“Vòng kim cô” nào cho công nghệ trí tuệ nhân tạo?
Nhà xuất bản từ điển Collins (Anh) mới đây đã chọn “trí tuệ nhân tạo (AI)” là từ khóa của năm 2023 do sự quan tâm mà thế giới dành cho AI và mức độ “phủ sóng” nhanh chóng của thuật ngữ công nghệ này. Một trong những vấn đề đau đầu đang được đem ra bàn thảo rộng rãi là thiết lập những quy định, tiêu chuẩn đối với việc sử dụng, đầu tư, nghiên cứu và phát triển AI.
Bản tin nóng hổi nhất liên quan đến AI là ngày 30-10 vừa qua, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ban hành sắc lệnh hành pháp nhằm giảm thiểu những rủi ro mà công nghệ AI có thể gây ra. Qua đó Mỹ cũng thiết lập các tiêu chuẩn mới về an toàn và bảo mật, bảo vệ quyền riêng tư của người dùng, đồng thời thúc đẩy các hoạt động đổi mới và cạnh tranh trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo. “AI ở xung quanh chúng ta. Để hiểu rõ triển vọng của AI và tránh rủi ro, chúng ta cần quản lý công nghệ này. Theo tôi, không còn cách nào khác”, The New York Times dẫn phát biểu của Tổng thống Joe Biden khi ông ký ban hành sắc lệnh tại Nhà Trắng.
Sắc lệnh do Tổng thống Joe Biden ban hành khuyến khích xúc tiến nghiên cứu AI trên toàn nước Mỹ, song cũng yêu cầu các cơ quan chức năng của Mỹ phải thiết lập những tiêu chuẩn, công cụ và thử nghiệm nhằm bảo đảm rằng các hệ thống AI đạt được tiêu chí an toàn, bảo mật và đáng tin cậy. Với các công ty phát triển hệ thống AI, nếu nhận thấy nguy cơ gây rủi ro cho an ninh, kinh tế của nước Mỹ hay sự an toàn của cộng đồng thì phải chia sẻ kết quả kiểm tra an toàn với Chính phủ. Theo trang CNBC News, trong một thông báo, Phó chánh văn phòng Nhà Trắng Bruce Reed đã gọi sắc lệnh này là tập hợp của những hành động mạnh mẽ nhất mà chưa có chính phủ nào trên thế giới thực hiện đối với an ninh, an toàn và niềm tin trong lĩnh vực AI.
Tổng thống Mỹ Joe Biden ký ban hành sắc lệnh về AI tại Nhà Trắng ngày 30-10-2023. Ảnh: The New York Times |
Mặc dù đem tới những lợi ích to lớn cho xã hội và đời sống hằng ngày của con người, AI cũng gây ra không ít mối lo. Gần đây, Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) cảnh báo rằng AI có thể là nguyên nhân dẫn tới quấy rối, kích động thù hận, thao túng thông tin, đe dọa quyền riêng tư của con người và sự an toàn của trẻ em. Tổng thống Mỹ Joe Biden thì đưa ra ví dụ về tình trạng sử dụng các đoạn video hoặc âm thanh được tạo ra bởi công nghệ AI để lừa đảo, lan truyền tin giả hoặc bôi nhọ danh tiếng của ai đó.
Bởi vậy, không chỉ riêng Mỹ mà nhiều khu vực, quốc gia cũng đang gấp rút tìm ra những bộ quy tắc phù hợp dành cho công nghệ AI. Theo hãng thông tấn Kyodo, sau nhiều tháng thảo luận, các quan chức của G7 mới đây đã nhất trí về các nguyên tắc hướng dẫn và một bộ quy tắc ứng xử cho các nhà phát triển các dạng trí tuệ nhân tạo tiên tiến nhằm giải quyết những lo ngại khởi nguồn từ công nghệ AI. Trong hai ngày 1 và 2-11 vừa qua, các nhà lãnh đạo từ 28 quốc gia và lãnh đạo của nhiều công ty công nghệ lớn, các nhà phát triển hàng đầu trong lĩnh vực AI cũng tề tựu ở Hội nghị cấp cao về an ninh AI do Vương quốc Anh đăng cai tổ chức để bàn về vấn đề này. “Tầm nhìn của tôi và mục tiêu tối thượng của chúng tôi là hướng tới một cách tiếp cận mang tính quốc tế hơn về vấn đề an toàn AI mà ở đó, chúng tôi sẽ hợp tác với các đối tác nhằm bảo đảm rằng các hệ thống AI là an toàn trước khi chúng được tung ra thị trường”, Thủ tướng Anh Rishi Sunak nêu rõ.
Cũng có thông tin cho rằng, đến nay Liên minh châu Âu (EU) đã đưa ra dự luật đầu tiên trên thế giới về AI và dự kiến dự luật này sẽ được thông qua vào cuối năm.
Những quy định và tiêu chuẩn dành cho AI lần lượt ra đời cũng đồng nghĩa rằng, chiếc “vòng kim cô” để kiềm chế những tác động tiêu cực của công nghệ này đang dần định hình và trong tương lai sẽ ngày càng được siết chặt.
Nguồn:https://www.qdnd.vn/quoc-te/binh-luan/vong-kim-co-nao-cho-cong-nghe-tri-tue-nhan-tao-749951
Ý kiến ()