Vụ buôn lậu gần 200 triệu lít xăng: Lê Xuân Thanh nói lời xin lỗi
Bị cáo Lê Xuân Thanh (cựu Thiếu tướng, cựu Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3) bày tỏ sự hối hận khi với cương vị Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 đã để xảy ra hành vi như bản luận tội của VKS.
Chiều 14/7, phiên tòa xét xử sơ thẩm 14 bị cáo trong vụ buôn lậu gần 200 triệu lít xăng RON 95-III tiếp tục với phần tranh luận.
Các luật sư, các bị cáo đã trình bày nhiều luận điểm, luận cứ bào chữa, phân tích bối cảnh thực hiện hành vi, nhằm giảm nhẹ mức độ hành vi phạm tội cho các bị cáo.
Bào chữa cho bị cáo Nguyễn Thế Anh (cựu Đại tá, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang), luật sư phân tích một loạt nội dung và cho rằng việc điều tra, truy tố đối với bị cáo Thế Anh là không khách quan.
Luật sư đề nghị Hội đồng xét xử trả hồ sơ để tiến hành điều tra bổ sung xem trong vụ án này liệu bị cáo Thế Anh có bị oan?
Thêm vào đó, luật sư còn cho rằng cần phải làm thay đổi quan điểm buộc tội, không phải cứ nhận tiền là nhận hối lộ.
Cụ thể trong vụ án này, các cơ quan tố tụng cần làm rõ sau khi nhận tiền của Hữu thì Thế Anh có làm gì giúp Hữu hay không thì mới xác định được hành vi của bị cáo Thế Anh có phải là nhận hối lộ hay không. Luật sư cũng bày tỏ mong muốn vụ án được xét xử công tâm, khách quan, tuân thủ pháp luật…
Trước đó, trong phần xét hỏi, nhân chứng Phan Thanh Hữu đã khai tháng 8/2020, Hữu biết Thế Anh đã chuyển về làm Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang, không “dính dáng” đến việc buôn lậu xăng của Hữu, nên Hữu không muốn chi tiền cho Thế Anh nữa.
Thấy vậy, Thế Anh đã gọi điện lại cho Hữu và hỏi: “Ông muốn gì?” Vì thế, Hữu buộc phải tiếp tục đưa tiền cho Thế Anh thông qua Nguyễn Văn An, mỗi tháng 10.000 USD. Hữu nhận thức số tiền 10.000 USD đưa cho Thế Anh này là tiền hối lộ.
Cáo trạng của Viện Kiểm sát truy tố bị cáo Nguyễn Thế Anh đã vì tư lợi, lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nhận lời giúp đỡ Phan Thanh Hữu để bao che, “bảo kê” cho hoạt động buôn lậu xăng của Hữu. Tổng cộng, Thế Anh đã nhận hối lộ của Hữu với số tiền 6,2 tỷ đồng và 560.000 USD.
Đối với bị cáo Lê Văn Minh (cựu Thiếu tướng, Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển), đại diện Viện Kiểm sát xác định, quá trình điều tra bị cáo Minh đã thừa nhận có quen biết và đã nhận tiền hối lộ của “trùm” buôn lậu xăng Phan Thanh Hữu. Bị cáo Minh đã nộp lại toàn bộ số tiền nhận hối lộ để khắc phục hậu quả.
Tại phiên tòa, nhân chứng Phan Thanh Hữu (Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn thương mại Phan Lê Hoàng Anh) cho rằng, tiền bị cáo Minh nhận từ Hữu là được tặng, cho để làm công đức…
Song đại diện Viện Kiểm sát cho rằng dù đưa cho với bất kỳ lý do nào cũng không được chấp nhận. Trên cơ sở đó, đại diện Viện Kiểm sát đã đề nghị Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Minh mức án 15-17 năm tù.
Được quyền tự bào chữa, bị cáo Minh trình bày bị cáo quen Hữu từ lâu, nhưng chưa bao giờ bàn nhau chuyện đưa tiền như thế nào. Hữu đưa bao nhiêu thì Minh biết bấy nhiêu, chưa bao giờ thỏa thuận bị cáo phải làm gì.
Bị cáo Minh đồng ý với cơ quan truy tố về số tiền nhận hối lộ bị quy kết là 6,9 tỷ đồng vì cho rằng bị cáo không nhớ số tiền đã nhận được từ Hữu, bản thân bị cáo cũng không có tài liệu gì chứng minh con số nào khác.
Với mức án bị đề nghị 15 năm tù, khi tự bào chữa trước Tòa, bị cáo Lê Xuân Thanh (cựu Thiếu tướng, cựu Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển) bày tỏ sự hối hận khi với cương vị Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 đã để xảy ra hành vi như bản luận tội của Viện Kiểm sát kết luận.
Bị cáo Lê Xuân Thanh nói lời xin lỗi Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Thủ trưởng Bộ Quốc phòng; xin lỗi Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, gia đình và quê hương.
Bào chữa cho thân chủ của mình, luật sư của bị cáo Thanh cho rằng, quy kết của Viện Kiểm sát đối với bị cáo Thanh có phần nặng nề, mức án đề nghị Hội đồng xét xử xử phạt bị cáo 15 năm tù cũng quá nghiêm khắc.
Theo luật sư, trong phần luận tội, đại diện Viện Kiểm sát cho rằng, ông Thanh biết việc Hữu buôn lậu, nhưng vì động cơ vụ lợi nên đã giúp Hữu, tạo điều kiện cho Phan Thanh Hữu buôn lậu. Đối với luận điểm này, luật sư đề nghị phía viện kiểm sát đánh giá, cân nhắc lại.
Cùng ra Tòa với bị cáo Thanh trong vụ án này còn có vợ của bị cáo là Phan Thị Xuân. Bị cáo Xuân bị đại diện Viện Kiểm sát đề nghị mức án từ 24-38 tháng tù nhưng cho hưởng án treo về tội “Nhận hối lộ.”
Bào chữa cho bị cáo Xuân, luật sư cho rằng vợ chồng bị cáo Thanh có hành vi nhận tiền từ Phan Thanh Hữu, nhưng lại không xác định được bị cáo Thanh có làm được việc gì theo mục đích, yêu cầu của Hữu hay không, bởi không có chứng cứ về chuyện hai bên bàn bạc nhau về việc giúp đỡ tàu của Hữu buôn lậu.
Trước đó, trong phần luận tội, đại diện Viện Kiểm sát xác định, mặc dù nhận thức rõ tiền của Hữu đưa là nhằm hối lộ chồng mình, nhưng bị cáo Xuân vẫn 11 lần nhận tiền của Hữu với tổng số 1,8 tỷ đồng. Viện Kiểm sát cho rằng vì tình cảm vợ chồng, vì cám dỗ vật chất mà bị cáo Xuân đã nhận hối lộ.
Ngày 15/7, phiên xử tiếp tục với phần tranh luận của các luật sư, bị cáo với những nội dung luận tội của đại diện Viện Kiểm sát giữ quyền công tố tại phiên tòa./.
Ý kiến ()