Vốn tín dụng góp phần phát triển nông nghiệp, nông thôn
- Xác định vai trò nòng cốt của“tam nông”, thời gian qua, các ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã tập trung nguồn vốn phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, đơn giản hóa thủ tục cho vay, tăng cường khả năng tiếp cận vốn của người dân. Từ đó, góp phần cùng các cấp, các ngành của tỉnh thực hiện thành công mục tiêu Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.

Thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm tăng cường đầu tư vốn phát triển nông nghiệp, nông thôn, trong đó có đầu tư qua kênh tín dụng ngân hàng. Thông qua nguồn vốn tín dụng, các hộ dân, doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh đã đầu tư vốn để phát triển nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả, đem lại thu nhập cao.
Giải ngân vốn kịp thời
Những năm qua, nhiều chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn về vốn cho lĩnh vực “tam nông” đã được ban hành như: Nghị quyết số 26 ngày 5/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Nghị định số 41 ngày 12/4/2010 của Chính phủ, sau được thay thế bằng Nghị định số 55 ngày 9/6/2015 và đến năm 2018 được sửa đổi bằng Nghị định 116 về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Các nghị định này quy định chi tiết, cụ thể các chính sách hỗ trợ về mặt tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn để khuyến khích người dân đầu tư phát triển.
Để thực hiện hiệu quả các nghị định của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, những năm qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam Chi nhánh tỉnh Lạng Sơn (nay là NHNN khu vực 5) đã quán triệt kịp thời các chủ trương, chỉ đạo của Chính phủ đến người dân, doanh nghiệp. Tại các cuộc họp, hội nghị với các tổ chức tín dụng trên địa bàn, NHNN luôn quán triệt, chỉ đạo các ngân hàng ưu tiên xem xét cho vay đối với các khoản vay thuộc lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Ngoài ra, NHNN và các ngân hàng cũng chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường thông tin, tuyên truyền về các sản phẩm tín dụng, chủ trương, chính sách mới đến các đối tượng khách hàng, nhất là các khách hàng ở vùng sâu, vùng xa; thực hiện cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh chuyển đổi số, thanh toán không dùng tiền mặt, tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, doanh nghiệp trên địa bàn tiếp cận vốn ngân hàng.
Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam Chi nhánh Lạng Sơn (Agribank Lạng Sơn) là đơn vị điển hình trong hoạt động cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Tính đến nay, tổng dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn của Agribank Lạng Sơn đạt 8.462 tỷ đồng, tăng 252 tỷ đồng so với năm 2024, với 17.835 hộ đang vay vốn.
Ông Nguyễn Hồng Đức, Giám đốc Agribank Lạng Sơn cho biết: Trong những năm qua, Agribank Lạng Sơn luôn khẳng định vai trò chủ lực trong đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn. Đơn vị luôn chủ động cải tiến quy trình, đơn giản hóa thủ tục cho vay vốn; nâng cao khả năng thẩm định để rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ vay vốn, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho khách hàng tiếp cận vốn tín dụng.
Bên cạnh đó, chi nhánh cũng đưa ra nhiều sản phẩm dịch vụ tiện ích đối với khách hàng, nhất là khu vực nông thôn như: tổ tư vấn lưu động đến tận các xã, cho vay thấu chi nông nghiệp nông thôn với lãi suất ưu đãi… đảm bảo các hộ dân có vốn thực hiện kịp thời ý tưởng sản xuất kinh doanh.
Cùng với Agribank Lạng Sơn, với mục tiêu phát triển bền vững và “không để ai bị bỏ lại phía sau”, nguồn vốn tín dụng chính sách thông qua hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh đã góp phần tạo sự chuyển biến mạnh mẽ tại các xã vùng sâu, vùng xa, từ đó diện mạo khu vực nông thôn khởi sắc rõ rệt. Ông Phan Anh ắng, Phó Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh cho biết: Hiện nay, ngân hàng đang triển khai 19 chương trình tín dụng chính sách xã hội, với tổng dư nợ các chương trình cho vay đạt trên 5.100 tỷ đồng, 90.104 hộ vay. Nhờ nguồn vốn này, các hộ nghèo và đối tượng chính sách khác ở khu vực nông thôn, nhất là vùng dân tộc thiểu số và miền núi đã phát triển sản xuất, kinh doanh vươn lên thoát nghèo, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần.
Không chỉ tại 2 ngân hàng trên, những năm qua, nhiều ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã và đang triển khai hiệu quả nguồn vốn tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Hiện toàn tỉnh có 16 chi nhánh tổ chức tín dụng cấp 1, 12 chi nhánh cấp 2, 57 phòng giao dịch. Từ việc chủ động triển khai thực hiện cũng như các biện pháp đơn giản hóa thủ tục cho vay đã góp phần khơi thông nguồn vốn tín dụng lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, tính đến nay, dư nợ cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn đạt hơn 21.600 tỷ đồng, chiếm 47,8% tổng dư nợ toàn tỉnh, với 109.087 khách hàng còn dư nợ.
Đặc biệt, để thúc đẩy tín dụng nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, ngày 10/12/2019, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 08, Nghị quyết số 15 ngày 17/7/2021 về sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị quyết 08 về chính sách đặc thù khuyến khích đầu tư, phát triển hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020 – 2025. ực hiện chương trình hỗ trợ lãi suất tín dụng theo Nghị quyết 08, đến nay, toàn tỉnh có 1.260 dự án được hỗ trợ lãi suất tín dụng với dư nợ trên 490 tỷ đồng.
Tính đến nay, dư nợ cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn đạt hơn 21.600 tỷ đồng, chiếm 47,8% tổng dư nợ toàn tỉnh, với 109.087 khách hàng còn dư nợ.
|
Giúp người dân nông thôn vươn lên
Với sự chỉ đạo sát sao từ NHNN cùng sự chủ động, tích cực của các ngân hàng trên địa bàn tỉnh, nguồn vốn tín dụng của các ngân hàng đã được đầu tư đến khắp các xã trong toàn tỉnh. Từ nguồn vốn tín dụng, nhiều hộ dân đã đầu tư để phát triển các mô hình hình như: trồng rừng, trồng cây ăn quả, chăn nuôi, kinh doanh dịch vụ… đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Đơn cử như gia đình anh Hoàng Đức Nghiêm, thôn Nà Bản, xã Hồng Thái, huyện Bình Gia - một trong những hộ tiêu biểu vươn lên từ nguồn vốn tín dụng. Anh Nghiêm chia sẻ: Gia đình tôi trước đây chỉ làm ruộng nên nguồn thu nhập không ổn định. Năm 2022, được cán bộ Agribank Bình Gia tuyên truyền về các chương trình cho vay của ngân hàng, gia đình tôi đã làm hồ sơ vay vốn theo Nghị quyết 08 với số tiền 200 triệu đồng để chăn nuôi trâu, bò vỗ béo. Để có kiến thức áp dụng vào thực tiễn, hằng năm, tôi đều chủ động tham dự các lớp tập huấn chuyển giao khoa học do xã phối hợp tổ chức. Nhờ đó, đàn trâu, bò của gia đình đều phát triển tốt, gia đình tôi luôn duy trì khoảng 7 - 10 con/lứa, bình quân mỗi năm, gia đình tôi xuất bán ra thị trường khoảng 200 con trâu, bò, đem lại thu nhập trên 150 triệu đồng.
Còn đối với gia đình chị Vi ị Sự, thôn Bãi Danh, xã Yên Sơn, huyện Hữu Lũng, nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH đã giúp gia đình chị có thu nhập ổn định, vươn lên trở thành hộ khá của xã. Chị Sự cho biết: Những năm trước đây, điều kiện kinh tế gia đình tôi rất khó khăn, năm 2019, nhờ được sự tư vấn, hướng dẫn của Hội Liên hiệp Phụ nữ xã, tôi mạnh dạn vay 50 triệu đồng của Phòng Giao dịch NHCSXH huyện để đầu tư trồng, chăm sóc cây na dai. Từ đó diện tích na của gia đình tôi phát triển tốt, bình quân mỗi năm gia đình tôi có thu nhập 200 triệu đồng.
Nguồn vốn tín dụng của ngân hàng đã góp phần tích cực trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực nông thôn và xây dựng nông thôn mới, giúp người dân từng bước nâng cao thu nhập, vươn lên làm giàu.
Ông Nông Xuân Tỉnh, Chủ tịch UBND xã Vũ Sơn, huyện Bắc Sơn cho biết: Hiện nay, dư nợ tín dụng trên địa bàn xã là trên 44,9 tỷ đồng, trong đó, dư nợ tín dụng tại NHCSXH trên 22 tỷ đồng và Agribank là 22,9 tỷ đồng. Từ nguồn vốn này, người dân trên địa bàn xã đã đầu tư phát triển các mô hình như: chăn nuôi, trồng rừng, trồng cây ăn quả, đào cảnh... Qua đó, thu nhập của người dân trên địa bàn xã từng bước được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm qua từng năm. Cụ thể hiện nay, thu nhập bình quân đầu người đạt 62 triệu đồng/người/năm, tăng 11 triệu đồng so với năm 2023.
Thời gian tới, NHNN tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng triển khai có hiệu quả các chủ trương của Chính phủ, cấp ủy, chính quyền địa phương về phát triển, hỗ trợ nông nghiệp, nông thôn. Đặc biệt là chỉ đạo Agribank Lạng Sơn, Chi nhánh NHCSXH tỉnh phát huy vai trò chủ lực cùng với hệ thống ngân hàng trên địa bàn đẩy mạnh cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn, các chính sách tín dụng ưu đãi, giảm lãi suất cho vay, tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng đối với các hộ dân, doanh nghiệp, hợp tác xã. Đồng thời, chỉ đạo các chi nhánh tổ chức tín dụng trên địa bàn triển khai các giải pháp mở rộng tín dụng, thực hiện hiệu quả chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo các nghị định của Chính phủ, nghị quyết của HĐND tỉnh ...
Có thể khẳng định, nguồn vốn tín dụng đã thực sự trở thành động lực giúp kinh tế nông nghiệp của tỉnh phát triển mạnh mẽ. Qua đó, không chỉ góp phần hiện đại hóa sản xuất mà còn giúp nhiều hộ dân vươn lên làm giàu, cải thiện đời sống. Thông qua đó, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh bình quân hằng năm từ 3% đến 5%; hết năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh còn 3,36%. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh. Đến nay, toàn tỉnh có 106/175 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 27 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu./.
Ý kiến ()