Vốn ODA: Thúc đẩy sự phát triển nhanh và bền vững
LSO - Trong 2 ngày 31/10 và 1/11 tới đây, Lạng Sơn sẽ tổ chức hội thảo vận động nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA). Đây là sự kiện quan trọng, một mặt giới thiệu tiềm năng phát triển của tỉnh, một mặt kêu gọi các nguồn vốn đầu tư, tạo nguồn lực thúc đẩy sự phát triển nhanh và bền vững trên mảnh đất địa đầu.
LSO – Trong 2 ngày 31/10 và 1/11 tới đây, Lạng Sơn sẽ tổ chức hội thảo vận động nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA). Đây là sự kiện quan trọng, một mặt giới thiệu tiềm năng phát triển của tỉnh, một mặt kêu gọi các nguồn vốn đầu tư, tạo nguồn lực thúc đẩy sự phát triển nhanh và bền vững trên mảnh đất địa đầu.
Xử lý môi trường tại khu tiêu hủy gia cầm nhập lậu (Hợp Thành, Cao Lộc) một trong những dự án được tài trợ bởi VAHIP
Hội nhập kinh tế quốc tế mạnh mẽ với sự hình thành hành lang kinh tế và vành đai kinh tế Vịnh Bắc bộ đã tạo điều kiện cho Lạng Sơn trở thành đầu mối, cửa ngõ giao thương của hành lang kinh tế Bắc – Nam trong hợp tác kinh tế tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng và điểm nút quan trọng nối Trung Quốc với các nước ASEAN theo Hiệp định thương mại tự do Trung Quốc – ASEAN. Từ lợi thế của mình, với sự tích cực huy động nội lực đã góp phần quan trọng thúc đẩy sự phát triển nhanh và bền vững của tỉnh. Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân luôn cao hơn so với bình quân của cả nước, giai đoạn 2010-2013 luôn ở mức trên 8%. Cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch tích cực, đúng hướng, giảm dần tỷ trọng nông lâm nghiệp và tăng tỷ trọng ngành dịch vụ, công nghiệp, xây dựng. An sinh xã hội được bảo đảm, đời sống văn hóa, vật chất tinh thần của người dân được nâng cao.
Có được những kết quả trên, ngoài huy động nội lực, tỉnh đã đạt được những thành tựu bước đầu trong huy động sự hỗ trợ từ các đối tác phát triển. Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, nguồn vốn ODA được thực hiện trên địa bàn tỉnh từ khá sớm, vào khoảng những năm 90 của thế kỷ trước. Trước tiên là dự án trồng rừng Việt Đức I, do chính phủ Đức tài trợ với tổng mức đầu tư trên 33 tỷ đồng. Từ đó đến nay, Lạng Sơn đã tiếp nhận và triển khai 44 dự án với tổng vốn đầu tư khoảng 143 triệu USD, tương đương với trên 3.000 tỷ đồng, trong đó vốn ODA chiếm hơn 80% và khoảng 20% trong số đó cam kết viện trợ không hoàn lại. Hiện nay trên địa bàn tỉnh đã kết thúc 37 dự án có tổng mức đầu tư hơn 1,6 nghìn tỷ đồng và đang tiếp tục triển khai 7 dự án với tổng vốn đầu tư 1,4 nghìn tỷ đồng, tập trung cho các lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xóa đói, giảm nghèo, y tế, giáo dục…
Các dự án ODA triển khai, thực hiện trên địa bàn tỉnh đều đạt chất lượng tốt, tuân thủ đúng các quy trình, thủ tục về thực hiện và quản lý dự án do Chính phủ quy định. Hàng năm nguồn vốn ODA chiếm từ 4-6% tổng vốn đầu tư từ ngân sách tỉnh. Ông Hoàng Xuân Thuận, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư khẳng định: đây là con số rất có ý nghĩa trong bối cảnh ngân sách dành cho đầu tư phát triển của tỉnh còn hạn hẹp, trong khi đó nhu cầu phát triển cơ sở hạ tầng, kinh tế – xã hội lại rất lớn. Có thể kể đến những dự án tiêu biểu, tác động mạnh mẽ đến sự phát triển chung của tỉnh như dự án trồng rừng Việt Đức, dự án trồng rừng PAM; dự án đường dây và trạm biến áp xã Chiến Thắng, huyện Chi Lăng và các xã Tây Nam huyện Lộc Bình; đường điện Pắc Khuông huyện Bình Gia; dự án nâng cao, cải tạo đường 237C, 4B; Chương trình đảm bảo chất lượng trường học SEAQAP, dự án hỗ trợ giáo dục tiểu học; nhờ nguồn vốn ODA, hầu hết các khu đô thị, thị trấn, thị tứ của tỉnh đều có hệ thống cấp nước sinh hoạt và xử lý nước thải…nâng cao chất lượng sống cho người dân trên địa bàn.
Tuy đã đạt được những thành tựu bước đầu, nhưng với đặc thù là một tỉnh miền núi, biên giới, Lạng Sơn vẫn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Đặc biệt nhu cầu vốn cho đầu tư, phát triển vẫn còn rất lớn. Trong quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tổng vốn huy động giai đoạn 2011-2020 toàn tỉnh cần 110 nghìn tỷ đồng trong đó nguồn vốn từ các tổ chức quốc tế, đặc biệt là nguồn vốn ODA, FDI, NGO có vai trò quan trọng. Tỉnh đã xây dựng kế hoạch và danh mục vận động, thu hút các nguồn vốn ODA và các nguồn vốn hỗ trợ khác vào tỉnh Lạng Sơn đến năm 2020 với tổng số 96 dự án. Dự kiến nhu cầu vốn cần đầu tư cho các dự án này là trên 1,4 tỷ USD, tương đương khoảng hơn 29.000 tỷ đồng, chiếm 25-28% tổng mức vốn đầu tư toàn tỉnh. Các lĩnh vực ưu tiên thu hút vốn là xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội; phát triển nguồn nhân lực; hỗ trợ cải thiện môi trường đầu tư, phát triển môi trường kinh doanh, hỗ trợ phát triển sản xuất ở nông thôn; phát triển các lĩnh vực dịch vụ trọng điểm.
Ông Hoàng Xuân Thuận, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: hiện nay đơn vị đang tích cực phối hợp với các ngành xây dựng, triển khai các nội dung chuẩn bị cho hội thảo và cơ bản đã tham mưu cho tỉnh xây dựng xong chương trình khung. Theo tính toán, bình quân hàng năm Lạng Sơn cần trên 10 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư, vốn ODA, đây là phương án được xây dựng với mức phấn đấu rất cao, đặt ra nhiều thách thức đối với tỉnh. Cuộc hội thảo tới đây là cơ hội kêu gọi vốn rất lớn đối với Lạng Sơn, tạo điều kiện để thúc đẩy sự phát triển nhanh và bền vững hơn nữa trên mảnh đất địa đầu.
Bài, ảnh: Vũ Như Phong
Ý kiến ()