Vốn sản xuất kinh doanh: Tiếp sức vùng khó ở Chi Lăng
– Nhiều năm qua, nguồn vốn từ chương trình cho vay sản xuất, kinh doanh (SXKD) vùng khó khăn đã và đang trợ lực cho các xã vùng khó trên địa bàn huyện Chi Lăng, từ đó mở ra cơ hội cho người dân làm kinh tế, cải thiện, nâng cao đời sống và giảm nghèo bền vững.
Đầu tháng 4/2021, chúng tôi có dịp đến thăm mô hình trồng na của gia đình chị Nguyễn Thị Đỏ, thôn Giáp Thượng 2, xã Y Tịch – một trong những hộ tiêu biểu về sử dụng hiệu quả nguồn vốn chương trình SXKD. Chị Đỏ cho biết: “Trước đây, đời sống gia đình tôi còn khó khăn, muốn vay vốn ưu đãi để phát triển kinh tế nhưng lại không thuộc diện hộ nghèo. Năm 2019, được Hội Phụ nữ xã tuyên truyền, tôi vay 50 triệu đồng chương trình cho vay SXKD của NHCSXH để chăm sóc vườn na và trồng mới được 400 cây. Năm 2020, gia đình tôi có thu nhập trên 100 triệu đồng từ diện tích na trồng trước đó, từ đó cuộc sống được cải thiện hơn”.
Nguời dân xã Thượng Cuờng chăm sóc vườn cây ăn quả đầu tư từ nguồn vốn vay ưu đãi
Trao đổi về việc sử dụng nguồn vốn vay SXKD trên địa bàn xã Y Tịch, ông Vương Văn Sơn, Chủ tịch UBND xã cho biết: Đến nay, toàn xã có 237 hộ đang sử dụng vốn chương trình SXKD với dư nợ 10,5 tỷ đồng. Những năm qua, nguồn vốn này đã giúp nhiều người dân trên địa bàn xã đầu tư phát triển các mô hình kinh tế mang lại hiệu quả. Nhờ đó, đời sống người dân được cải thiện, từng bước nâng cao thu nhập, đến nay, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 36 triệu đồng/người/năm (tăng 30% so với năm 2016).
Không chỉ xã Y Tịch, những năm qua, để góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất ở các xã vùng khó của huyện Chi Lăng, NHCSXH huyện Chi Lăng đã tham mưu với Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH huyện để triển khai, thực hiện chương trình cho vay SXKD.
Ông Nguyễn Minh Thanh, Giám đốc NHCSXH huyện cho biết: Đối tượng vay vốn của chương trình là các gia đình không thuộc hộ nghèo thực hiện các hoạt động SXKD ở vùng khó khăn. Để thực hiện hiệu quả chương trình, hằng năm, căn cứ nhu cầu thực tế của các hộ vay vốn, đơn vị tham mưu cho Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH huyện giao vốn về các xã và triển khai đến các thôn, bản. Từ đó, các thôn, tổ tiết kiệm và vay vốn thực hiện bình xét cho vay và gửi hồ sơ cho ngân hàng giải ngân…
Tìm hiểu được biết, nhờ thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền về chính sách vốn, người dân hiểu rõ về chương trình nên chủ động làm hồ sơ vay để đầu tư SXKD. Đến nay, tổng dư nợ chương trình đạt gần 77 tỷ đồng, tăng 4,6 tỷ đồng so với năm 2020, với 1.716 hộ còn dư nợ, đây là chương trình chiếm số dư nợ lớn nhất trong 14 chương trình tín dụng ưu đãi mà huyện triển khai. Chỉ tính riêng từ đầu năm 2021 đến nay, đơn vị đã giải ngân trên 5 tỷ đồng cho hơn 120 hộ vay.
Tính theo tổng dư nợ hiện nay, nguồn vốn của chương trình đã và đang giúp người dân vùng khó huyện Chi Lăng đầu tư trồng, chăm sóc trên 4.200 ha cây ăn quả; 1.260 ha rừng; chăn nuôi trên 600 con gia súc. Cùng với các chương trình khác, chương trình đã góp phần vào công tác giảm nghèo bền vững của huyện, hết năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo của huyện còn 6,38% (giảm 3,39% so với năm 2019).
Trao đổi với lãnh đạo NHCSXH huyện Chi Lăng, được biết, để nguồn vốn phát huy hiệu quả, bên cạnh việc tuyên truyền người dân đưa vốn vào phát triển sản xuất, NHCSXH huyện phối hợp với các tổ chức chính trị – xã hội nhận ủy thác thường xuyên kiểm tra hằng tháng, hằng quý và kiểm tra sau vay vốn 30 ngày đối với 100% các hộ vay. Qua kiểm tra, các hộ vay đều sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả, trả nợ, trả lãi đúng hạn, tỷ lệ nợ quá hạn của chương trình chỉ chiếm 0,03%.
Thực tế cho thấy, thông qua chương trình, người dân ở các xã vùng khó đã được tiếp cận vốn vay ưu đãi để thực hiện các mô hình mang lại hiệu quả. Từ đó, giúp người dân có thêm nguồn thu nhập ổn định, từng bước giảm nghèo bền vững.
Theo Quyết định 1010/QĐ-TTg, ngày 10/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ về đơn vị hành chính cấp xã thuộc vùng khó khăn, huyện Chi Lăng có 18/20 xã, thị trấn thuộc vùng khó khăn được triển khai chương trình vay vốn SXKD. |
Ý kiến ()