Vòng xoáy xung đột ở Dải Gaza
Cuộc xung đột giữa Israel và phong trào Hamas kéo dài tròn một năm và vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, kéo theo các cuộc khủng hoảng nhân đạo ngày càng trầm trọng. Bất chấp kêu gọi khẩn thiết từ cộng đồng quốc tế, cũng như nỗ lực của các bên trung gian hòa giải, triển vọng về một thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và Hamas vẫn mịt mờ, trong khi những động thái “ăn miếng trả miếng” đang dấy lên mối đe dọa về một cuộc xung đột toàn diện ở Trung Đông.
Khủng hoảng nhân đạo
Một năm đã qua, song những cảnh tượng thảm khốc ngày 7/10/2023 vẫn ám ảnh không chỉ người dân Israel. Cuộc tấn công đẫm máu của Hamas vào Israel khiến khoảng 1.200 người chết và 250 người bị bắt làm con tin. Để đáp trả, Israel tiến hành các chiến dịch quân sự nhằm vào Hamas tại dải đất hẹp ven Địa Trung Hải.
Theo cơ quan y tế tại Dải Gaza, hơn 41.800 người chết và 96.900 người bị thương ở đây kể từ khi xung đột bùng phát đến nay. Chia sẻ với tờ The Guardian, bà Neama al-Barawi, một người dân ở Dải Gaza, cho biết đã “chết lặng” khi mất đi người thân và không có ý chí để làm bất cứ điều gì khi xung đột mới nổ ra.
Trong năm qua, khoảng 1,9 triệu người ở Dải Gaza, trong đó có bà Neama al-Barawi, thường xuyên phải di dời đến các nơi trú ẩn để tránh bom đạn.
Những con số thương tâm nêu trên thực tế có lẽ còn cao hơn bởi nhiều người vẫn mất tích hoặc bị chôn vùi dưới đống đổ nát. Hàng nghìn công trình ở Dải Gaza, kể cả những địa điểm nên được bảo đảm an toàn, cũng bị phá hủy bởi các cuộc không kích dữ dội.
Israel nhiều lần tuyên bố rằng chỉ nhằm Hamas, đồng thời cáo buộc lực lượng này cố tình gây nguy hiểm cho người dân khi ẩn nấp trong các trường học và bệnh viện. Dù với lý do nào, những hành động gây ra hậu quả thảm khốc với dân thường đều bị cộng đồng quốc tế lên án.
Trong suốt một năm qua, nhiều hoạt động hỗ trợ người dân ở Dải Gaza được triển khai, như thả hàng viện trợ qua đường hàng không hay mở các hành lang nhân đạo. Tuy nhiên, những nỗ lực này vẫn chưa đủ để khỏa lấp hiện thực tàn khốc ở đây.
Không chỉ gặp trở ngại trong việc tìm nơi ở, người dân tại Dải Gaza còn không được đáp ứng những nhu cầu thiết yếu như: lương thực, nước sạch, thuốc men…
Các cửa khẩu biên giới vào Dải Gaza, trong đó có Rafah, bị kiểm soát càng đẩy những người cần được hỗ trợ nhất vào cảnh khốn cùng, phải đối mặt nạn đói và bệnh tật.
Báo cáo do Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo (OCHA) của Liên hợp quốc công bố gần đây cho thấy, gần một nửa số chuyến hàng viện trợ bị cản trở hoặc không được phép vào Dải Gaza.
Trong khi đó, nhiều nhân viên, tình nguyện viên cứu trợ phải bỏ mạng khi đang thực hiện nhiệm vụ ở đây cũng gióng lên những hồi chuông cảnh báo rằng các cuộc khủng hoảng nhân đạo ngày một nghiêm trọng hơn.
Tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có luật nhân đạo quốc tế, đồng thời tăng cường cung cấp viện trợ khẩn cấp, an toàn và không bị cản trở cho dân thường là những lời kêu gọi được cộng đồng quốc tế đưa ra đã rất nhiều lần.
Nỗ lực xoa dịu căng thẳng
Đưa Israel và Hamas ngồi vào bàn đàm phán là trọng tâm trong chương trình nghị sự của nhiều quốc gia, tổ chức khu vực và quốc tế trong năm qua. Điều được nhắc đi nhắc lại chính là thúc đẩy một lệnh ngừng bắn.
Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã thông qua một nghị quyết yêu cầu ngừng bắn ngay lập tức ở Dải Gaza trong tháng lễ Ramadan của người Hồi giáo nhằm tạo cơ sở cho một lệnh ngừng bắn bền vững và lâu dài, đồng thời yêu cầu Hamas trả tự do cho những người bị bắt giữ. Vì lo ngại những hậu quả nặng nề hơn nếu xung đột tiếp diễn, các cuộc biểu tình kêu gọi ngừng bắn diễn ra ở nhiều nước, trong đó có cả Israel.
Thực tế cho thấy, những nỗ lực quốc tế nhằm xoa dịu căng thẳng không đem lại nhiều kết quả. Israel và Hamas chỉ đạt được thỏa thuận ngừng bắn ngắn ngày vào cuối năm 2023 và trao đổi một số con tin. Dù được Mỹ, Ai Cập và Qatar làm trung gian hòa giải, song nhiều vòng đàm phán về thỏa thuận ngừng bắn không mấy tiến triển.
Nỗ lực thu hẹp bất đồng giữa các bên vẫn bế tắc được cho là do lập trường cứng rắn của chính quyền Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu về một số vấn đề, trong đó có việc kiểm soát hành lang Philadelphi, khu vực biên giới giữa Ai Cập và Dải Gaza. Phía Hamas nêu điều kiện tiên quyết là Israel rút quân toàn bộ khỏi Dải Gaza cũng gây trở ngại cho các cuộc đối thoại.
Một số chuyên gia nhận định, đạt được một thỏa thuận chấm dứt xung đột vào thời điểm này là quá viển vông, song việc ngừng bắn tạm thời sẽ phần nào giảm leo thang căng thẳng, tạo thuận lợi cho các hoạt động cứu trợ nhân đạo.
Trong khi các cuộc đàm phán chưa ngã ngũ, thì xung đột tiếp tục gia tăng và lan rộng đang “đổ thêm dầu” vào “chảo lửa” Trung Đông. Các cuộc tấn công đáp trả, số người chết không chỉ ở Dải Gaza mà cả Bờ Tây và nhiều nơi khác trong khu vực được nêu lên gần như mỗi ngày trên các phương tiện truyền thông.
Giao tranh giữa Israel và lực lượng Hezbollah ở Liban ngày càng dữ dội, nhất là sau khi Israel không kích vào phía nam thủ đô Beirut và bắt đầu chiến dịch tấn công trên bộ nhằm các mục tiêu ở phía nam Liban.
Trước đó, Hezbollah cáo buộc Israel đứng sau vụ hàng nghìn máy nhắn tin và bộ đàm của các thành viên lực lượng này phát nổ, khiến nhiều người chết và bị thương. Căng thẳng giữa Israel và Iran cũng leo thang. Chỉ vài ngày trước, Iran phóng hàng trăm quả tên lửa về phía Israel nhằm đáp trả việc một số nhân vật của Iran, cũng như của Hamas và Hezbollah chết trong các cuộc không kích của Israel trước đó.
Nhằm thể hiện sự ủng hộ với người Palestine khi xung đột bùng phát, phiến quân Houthi ở Yemen nhiều lần phóng tên lửa nhằm vào Israel, đồng thời tấn công các tuyến vận tải ở Biển Đỏ.
Nghịch lý ở chỗ là các cuộc tấn công nêu trên không hề giảm bớt nỗi đau của người dân. Các đòn trả đũa lẫn nhau chỉ đang châm ngòi cho các cuộc khủng hoảng, thổi bùng lên sự bất ổn, đe dọa an ninh và kìm hãm sự phát triển của khu vực.
Khi mà cuộc xung đột giữa Israel và Hamas bước sang năm thứ hai và tình hình Trung Đông tiếp tục leo lên những nấc thang căng thẳng mới, cộng đồng quốc tế bày tỏ quan ngại sâu sắc, đồng thời kêu gọi các bên không để bị cuốn vào “vòng xoáy bạo lực”.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nhắc nhở rằng, không được quên những tổn thất mà các cuộc xung đột gây ra với dân thường và không thể làm ngơ trước những hành vi vi phạm luật nhân đạo quốc tế. Kêu gọi ngăn chặn và chấm dứt căng thẳng leo thang ở Trung Đông, ông Guterres cảnh báo, nếu không bên nào chịu lùi bước thì người dân trong khu vực sẽ bị “đẩy xuống vực thẳm”.
Theo người đứng đầu Liên hợp quốc, các bên phải ngừng bắn ngay lập tức ở Dải Gaza, thả tự do vô điều kiện cho tất cả con tin, viện trợ nhân đạo cho người Palestine, đồng thời thúc đẩy tiến trình không thể đảo ngược đối với giải pháp hai nhà nước.
Ý kiến ()