VRG hướng tới mốc doanh thu 30 nghìn tỷ đồng
Bám sát thị trường, hoàn thành kế hoạch sớm Tập đoàn Công nghiệp Cao-su Việt Nam (VRG) bước vào năm 2010 với nhiều thuận lợi. Trong giai đoạn kinh tế thế giới bị khủng hoảng, nhờ kịp thời điều chỉnh kế hoạch sản xuất, kinh doanh, tạo sự đồng thuận trong toàn tập đoàn nên VRG đã duy trì được sự tăng trưởng và ổn định, phát triển sản xuất.Đầu năm 2010, tình hình tiêu thụ cao-su thế giới hồi phục mạnh mẽ do nguồn cung thấp hơn cầu, giá bán cao-su từ đầu năm đến tháng 9-2010 đứng vững ở mức cao và đạt mức giá kỷ lục trong lịch sử ngành sản xuất cao-su. Sự sôi động của thị trường tiêu thụ cao-su và giá bán cao đã tạo động lực cho các nhà sản xuất cao-su nói chung và VRG nói riêng thúc đẩy sản xuất và gia tăng sản lượng. Tập đoàn tập trung chỉ đạo bám sát thị trường, nhanh nhạy nắm bắt thời cơ thực hiện hoàn thành kế hoạch sản xuất ngay từ ngày đầu, tháng đầu và quý đầu năm 2010, tranh thủ lúc giá bán cao để nâng cao hiệu quả...
Tập đoàn Công nghiệp Cao-su Việt Nam (VRG) bước vào năm 2010 với nhiều thuận lợi. Trong giai đoạn kinh tế thế giới bị khủng hoảng, nhờ kịp thời điều chỉnh kế hoạch sản xuất, kinh doanh, tạo sự đồng thuận trong toàn tập đoàn nên VRG đã duy trì được sự tăng trưởng và ổn định, phát triển sản xuất.
Đầu năm 2010, tình hình tiêu thụ cao-su thế giới hồi phục mạnh mẽ do nguồn cung thấp hơn cầu, giá bán cao-su từ đầu năm đến tháng 9-2010 đứng vững ở mức cao và đạt mức giá kỷ lục trong lịch sử ngành sản xuất cao-su. Sự sôi động của thị trường tiêu thụ cao-su và giá bán cao đã tạo động lực cho các nhà sản xuất cao-su nói chung và VRG nói riêng thúc đẩy sản xuất và gia tăng sản lượng. Tập đoàn tập trung chỉ đạo bám sát thị trường, nhanh nhạy nắm bắt thời cơ thực hiện hoàn thành kế hoạch sản xuất ngay từ ngày đầu, tháng đầu và quý đầu năm 2010, tranh thủ lúc giá bán cao để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.
Hiện nay có 13 nhà máy đang được xây dựng mới, nâng cấp và đưa vào sử dụng, đến cuối tháng 9-2010, VRG đã chế biến được 185.014 tấn cao-su các loại, đạt 64% kế hoạch năm, trong đó có thu mua chế biến 20.000 tấn.
Đến cuối tháng 9-2010, toàn tập đoàn đã trồng được 39.595 ha, trong đó, tái canh 10.137 ha, trồng mới 29.458 ha. Đây cũng là năm tập đoàn triển khai diện tích tái canh trồng mới với quy mô lớn nhất từ trước đến nay.
Giá cao-su trong chín tháng qua giao động ở mức 3.000-3.200 USD/tấn, riêng trong tháng 4-2010, giá cao-su thế giới đã đạt 3.499 USD/tấn vượt qua mức đỉnh điểm tháng 7-2008 (3.237 USD/tấn) và đạt mức kỷ lục từ trước đến nay. Giá bán cao-su bình quân chín tháng đầu năm là 57,5 triệu đồng/tấn, so với cùng kỳ năm 2009 tăng 30 triệu đồng. Tính đến ngày 30-9-2010, toàn tập đoàn đã tiêu thụ được 192.108 tấn cao-su. So với cùng kỳ năm 2009 về sản lượng cao-su giảm, nhưng về giá tăng mạnh nên hiệu quả sản xuất, kinh doanh cao-su đạt mức cao kỷ lục từ trước đến nay.
Từ đầu năm 2010 đến nay, do giá cả diễn biến tăng nhanh và mạnh trên tất cả các thị trường MRB, Sicom, Tocom, Shanghai, và mậu biên Móng Cái đã tạo thuận lợi cho việc tiêu thụ cao-su với giá bán bình quân là 58 triệu đồng/tấn và tập đoàn đã ban hành 76 lượt giá sàn. Từ ngày 17-8-2010, tập đoàn đã ban hành giá sàn cho mủ Skim Block.
Với những thuận lợi về thị trường và giá bán mủ cao-su, doanh thu của khối Công ty mẹ – Tập đoàn và các công ty công nghiệp-dịch vụ đạt 3.662 tỷ đồng, lợi nhuận 433 tỷ đồng. Tổng doanh thu 14.823 tỷ đồng, đạt 73,2% kế hoạch cả năm, so với cùng kỳ năm trước tăng 8.139 tỷ đồng, vượt 117%.
Tập trung đầu tư trồng mới và nhà máy chế biến
Để chuẩn bị cho hướng phát triển dài hạn, VRG đã xây dựng và triển khai kế hoạch đầu tư phát triển các vùng cây cao-su trong và ngoài nước, tiếp tục đầu tư và nâng cấp các nhà máy chế biến mủ cao-su tại các khu vực nguyên liệu trọng điểm. Tại Lào, tính đến tháng 9-2010, toàn tập đoàn có sáu dự án đã triển khai và quy mô được phê duyệt là 66.654 ha, tổng mức đầu tư 6.306,79 tỷ đồng, tổng vốn điều lệ 2.000 tỷ đồng, vốn góp đến ngày 15-9-2010 là 1.616,65 tỷ đồng, còn phải góp 383,35 tỷ đồng. Tập đoàn đã góp 1.230,37 tỷ đồng, chiếm 61,52% tổng vốn điều lệ. Đến năm 2009: tổng cộng trồng 21.783,44 ha (trong đó Công ty CPCS Việt Lào trồng 10.016,56 ha, Công ty CP QUASA-GERUCO trồng 4.212,53 ha, Công ty CPCS Dầu Tiếng Việt Lào trồng 4.607,27 ha, Công ty CP Đầu tư Cao-su CGS trồng 160,26 ha, Công ty CP Hoàng Anh – Quang Minh trồng 1.865 ha và Công ty CP CS TP Hồ Chí Minh trồng 921,82 ha), chiếm tỷ lệ 32,68% trên quy mô 66.654 ha. Quỹ đất đã thỏa thuận cho khảo sát là 35.136 ha. VRG cũng đang triển khai xây dựng nhà máy chế biến mủ cốm công suất 15 nghìn tấn/năm tại Lào.
Tại Cam-pu-chia, tính đến tháng 9-2010, toàn tập đoàn đã có 13 dự án được chấp thuận, triển khai 10 dự án và ba dự án chuẩn bị triển khai. Tổng mức đầu tư 10 dự án đang triển khai là 6.867,44 tỷ đồng. Trồng mới cao-su năm 2010 là 15.766 ha. Tổng diện tích cao-su đã trồng đến tháng 9-2010 là 26.250 ha. Diện tích đất trong giai đoạn làm thủ tục xin đất và chuyển nhượng là 46.341 ha, trong đó Phú Riềng là 5.059 ha, Tân Biên là 8.000 ha, Dầu Tiếng Cam-pu-chia là 9.000 ha, Dầu Tiếng Kratie là 8.000 ha, Eah'leo là 14.000 ha, Đồng Phú là 2.282 ha.
Tại địa bàn trong nước: Trong tháng 5-2010, tại huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu, Công ty CPCS Lai Châu II đã tổ chức lễ ra mắt và ra quân trồng mới cao-su với kế hoạch năm 2010 là 1.000 ha đến 1.500 ha. Lũy kế trồng mới từ năm 2007 đến tháng 9-2010 là 9.547,89 ha. Trong đó Công ty CPCS Điện Biên trồng 2.216,21 ha, Sơn La trồng 3.983,95 ha, Lai Châu trồng 3.081,48 ha, Hà Giang trồng 266,25 ha. Tại năm tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Lai Châu II, Sơn La và Hà Giang. Dự kiến trong năm 2010 sẽ trồng 8.970 ha (trong đó Công ty CPCS Điện Biên trồng 1.970 ha, Sơn La trồng 1.800 ha, Lai Châu trồng 3.000 ha, Lai Châu II trồng 1.000 – 1.500 ha, Hà Giang trồng 2.200 ha). Hiện nay, tập đoàn đã thành lập Công ty cổ phần Cao-su Yên Bái trong năm 2010.
Điều đặc biệt là tại đây lần đầu tập đoàn thực hiện có kết quả hình thức các hộ dân tham gia góp vốn bằng quyền sử dụng đất cho các dự án, tạo mối liên kết chặt chẽ, cộng đồng trách nhiệm và cùng có lợi cho chủ đầu tư cũng như các hộ dân tham gia vào dự án tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình triển khai dự án theo đúng kế hoạch đề ra. Song do Tây Bắc là vùng mới phát triển cao-su với điều kiện thời tiết, địa hình, thổ nhưỡng đặc trưng khác với các vùng trồng cao-su truyền thống, do đó cần lưu ý đến vấn đề lựa chọn bộ giống phù hợp và có quy trình kỹ thuật riêng cho vùng này.
Tại khu vực miền Đông Nam Bộ, VRG đã hoàn thành một số công trình trọng điểm như Nhà máy chế biến mủ cốm Lộc Hiệp công suất 9.000 tấn/năm thuộc Công ty TNHH MTV Cao-su Lộc Ninh; đang hoàn thiện dự án dây chuyền chế biến mủ tạp và mủ cốm công suất 4.500 tấn/năm của Công ty TNHH MTV Cao-su Bình Thuận và chuẩn bị thủ tục đầu tư dự án dây chuyền chế biến mủ tạp công suất 3.000 tấn/năm thuộc Công ty TNHH MTV Cao-su Phú Riềng.
Ở khu vực Tây Nguyên và duyên hải miền trung, VRG đang tập trung xây dựng Nhà máy chế biến mủ cốm công suất 6.000 tấn/năm của Công ty TNHH MTV Cao-su Krông Búc và đang triển khai xây dựng Nhà máy chế biến mủ tạp và cốm công suất 4.500 tấn/năm của Công ty Cao-su Hà Tĩnh. VRG đang chỉ đạo Công ty TNHH MTV Cao-su Quảng Nam khẩn trương chuẩn bị công tác đầu tư Nhà máy chế biến mủ cao-su công suất 1.000 tấn/năm.
Phấn đấu đạt mốc doanh thu 30 nghìn tỷ đồng vào năm 2015
Tổng Giám đốc VRG Trần Ngọc Thuận cho biết, giai đoạn từ nay đến năm 2015, VRG phấn đấu giữ vững tốc độ tăng trưởng trung bình 10%/năm với tổng doanh thu đạt hơn 30.000 tỷ đồng vào năm 2015, trong đó xuất khẩu đạt một tỷ USD. Tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu đạt từ 16 đến 18%. Tổng tài sản và vốn Nhà nước tăng trưởng bình quân 20%/năm, năm 2015 tổng tài sản đạt 100.000 tỷ đồng trong đó vốn Nhà nước hơn 40 nghìn tỷ đồng. Giai đoạn 2016-2020, nâng tốc độ tăng trưởng trung bình 15-20%/năm, tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng tài sản và vốn Nhà nước, tổng doanh thu đạt từ 60 đến 80 nghìn tỷ đồng, tổng tài sản 140-180 nghìn tỷ đồng, vốn Nhà nước từ 60 đến 80 nghìn tỷ đồng.
Tạo thêm từ 50 đến 70 nghìn chỗ làm mới cả trong và ngoài nước, nâng tổng số lao động 160.000-180.000 người đến năm 2015, mức tăng lương bình quân 5%/năm, đạt mức bình quân 350 USD/lao động/tháng vào năm 2015.
Cụ thể từng lĩnh vực, VRG đặt chỉ tiêu trồng mới trung bình 40 nghìn ha/năm để đạt quy mô từ 500 đến 520 nghìn ha vào năm 2015, trong đó diện tích trong nước 300-340 nghìn ha, nước ngoài 160-200 nghìn ha, rút ngắn thời gian khai thác cơ bản các vườn cây trồng mới trong giai đoạn 2006-2015 từ 1 đến 1,5 năm. Sản lượng tối thiểu năm 2015 đạt 350.000 tấn, tăng cường thu mua để sản lượng tiêu thụ đạt mức 420 nghìn tấn.
Tiếp tục đẩy mạnh phát triển công nghiệp sản xuất săm lốp ô-tô, xe máy với sản lượng năm 2015 khoảng hai triệu bộ, làm tiền đề để phát triển vào giai đoạn 2015-2020; phát triển các sản phẩm nhúng (găng tay, nệm, chỉ thun…) để tận dụng thế mạnh về mủ li tâm với sản lượng 2015 khoảng 20.000 tấn. Tổng doanh thu hơn 400 triệu USD, phần lớn là doanh thu xuất khẩu.
Nâng công suất các nhà máy tinh chế gỗ với quy mô khoảng 80.000 m3 gỗ thành phẩm, mức tăng trung bình từ 8.000 m3/năm. Đầu tư các nhà máy sản xuất gỗ nhân tạo (MDF, ván dăm…) để tăng giá trị nguồn nguyên liệu gỗ cao-su, đáp ứng nhu cầu sản xuất trong nước, giảm nhập khẩu với quy mô khoảng 500.000 m3 vào năm 2015. Tổng doanh thu sản phẩm gỗ đạt hơn 4.000 tỷ đồng vào năm 2015 với doanh thu xuất khẩu hơn 100 triệu USD.
Ngoài ra, VRG tiếp tục đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng các khu công nghiệp hiện có, đầu tư các khu dân cư phục vụ khu công nghiệp, nâng cao chất lượng dịch vụ để lấp đầy tối thiểu 60% diện tích, thu hút khoảng 10 tỷ USD vốn đầu tư vào các khu công nghiệp do tập đoàn sở hữu. Thâm canh, tăng năng suất, chất lượng các sản phẩm nông, lâm nghiệp đã có như cà-phê, tiêu, rừng trồng,… xem xét mở rộng hoạt động một số lĩnh vực sản xuất nông, lâm, thủy sản phù hợp năng lực quản lý và có hiệu quả. Đầu tư bảo đảm chất lượng, tiến độ các dự án thủy điện đang có với công suất hơn 200 MW, tận dụng cơ sở hạ tầng của các dự án đã có, mở rộng các dự án thủy điện lân cận, khai thác các tiềm năng nguồn nước, tiềm năng du lịch của thủy điện để tăng hiệu quả kinh doanh.
Đưa vào hoạt động trung tâm thương mại Tập đoàn Công nghiệp Cao-su Việt Nam
Ngày 25-10, Công ty cổ phần Thương mại Dịch vụ và Du lịch cao-su thuộc Tập đoàn Công nghiệp Cao-su Việt Nam đã tổ chức lễ khai trương Trung tâm Thương mại – Khách sạn MAJESTIC-VRG tại TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh.
Công trình có quy mô 25 tầng, đạt chuẩn khách sạn 5 sao với tổng vốn đầu tư hơn 400 tỷ đồng, là một tổ hợp hệ thống thương mại, khách sạn và dịch vụ kèm theo với tổng diện tích sàn sử dụng hơn 31 nghìn m2 . Công trình được xây dựng nhằm quảng bá thương hiệu ngành cao-su Việt Nam ở thị trường Trung Quốc. Đồng thời làm công tác xúc tiến thương mại, xúc tiến tổ chức các hội nghị và hội chợ quốc tế tại thành phố Nam Ninh và Móng Cái. Là nơi giao lưu về văn hóa và trao đổi mua bán, gặp gỡ các doanh nhân giữa hai nước; là điểm đến của khách du lịch hai nước. Đồng thời sẽ tạo công ăn việc làm cho gần 500 lao động. Công trình được chính thức gắn biển chào mừng Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội và chào mừng Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng. |
Theo Nhandan
Ý kiến ()