sơn), bên bảo lãnh không trả được nợ thì Ngân hàng có quyền phát mại ngôi nhà nói trên”.
Vấn đề đặt ra là: Có đúng Công ty Bắc Sơn (bên vay) trốn tránh nghĩa vụ trả nợ hay không? Và khi Công ty Bắc Sơn vi phạm nghĩa vụ trả nợ thì tài sản nào được ưu tiên xử lý trước?
Theo anh Hoàng Ngọc Minh, Giám đốc Công ty Bắc Sơn, doanh nghiệp anh luôn mong muốn thực hiện việc trả nợ cho Ngân hàng Công thương Cầu Giấy. Sau khi Ngân hàng có đơn khởi kiện, các bên đã đi đến thống nhất thỏa thuận với nhau về phương án trả nợ của Công ty Bắc Sơn, cụ thể tại Quyết định số 143/2007/QĐST-KDTM ngày 20/12/2007, ghi rõ:
“2.2. Công ty TNHH Bắc Sơn cam kết trả Ngân hàng Công thương Việt Nam số tiền nợ gốc 15 tỷ đồng trong vòng 03 (ba) tháng kể từ ngày 19/12/2007.
2.3. Nếu Công ty TNHH Bắc Sơn thực hiện đúng lịch trình trả nợ gốc như cam kết tại điểm 2.2 thì Ngân hàng Công thương Việt Nam chi nhánh Cầu Giấy sẽ làm thủ tục, hồ sơ xem xét miễn giảm lãi cho Công ty TNHH Bắc Sơn”
2.4. Trong trường hợp Công ty TNHH Bắc Sơn không trả được khoản nợ gốc và khoản nợ lãi như đã cam kết ở trên thì Ngân hàng Công thương Việt Nam có quyền xử lý tài sản thế chấp theo quy định của pháp luật.
2.5 Ngân hàng Công thương Việt Nam được tiếp tục giữ và quản lý hồ sơ thế chấp của các tài sản thế chấp đã nêu ở trên nhưng phải tạo điều kiện để Công ty TNHH Bắc Sơn thực hiện việc bán tài sản thế chấp trả nợ cho ngân hàng. Nếu Công ty TNHH Bắc Sơn có yêu cầu photo các giấy tờ, tài liệu có trong hồ sơ thì Ngân hàng sẽ có trách nhiệm đáp ứng”.
Sự việc tưởng chừng đã kết thúc “êm đẹp” nếu như sau đó, Công ty TNHH Bắc Sơn trong quá trình nỗ lực tìm khách hàng để bán tài sản thế chấp là toàn bộ nhà xưởng (7.774m2 đất) và thiết bị nhà máy lắp đặt xe máy tại xã Nam Hồng, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội đã không nhận được sự ủng hộ từ phía Ngân hàng Công thương.
Mặc dù đã cam kết là phải tạo điều kiện cho Công ty TNHH Bắc Sơn trong việc bán tài sản thế chấp để trả nợ, nhưng NHCT đã từ chối không cho khách hàng của Công ty TNHH Bắc Sơn tiếp cận hồ sơ, giấy tờ tài liệu liên quan mà Ngân hàng đang nắm giữ.
Không dừng lại ở đó, sau khi Công ty TNHH Bắc Sơn gửi toàn bộ Hồ sơ cho Công ty Bán đấu giá Hà Nội để yêu cầu bán đấu giá tài sản trên thì NHCT lại ban hành một công văn chỉ đạo với nội dung: Không đồng ý cho Công ty TNHH Bắc Sơn bán đấu giá tài sản vì đây là tài sản đang được thế chấp tại Ngân hàng.
Và để khẳng định thiện chí trả nợ của mình, Công ty TNHH Bắc Sơn lại một lần nữa mang toàn bộ giấy tờ của tài sản thế chấp trên nộp cho Cơ quan Thi hành án, đồng thời tự nguyện giao 1,2ha đất cạnh nhà máy (tài sản riêng của doanh nghiệp) để yêu cầu Cơ quan Thi hành án cho bán đấu giá để thực hiện nghĩa vụ trả nợ.
Cứ ngỡ các Ngân hàng luôn nhức nhối về việc thu hồi nợ, nhưng hóa ra để trả nợ như trường hợp Công ty TNHH Bắc Sơn cũng khó lắm thay!
Muốn trả nợ cũng không xong, trong khi đó, cứ theo hợp đồng tín dụng, khi nghĩa vụ trả nợ còn chưa được thực hiện thì lãi suất ngân hàng được hưởng vẫn sẽ tăng lên. Và ai sẽ chịu trách nhiệm về khoản lãi này khi mà lỗi không thuộc về phía người có nghĩa vụ trả nợ ? Nếu Công ty TNHH Bắc Sơn vẫn phải trả lãi cho khoản nợ mà doanh nghiệp bị “làm khó” nên không thể hoàn thành được nghĩa vụ của mình thì có quá thiệt thòi cho doanh nghiệp này không?
Theo Luật sư Trương Quốc Hòe, Trưởng Văn phòng Luật sư Interla thì Quyết định số 143/2007/QĐST-KDTM ngày 20/12/2007 nêu rõ: “Trong trường hợp Công ty TNHH Bắc Sơn không trả được khoản nợ gốc và khoản nợ lãi như đã cam kết ở trên thì NHCTVN có quyền xử lý tài sản thế chấp theo quy định của pháp luật”.
Như vậy, kể cả trong trường hợp Công ty TNHH Bắc Sơn cố tình trốn tránh nghĩa vụ trả nợ với NHCT thì NHCT cũng chỉ có quyền xử lý tài sản thế chấp theo quy định của pháp luật (là toàn bộ nhà xưởng (7.774m2 đất) và thiết bị nhà máy lắp đặt xe máy tại xã Nam Hồng, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội). Trong trường hợp tài sản này không đủ để thực hiện nghĩa vụ mới phải xử lý các tài sản tiếp theo.
Sự việc trở nên khó hiểu, bởi Cơ quan Thi hành án lại không muốn nhận tài sản và giải quyết nhanh việc thi hành án, trong khi gia đình người có nghĩa vụ đã tự nguyện đề nghị giao tài sản để xử lý. Như vậy, không phải phía gia đình ông Hoàng Đình Mậu trốn tránh nghĩa vụ trả nợ mà là phía Ngân hàng và cơ quan thi hành án đã lờ đi việc xử lý tài sản thế chấp mà tìm cách triển khai kê biên đối với tài sản bảo lãnh – là ngôi nhà 194 Phố Huế.
Vậy, đâu là căn nguyên của việc Công ty Bắc Sơn bị gây khó khăn trong việc bán tài sản để trả nợ và nguyên nhân nào khiến các cơ quan thực thi pháp luật đã cố tình kê biên, bán đấu giá và cưỡng chế ngôi nhà 194 phố Huế (vốn là tài sản bảo lãnh để đảm bảo cho khoản vay)?
Dân trísẽ tiếp tục thông tin về vụ việc trên.
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()