Vốn tín dụng: Góp sức xây dựng nông thôn mới
LSO- Trong những năm qua, chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh đạt được nhiều kết quả tích cực. Cơ sở hạ tầng nông thôn đổi mới, thu nhập, đời sống của người dân cải thiện, nâng cao… Đóng góp không nhỏ vào những kết quả này là nguồn tín dụng của hệ thống ngân hàng tỉnh đã giúp sức cho người dân trong sản xuất, kinh doanh.
Mô hình chăn nuôi lợn ở xã Cai Kinh, huyện Hữu Lũng
Xã Cai Kinh, huyện Hữu Lũng là một trong những địa bàn sử dụng nguồn tín dụng lớn trong toàn tỉnh. Hiện nay, tổng dư nợ vốn đạt 19,8 tỷ đồng, trong đó, vốn của Ngân hàng Chính sách Xã hội là 12,8 tỷ đồng, vốn Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là 7 tỷ đồng. Nguồn tín dụng này đã giúp hơn 850 hộ khó khăn, thiếu về vốn có đồng vốn quay vòng để đầu tư mở rộng quy mô gieo trồng, chăn nuôi. Ông Bùi Hồng Thiệu, Bí thư Đảng uỷ xã cho biết: Nguồn vốn được người dân xã đầu tư đúng mục đích, hiệu quả. Trong đó đem lại hiệu quả cao là phát triển cây ăn quả như: na dai, bưởi Diễn, táo đại, cam đường Canh và phát triển chăn nuôi lợn nái, lợn thịt. Trong 5 năm qua, nguồn vốn tín dụng thực sự là động lực, là đòn bẩy thúc đẩy phát triển kinh tế, giảm nghèo, góp phần quan trọng vào thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã. Cụ thể là tiêu chí giảm nghèo, thu nhập và nhà ở dân cư. Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo của xã dưới 10% tổng số hộ dân, thu nhập bình quân đạt 19 triệu đồng/người/năm và trên 80% nhà ở dân cư kiên cố…
Cùng với Cai Kinh, nhiều xã trên địa bàn tỉnh nhờ có nguồn tín dụng đã vươn lên phát triển kinh tế, thực hiện tốt các tiêu chí giảm hộ nghèo, thu nhập và nhà ở dân cư trong xây dựng nông thôn mới. Trong toàn tỉnh, từ năm 2011 đến nay, nguồn vốn tín dụng đóng góp cho xây dựng nông thôn mới là 5.351,3 tỷ đồng, chiếm 57,91% tổng kinh phí huy động từ các nguồn cho xây dựng nông thôn mới. Nguồn tín dụng này được giải ngân cho vay thông qua nhiều chương trình như: chương trình cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, giải quyết việc làm, cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn, chương trình cho vay xây dựng nông thôn mới… Cụ thể, Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh đang cho 26.577 hộ nghèo và 7.500 hộ cận nghèo vay vốn, 18.780 hộ vay vốn làm công trình nước sạch, nhà vệ sinh ở nông thôn… Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tuyên truyền, cho vay kịp thời về chính sách tín dụng cho phát triển nông nghiệp nông thôn theo Thông tư số 10/2015/TT-NHNN. Với dư nợ hàng nghìn tỷ đồng, nguồn vốn đã và đang góp phần phát triển đàn trâu, bò ở các huyện Chi Lăng, Hữu Lũng, Bắc Sơn, trồng rừng ở Tràng Định, Đình Lập… Bên cạnh đó, nguồn tín dụng thúc đẩy các dịch vụ kinh doanh nông nghiệp, nông thôn. Những đóng góp từ các chương trình vốn đã tạo điều kiện về việc làm, tăng thu nhập, giảm nghèo, nâng cao đời sống ở khu vực nông thôn. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm chỉ còn 11,9% (năm 2011 là 24,06% ), trong đó có 10 huyện, thành phố có tỷ lệ hộ nghèo dưới 10%; có 47/207 xã đạt tiêu chí xây dựng nông thôn mới về nhà ở…
Bà Trương Thu Hoà, Trưởng Phòng Nghiên cứu tổng hợp và kiểm soát nội bộ Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Lạng Sơn cho biết: Để nguồn tín dụng tiếp tục phát huy vai trò trong xây dựng nông thôn mới, Chi nhánh sẽ thường xuyên chỉ đạo các ngân hàng trên địa bàn tỉnh nghiêm túc thực hiện các chính sách vốn của Chính phủ, nhất là những chương trình vốn giúp sức cho xây dựng nông thôn mới. Trong quá trình triển khai thực hiện sẽ phối hợp với các ngành, các xã, tổ chức hội tuyên truyền, thẩm định, giải ngân và kiểm tra, giám sát quá trình sử dụng vốn để nguồn vốn được đầu tư đúng đối tượng, đúng mục đích, có hiệu quả.
Bài, ảnh: LÂM NHƯ
Ý kiến ()