Vụ án phố Ôn Như Hầu - Bài học kinh nghiệm về bảo vệ chính quyền cách mạng ngày đầu mới thành lập
Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vừa mới ra đời đã phải đương đầu với muôn vàn khó khăn, thử thách; vừa lo đối phó giặc đói, giặc dốt, vừa tập trung phá thế "thù trong -giặc ngoài". Các thế lực ngoại xâm núp bóng Đồng minh và các đối tượng phản động bên trong đua nhau ngóc đầu dậy, câu kết chặt chẽ thành những liên minh phản cách mạng, ráo riết và trắng trợn chống phá, đặt dân tộc ta trước tình thế "ngàn cân treo sợi tóc". Nhiệm vụ quan trọng bậc nhất lúc này của Đảng ta là phải giữ vững chính quyền, bảo vệ thành quả cách mạng.
Chiến công mang dấu ấn lịch sử của lực lượng Công an nhân dân trong cuộc đấu tranh chống thù trong, giặc ngoài thời kỳ này là khám phá vụ án phố Ôn Như Hầu (nay là phố Nguyễn Gia Thiều) ngày 12-7-1946.
Qua tài liệu thu được khi phá vụ án phố Ôn Như Hầu, ta đã nắm được “Kế hoạch đảo chính Chính phủ Hồ Chí Minh” do chính Trương Tử Anh, Chủ tịch Quốc dân đảng soạn thảo. Theo kế hoạch này, ngày 14-7-1946, khi quân Pháp diễu binh qua Bắc Bộ Phủ, Quốc dân đảng sẽ tổ chức ném lựu đạn vào tốp lính da đen gây tiếng nổ và đổ máu. Lấy cớ đó, Pháp sẽ đổ lỗi cho ta không giữ được an ninh, trật tự, chống lại quân Đồng minh và cho quân Pháp ập vào Bắc Bộ Phủ bắt toàn bộ Chính phủ ta, đánh chiếm các cơ quan đầu não của Nhà nước, tuyên bố đảo chính và lập ngay “Chính phủ Quốc dân đảng Việt Nam” thay thế. Cùng lúc đó, tại Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh và phái đoàn Chính phủ ta cũng sẽ bị bắt giữ. Kế hoạch đảo chính của Trương Tử Anh được Tướng Va-luy, Tổng chỉ huy quân đội Pháp ở Đông Dương chỉ đạo: “Từ các chỗ đóng quân lấn chiếm ra chung quanh, thi hành những biện pháp làm thay đổi dần dần và biến kịch bản của một cuộc hành quân thuần túy quân sự thành một kịch bản đảo chính” (1).
Việc khám phá vụ án phố Ôn Như Hầu, không chỉ đập tan một cuộc đảo chính phản cách mạng mà còn phá tan hệ thống tổ chức của một đảng phản động có thực lực nhất; phá vỡ liên minh phản cách mạng giữa các đối tượng bên trong với thế lực bên ngoài. Đúng như đồng chí Trường Chinh, khi đó là Tổng Bí thư của Đảng đánh giá: “Những vụ khám bắt trên đây có một tác dụng vô cùng quan trọng, nó lột mặt nạ bọn phản động bên trong, tay sai của bọn phản động bên ngoài… Nó lôi ra ánh sáng dư luận một bọn giả danh chính trị, giả danh quốc gia dân tộc… cắm một cái mốc trên con đường thống nhất dân tộc, biểu lộ sức mạnh và uy tín của chính quyền nhân dân”(2).
Trong bối cảnh chính quyền cách mạng mới ra đời còn non trẻ, vừa phải đối phó với kẻ thù bên ngoài, mang dã tâm xâm lược nhưng lại núp dưới danh nghĩa “Đồng minh”; các đảng phái phản động bên trong nuôi âm mưu cướp chính quyền nhưng lại khoác áo “cách mạng quốc gia”; lực lượng Công an vừa mới ra đời chưa đầy một năm, kinh nghiệm đấu tranh chưa nhiều, vụ án phố Ôn Như Hầu càng cho thấy ý nghĩa sâu sắc và tầm vóc to lớn của sự kiện, để lại cho chúng ta nhiều bài học kinh nghiệm về bảo vệ chính quyền cách mạng. Đó là:
Trong đấu tranh trấn áp phản cách mạng phải nắm vững đường lối, sách lược của Đảng, đồng thời phải dám nghĩ, dám quyết định và hành động sáng tạo trong những giờ phút ngặt nghèo nhất. Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có những chủ trương, sách lược đúng đắn: “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”, vừa cứng rắn về nguyên tắc, vừa mềm dẻo trong sách lược; kiên quyết trấn áp phản cách mạng, nhưng không được mắc mưu khiêu khích của kẻ địch. Từ những thông tin ban đầu, bằng ý chí quyết thắng, dám nghĩ, dám làm, lãnh đạo Nha Công an Trung ương đã có quyết định đúng đắn, kịp thời: phải đột nhập bí mật trụ sở số 132 phố Đuyvi-nhô (nay là phố Bùi Thị Xuân) để thu tài liệu, truyền đơn phản động của số đối tượng Quốc dân đảng làm chứng cứ. Quyết định táo bạo ấy đã tạo bước ngoặt quan trọng, đập tan âm mưu đảo chính từ trong trứng.
Quy luật cho thấy, kẻ thù bên ngoài và số đối tượng phản cách mạng trong nước thường câu kết với nhau, muốn đấu tranh thắng lợi với kẻ thù bên ngoài thì phải kiên quyết trừng trị số đối tượng phản động trong nước, phá vỡ sự câu kết giữa chúng. Trên cơ sở phân tích, đánh giá đúng thông tin, lãnh đạo Nha Công an Trung ương đã nhận định: Quốc dân đảng và thực dân Pháp đang câu kết với nhau, âm mưu bạo động cướp chính quyền. Từ nhận định đó, ta tập trung trấn áp phản cách mạng trong nước, thu thập chứng cứ vạch trần sự dính líu, can thiệp của thực dân Pháp, tham mưu cho Chính phủ khước từ đề nghị tổ chức cuộc diễu binh của thực dân Pháp; đồng thời, tiến hành trấn áp toàn bộ hệ thống tổ chức của Quốc dân đảng. Khi phá vụ án phố Ôn Như Hầu, lực lượng Công an còn đưa ra công khai tài liệu của Quốc dân đảng về kế hoạch ám sát các sĩ quan, binh lính Pháp và bắt cóc phụ nữ, trẻ em Pháp tại Hà Nội để đòi tiền chuộc. Một mặt, vạch trần tội ác của chúng, mặt khác phân hóa, chia rẽ, làm tan rã sự câu kết giữa Quốc dân đảng và thực dân Pháp. Vì vậy, khi ta tổ chức tấn công, khám xét các trụ sở của Quốc dân đảng, thực dân Pháp không dám can thiệp.
Trấn áp phản cách mạng để bảo vệ chính quyền cách mạng phải nêu cao ý chí quyết thắng, quyết đoán và khôn khéo. Ở thời kỳ lịch sử đặc biệt này, khi mà ranh giới giữa ta và địch, giữa cách mạng và phản cách mạng hết sức mong manh, chỉ một sơ hở dù là nhỏ nhất sẽ bị kẻ địch lợi dụng gây thành chuyện lớn, thì càng đòi hỏi công tác trấn áp phản cách mạng phải được tiến hành thận trọng, kiên quyết, khôn khéo. Dựa trên những tin tức do trinh sát thu thập và các đầu mối bí mật báo về, ta đã nắm được âm mưu và hoạt động của chúng. Mặc dù, hết sức lo lắng cho vận mệnh quốc gia, nhưng do chưa có bằng chứng cụ thể, Trung ương và Chính phủ vẫn chưa thể cho phép Nha Công an Trung ương mở cuộc trấn áp. Càng gần ngày Quốc khánh Pháp (14-7), tình hình càng căng thẳng và vô cùng nguy hiểm. Cùng thời điểm đó, cơ sở của ta báo tin: tại trụ sở số 132 Đuy-vinhô, các đối tượng phản động đã in xong lời hiệu triệu quốc dân và truyền đơn kêu gọi lật đổ chính quyền, tất cả sẽ được chuyển đi trong sáng ngày 12-7.
Trong bối cảnh ấy, nếu lực lượng Công an không kịp thời tấn công, các đối tượng phản động sẽ phân tán tài liệu, rút vào hoạt động bí mật trước giờ hành động, lúc đó thời cơ trấn áp sẽ không còn. Hoặc nếu ta quyết định tấn công trụ sở Quốc dân đảng mà không thu được tài liệu, chứng cứ, thì sẽ muôn phần bất lợi và nguy hiểm. Vận mệnh quốc gia, sự an toàn của Chủ tịch Hồ Chí Minh và phái đoàn Chính phủ ta đang ở Pháp tùy thuộc quyết định sinh tử này. Trong tình thế đó, lãnh đạo Nha Công an Trung ương đã đưa ra quyết định quan trọng là đột nhập trụ sở Quốc dân đảng ở số 132 Đuy-vi-nhô, thu bằng được vật chứng. Ngay sau khi có lệnh của Trung ương và Chính phủ, lực lượng Công an lập tức tổ chức khám xét các trụ sở khác của Quốc dân đảng ở Hà Nội. Tại trụ sở của “Đệ nhất chiến khu” Quốc dân đảng ở số 7 phố Ôn Như Hầu, ta đã bắt giữ đối tượng cầm đầu và thu nhiều tài liệu, chứng cứ về âm mưu và tội ác của chúng.
Kết quả cuộc tổng trấn áp, ta đã khám xét 41 trụ sở công khai và bí mật, bắt gần 300 tên, thu toàn bộ phương tiện và tài liệu phản cách mạng, đập tan cuộc đảo chính trước khi nó nổ ra theo kế hoạch đúng 48 giờ. |
Phải khéo tổ chức tuyên truyền phù hợp để huy động sức mạnh của quần chúng nhân dân, tạo nên sức mạnh chính trị, vừa làm suy sụp tinh thần của Quốc dân đảng, vừa răn đe hành động can thiệp của quân đội viễn chinh Pháp. Vào thời điểm khám phá vụ án phố Ôn Như Hầu, giác ngộ chính trị của đại đa số quần chúng chưa cao, trong khi đó Quốc dân đảng vừa có ảnh hưởng rộng lớn, vừa được sự cổ súy, hậu thuẫn của quân đội Tưởng, lại sử dụng nhiều thủ đoạn thâm độc để mua chuộc quần chúng. Vì vậy, qua việc tuyên truyền, nhất là qua cuộc triển lãm về tội ác của Quốc dân đảng sau khi khám xét các trụ sở của chúng tại Hà Nội, không chỉ có tác dụng tranh thủ được sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân, kể cả những người vẫn tin hoặc theo Quốc dân đảng, mà còn củng cố lòng tin của quần chúng với cách mạng. Bộ mặt lưu manh, côn đồ đội lốt đảng phái chính trị làm những việc phản nước, hại dân của Quốc dân đảng đã bị bóc trần trước sự căm phẫn của đông đảo quần chúng nhân dân. Tại hội thảo về vụ án này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đánh giá: “Phải nói rằng, công tác tuyên truyền của ta rất tốt, được nhân dân rất đồng tình và ủng hộ”(3). Nhiều nơi, khi ta khám xét trụ sở của Quốc dân đảng, thực dân Pháp đưa quân lính và xe tăng đến can thiệp để giải thoát cho các phần tử tay sai, nhưng trước sức mạnh đấu tranh của quần chúng, chúng buộc phải rút lui.
Những biện pháp đấu tranh sử dụng trong khám phá vụ án phố Ôn Như Hầu là nền móng xây dựng lý luận nghiệp vụ đấu tranh chống phản cách mạng của lực lượng Công an nhân dân. Nét điển hình là sự kết hợp khôn khéo các biện pháp điều tra, trinh sát nắm tình hình, thu thập, củng cố chứng cứ với biện pháp vũ trang và vận động quần chúng, sự phối hợp đồng bộ giữa các đơn vị trinh sát, cảnh sát và công an xung phong, có sự hỗ trợ của Vệ quốc đoàn, tự vệ chiến đấu. Chính vì vậy, lực lượng Công an đã đánh trúng từ đòn đầu tiên, thu thập đầy đủ chứng cứ, để Chính phủ quyết định trấn áp phản cách mạng trong toàn quốc. Đánh giá về mặt nghiệp vụ trong vụ án này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp khẳng định: “Làm được như vậy chứng tỏ công tác phản gián rất giỏi. Vừa đúng pháp luật, vừa khéo léo, vừa đoàn kết”(4).
Lịch sử đã trải qua gần 70 năm, song những bài học rút ra từ vụ án phố Ôn Như Hầu vẫn còn nguyên giá trị, là mốc son chói lọi trong hành trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của lực lượng Công an nhân dân. Đó mãi mãi là niềm tự hào và là động lực cách mạng để các thế hệ cán bộ, chiến sĩ công an hôm nay và mai sau tiếp tục phấn đấu, cống hiến sức lực và trí tuệ cho sự nghiệp bảo vệ an ninh Tổ quốc, xứng đáng với truyền thống vẻ vang của lực lượng Công an nhân dân Việt Nam anh hùng.
——————
(1) Lịch sử Công an nhân dân Việt Nam tập I, 1945-1946, Nxb.CAND, Hà Nội, 2013, tr.312.
(2) Lịch sử Công an nhân dân Việt Nam tập I, 1945-1946, Nxb. CAND, Hà Nội, 2013, tr.320.
(3) Những trang sử vẻ vang của lực lượng An ninh nhân dân Việt Nam anh hùng, Nxb. CAND, Hà Nội, 2006, tr.61.
(4) Những trang sử vẻ vang của lực lượng An ninh nhân dân Việt Nam anh hùng, Nxb. CAND, Hà Nội, 2006, tr.62.
Theo Nhandan.org.vn
Ý kiến ()