"Vòng xoáy" mua hàng trả góp
Trong thời buổi kinh tế khó khăn như hiện nay, để có khoản tiền mua sắm những vật dụng có giá trị nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt hằng ngày đối với nhiều người không hề dễ dàng. Nắm bắt được tâm lý trên, khá nhiều ngân hàng, tổ chức tài chính đã đứng ra liên kết các cửa hàng, siêu thị điện máy đưa ra những chiêu thức bán hàng trả góp vô cùng linh hoạt, ưu đãi, thậm chí, lãi suất chỉ còn 0%, mua trả góp rẻ hơn trả thẳng,... Thế nhưng, đó chỉ là "cái vỏ", nhiều người không tìm hiểu kỹ đã "ăn quả đắng" tín dụng với lãi suất cao.
Dính “bẫy” lãi suất cao
Không yêu cầu tài sản thế chấp, không thẩm định khả năng tài chính, thủ tục đơn giản hóa tối đa (chỉ cần chứng minh nhân dân, bằng lái xe, sổ hộ khẩu và cung cấp ba số điện thoại của người thân), phương thức cho vay mua hàng trả góp của một số ngân hàng, công ty tài chính đã thu hút khá nhiều người lựa chọn. Nắm bắt tâm lý cũng như đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân, nhất là các đối tượng ít tiền nhưng muốn thể hiện đẳng cấp thông qua việc sử dụng những sản phẩm thời trang, đắt tiền,… nhiều doanh nghiệp (DN) sản xuất, kinh doanh đã liên kết các công ty tài chính đưa ra rất nhiều loại sản phẩm bán trả góp, từ hàng điện tử, điện máy, đồ gia dụng, nội thất, trang sức,… đến xe máy, ô-tô. Thông thường, khách chỉ phải trả trước 20% đến 50% giá trị sản phẩm, thời gian trả góp số tiền còn lại trong khoảng sáu tháng đến hai năm, tùy theo từng cửa hàng, loại sản phẩm và giá trị của nó. Tuy nhiên, đã có nhiều trường hợp khách hàng khi mua trả góp bị “dính bẫy” bởi lãi suất trả góp trung bình
2 đến 5%/tháng, nghe tưởng “chuyện vặt” nhưng nếu tính kỹ sẽ ở mức “cắt cổ”: 30% đến 50%/năm, thậm chí, có những sản phẩm mức lãi suất lên đến 70%/năm, cao gấp 3 đến 5 lần lãi suất vay kinh doanh trung và dài hạn được Ngân hàng Nhà nước quy định. Ðiều đáng lưu ý là để đánh lừa khách hàng, các công ty tài chính thường không tư vấn và đưa ra bảng giá rõ ràng về mức lãi suất, số tiền đối trừ giảm dần mà chỉ đưa ra số tiền hằng tháng khách phải trả. Chỉ đến khi thanh toán được vài tháng, nhận ra đây là khoản lãi suất “trên trời”, nhưng lúc đó hợp đồng vay đã được ký kết, khách hàng bỗng dưng biến thành con nợ với mức lãi cắt cổ. Ðó còn chưa kể tới một số trường hợp do chậm thanh toán hằng tháng theo quy định, bị nộp phạt hàng trăm nghìn đồng/ngày cho số tiền vài triệu đồng còn nợ, sau một tháng số tiền phạt có thể lên tới hàng chục triệu đồng, gấp nhiều lần nợ gốc. Ðây có thể coi là một cái “bẫy” với người tiêu dùng nếu không đọc kỹ điều khoản hợp đồng trước khi ký mua hàng trả góp.
Anh Nguyễn Anh Hoàng, một nhân viên văn phòng trú tại quận Hà Ðông (Hà Nội) chia sẻ, tuần trước anh mua chiếc điện thoại iPhone 6 Plus 16 GB trị giá hơn 21 triệu đồng. Lựa chọn hình thức vay trả góp của một công ty tài chính trong vòng 12 tháng, trả trước 40% tổng số tiền, mỗi tháng anh phải trả hơn 1,5 triệu đồng. Sau một năm, tổng số tiền trả góp và trả trước lên tới gần 28 triệu đồng. Tưởng mua trả góp sẽ được hỗ trợ, nhưng tính kỹ, anh nhận ra mình đang phải trả lãi gần 50%/năm. Tương tự, anh Trần Tuấn Anh, trú tại quận Ðống Ða (Hà Nội) cho biết, anh mua hàng trả góp sản phẩm điện thoại giá trị 16.990.000 đồng, được nhân viên tư vấn tài chính ACS cho biết phải trả trước hơn 7,1 triệu đồng, mỗi tháng trả cả gốc lẫn lãi 1.755.000 đồng trong vòng sáu tháng (hưởng mức lãi suất ưu đãi 1,1%/tháng, tổng số tiền phải trả là 10.505.000 đồng). Nghe qua tưởng mình được trợ giá khi tiền lãi chỉ có 650 nghìn đồng, nhưng anh còn phải chịu phí hợp đồng 250 nghìn đồng, bổ sung khoản tiền phạt nộp chậm 5.000 đồng/ngày (cố tình không quy định áp dụng cho số tiền vay cụ thể). Như vậy, trường hợp xảy ra rủi ro, số tiền anh phải trả sẽ lớn hơn nhiều lần. Ðó còn chưa kể, giá sản phẩm này niêm yết nơi khác chỉ có 14.690.000 đồng.
Minh bạch hóa các sản phẩm dịch vụ
Hiện nay, các cửa hàng, siêu thị, trung tâm điện máy không chỉ cạnh tranh nhau về mức hỗ trợ lãi suất, trợ giá khi mua sản phẩm,… mà còn sử dụng nhiều chiêu thức khác nhau, như trả trước 0 đồng, mức lãi suất 0% hay mua sản phẩm trả góp rẻ hơn trả tiền thẳng,… nhằm quảng cáo, gây chú ý đối với khách hàng. Không thể phủ nhận loại dịch vụ này tạo điều kiện cho những người khó khăn về tài chính có thể mua trả góp sản phẩm nhằm phục vụ nhu cầu hằng ngày. Tuy nhiên, bên cạnh đó, có không ít các tổ chức tài chính cố tình lập lờ, đánh lừa khách hàng nhằm thu tiền bất chính. Liên quan vấn đề trên, thạc sĩ kinh tế Vũ Lê Hoàng Tùng (Trường đại học Tân Trào) cho biết, hiện nay các cửa hàng, siêu thị sử dụng dịch vụ cho vay tiêu dùng rất nhiều như Topcare, Pico, Mediamart,… Ngoài sự hỗ trợ của các nhà sản xuất, phân phối còn có sự hỗ trợ của các công ty tài chính, do vậy các cửa hàng, siêu thị có thể bán sản phẩm rẻ hơn. Trong khi đó, khách hàng mua trả góp được hỗ trợ 1 đến 2 tháng với lãi suất 0% nhưng người tiêu dùng không nhận biết được mình đang mua đắt. Nếu ở ngân hàng có một bảng tính lãi suất từng tháng để khách hàng lựa chọn thì ở các cửa hàng không ghi rõ các mục này và người mua cũng không biết chi phí thực trả bao nhiêu; số tiền trả hằng tháng có được khấu trừ, giảm số tiền trả hay vẫn phải tính cào bằng cho toàn bộ thời gian của hợp đồng. Tiếp đến, nhiều người sau một thời gian bị đuối về tài chính, không có khả năng chi trả buộc phải trả lại hàng. Lúc đó tỷ lệ khấu hao, chiết khấu cho khách hàng rất thấp. Ở đây thể hiện sự áp đặt của người bán dẫn đến người mua vừa bị mất tiền, mất hàng lại ôm sự ấm ức vào thân. Mặt khác, quy định trần lãi suất của Ngân hàng Nhà nước vào khoảng 11% đến 12%/năm, các cửa hàng phải tuân thủ đúng quy định nhưng thực tế họ đang vi phạm tràn lan, không tuân thủ khiến cho người tiêu dùng bị thiệt thòi. Chẳng hạn nếu vay hai năm, khi quá hạn sẽ phải trả lãi suất lên tới 150% cho thời gian quá hạn và chậm thanh toán. Ðiều này đã khiến nhiều khách hàng bị chịu mức tiền vênh lãi suất từ vài triệu đến hàng trăm triệu đồng cho mỗi loại sản phẩm tương ứng.
Giám đốc Công ty Luật IPIC Nguyễn Duy Hùng cho biết, việc phối hợp giữa ngân hàng, tổ chức tín dụng với các DN phân phối, kinh doanh hàng hóa để cung cấp tín dụng cho người tiêu dùng là xu thế tất yếu của thị trường tín dụng và thị trường phân phối. Sự kết hợp đó không chỉ giúp các tổ chức tín dụng và các nhà phân phối tăng hiệu quả kinh doanh mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho người tiêu dùng giải quyết các nhu cầu thiết thực của mình. Tuy nhiên, mọi quan hệ giữa bên đi vay và bên cho vay được điều chỉnh bởi hợp đồng tín dụng mà các bên ký kết, do vậy bản thân khách hàng phải đọc kỹ hợp đồng trước khi ký. Nếu thấy các điều khoản trong hợp đồng bất lợi, khách hàng nên chọn tổ chức tín dụng khác để vay vốn nhằm tránh những rủi ro có thể xảy ra.
Cần thực hiện đúng pháp luật Hình thức mua hàng trả góp rất hữu ích, tiện lợi đối với người dân. Tuy nhiên, cần phải làm đúng luật, không được lợi dụng ở cả hai phía. Nếu một trong hai bên thực hiện các cam kết không theo quy định, thiếu tính minh bạch sẽ dẫn tới việc mất hàng, mất tài sản hoặc cố tình lừa dối, chiếm đoạt tiền, tài sản một cách bất hợp pháp. VŨ VINH PHÚ Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội |
Tìm hiểu kỹ thông tin, sản phẩm Quảng cáo các phương thức mua hàng trả góp, mới nghe rất hấp dẫn, với nhiều nội dung câu khách. Tuy nhiên, người tiêu dùng cần tìm hiểu kỹ các thông tin, chế độ bảo hành, nguồn gốc, chất lượng sản phẩm. Ngoài ra, phải đọc kỹ hợp đồng cũng như tính toán số tiền chênh lệch, mức lãi suất, tổng số tiền phải trả phù hợp với năng lực tài chính của bản thân để tránh bị thiệt thòi. PGS, TS NGÔ TRÍ LONG Chuyên gia kinh tế |
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()