NDĐT- Zone 9, một cái tên rất “sành điệu”, khu vui chơi với những “nghệ danh” mỹ miều: “Hợp tác xã nghệ sĩ”, “Khu không gian nghệ thuật, sáng tạo”… Thế nhưng, theo phản ảnh của người dân khu vực, đây chỉ là một bãi đất hoang được “tận dụng” để “chiều theo” xu hướng giải trí của giới trẻ.
Như NDĐT đã đưa tin, khoảng 14 giờ chiều 19-11, tại quán bar Fuse thuộc khu giải trí Zone 9, số 9 Trần Thánh Tông, Hà Nội, đã xảy ra vụ cháy làm chết sáu công nhân trong quá trình sửa chữa quán, gây hoang mang cho người dân tại đây.
Cổng chính tại số 9 Trần Thánh Tông vẫn bị phong tỏa bởi lực lượng chức năng. (ảnh: Linh Phan)
Cổng sau (38 Nguyễn Huy Tự) cũng được đóng kín, nhà hàng, quán xá trong Zone 9 đều trưng biển “tạm nghỉ”. (ảnh: Linh Phan)
Mọi phương thức “liên lạc” đều phải thực hiện qua … khe cửa. (ảnh: Linh Phan)
“Cổ giả” hay “cổ thật”?
“Khu giải trí” Zone 9, thực chất là khu đất bỏ hoang của công ty dược phẩm T.Ư 2, nằm cạnh vườn hoa Yersin và có hai cổng: số 9 Trần Thánh Tông và 38 Nguyễn Huy Tự. Tuy chỉ là mảnh đất đậm chất hoang tàn, đổ nát, nhưng các nhà đầu tư đã “khéo léo” biến thành một tụ điểm ăn chơi, giải trí, với khá nhiều phương án trang trí “giả cổ” để thu hút giới trẻ.
Điều đáng nói là, khu giải trí “giả cổ” này thực sự có “tuổi đời” khá cao. Theo điều tra của NDĐT, những người dân đã sống lâu năm quanh khu vực cho biết, các tòa nhà trong khu vực Zone 9 đã được xây dựng từ cách đây nhiều năm, có người còn quả quyết: “Xây từ những năm 50 – 60 đấy. Cũ kỹ, xập xệ rồi mà cứ kéo nhau đến…”.
Chắc hẳn vụ việc đôi bạn trẻ ngã từ tầng bốn của khu Zone 9 khi đang tạo dáng chụp ảnh không còn xa lạ với người dân Hà Nội. Nguyên nhân rất đơn giản: Đoạn tường bao nơi hai người chụp ảnh quá cũ mục, khi tựa vào đã gây nứt gãy và xảy ra sự cố đáng tiếc. Thông tin của sự việc đã được nhanh chóng lan truyền trên các trang báo chí, mạng xã hội. Giới trẻ lập tức rỉ tai nhau, cảnh báo về độ nguy hiểm khi đến đây “giải trí”.
Cô gái bất tỉnh sau khi ngã xuống từ tầng bốn. (ảnh: Dân Trí)
Ấy vậy mà, chỉ sau một thời gian không lâu, đã lại xảy ra một việc thương tâm. Lần này, không chỉ là bất tỉnh và đưa đi cấp cứu, mà sáu mạng người đã bị cướp đi chỉ trong vài phút. Các nạn nhân là những người lao động có hoàn cảnh khó khăn, có người mới chỉ 21 tuổi, và điều đáng chú ý là tất cả đều không có hợp đồng lao động.
Khi “giả” hóa “thật”
Các chủ quán bar, nhà hàng trong khu Zone 9 cho biết, việc thi công, sửa chữa đều được tiến hành độc lập. Việc để xảy ra hỏa hoạn khiến các công nhân tử vong là do người điều hành của Fuse Bar không bảo đảm an toàn lao động.
Theo đại diện những người hoạt động kinh doanh tại Zone 9, vụ việc “tình cờ” xảy ra đúng vào ngày công an dự kiến diễn tập ứng cứu hỏa hoạn, khiến nhiều người dân cho rằng đây là hoạt động của các cơ quan chức năng. Cũng theo anh này, thông báo gửi đến những hộ kinh doanh trong Zone 9 nêu rõ: buổi diễn tập sẽ triển khai vào 15 giờ chiều 19-11-2013.
Tuy nhiên, công tác phỏng vấn nhanh người dân khu vực lại cho thấy, đa số người dân, người buôn bán nhỏ quanh vườn hoa Yersin đều “bỏ của chạy lấy người” khi sự việc xảy ra.
Một người bán vé số (xin được giấu tên) tại cổng sau khu Zone 9 cho biết, chỉ sau khi vụ cháy xảy ra khoảng 15 phút, lực lượng cứu hỏa, cứu thương đã có mặt ngay tại hiện trường và tích cực triển khai công tác nghiệp vụ.
“Nhưng trước đó, do có gió mùa Đông Bắc thổi mạnh, khói đen khói vàng cuộn ra khắp phố, mang theo mùi lạ, khiến chúng tôi bỏ cả hàng, chạy về nhà cách đó vài phố”, ông nói.
Là thợ cắt tóc lâu năm ở khu phố, bác T. kể lại: “Gió mang khói vàng khè thổi khắp nơi, lại nghe tiếng í ới trong đó, tốt nhất là ‘lánh’ đi chỗ khác”.
Tiếp cận một nhóm bạn trẻ có mặt từ sớm ở trước cổng số 38 Nguyễn Huy Tự, chúng tôi được biết, các bạn đều là nhân viên làm thuê cho một cửa hàng phụ kiện thời trang trong khu Zone 9, hiện đang phải chờ “sếp” họp xong để lấy máy móc, dụng cụ về nhà làm việc tiếp trong khi khu này đang bị lực lượng chức năng phong tỏa.
Theo một bạn nữ trong nhóm này, khi vụ cháy xảy ra, các bạn cũng biết, nhưng do cửa không nằm cùng khu nhà nên cũng không nắm rõ sự việc. Đến khoảng 17 giờ ngày 19-11, khi cơ quan công an đến tiếp nhận xử lý, nhóm nhân viên này mới được về nhà.
“Lúc đầu thì cũng sợ lắm, nhưng rồi em thấy bảo cháy ở khu nhà khác nên em cũng không quan tâm nữa, chỉ lo đi về cho nhanh thôi… Người làm công như bọn em thì biết gì, miễn sao không phải mình là may rồi ạ”, bạn nữ này chia sẻ.
Nhóm nhân viên cửa hàng thời trang đứng chờ từ sáng đến trưa trước cổng sau Zone 9. (ảnh: Linh Phan)
“Ăn chơi”: Đến mức độ nào
Xã hội đang phát triển, những địa điểm vui chơi, giải trí không còn là quá xa lạ. Nhưng một khu nhà tạm bợ, cũ kỹ, đổ nát, liệu có đủ an toàn và lành mạnh? Nhất là khi người dân đã phản ánh: “Bây giờ nơi đây trở thành cái ‘nồi lẩu’ rồi, tây, ta ra vào lẫn lộn, hộp đêm, sàn nhảy, quán bar… các kiểu. Thôi thì giới trẻ họ như vậy, nhưng mà, ăn chơi ngay cạnh khu … đồng nát; cao su, vỏ hộp, vỏ lon chai đủ thể loại. Cái ‘thú’ là ở chỗ nào?”
Những “công trình giả cổ” như thế này là việc thường thấy ở Zone 9 (ảnh chụp tầng năm khu nhà A, nơi xảy ra sự việc). (ảnh: Linh Phan)
Ý kiến ()