Vốn ngân sách thực hiện 7 tháng tăng cao nhất trong 5 năm
Tình hình cải thiện nhưng không đồng đều
Cụ thể, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng 7/2020 ước tính đạt 45,7 nghìn tỷ đồng, tăng 51,8% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Vốn Trung ương quản lý 8,3 nghìn tỷ đồng, tăng 101,8%; vốn địa phương quản lý 37,4 nghìn tỷ đồng, tăng 43,9%. Tính chung 7 tháng năm 2020, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước đạt 203 nghìn tỷ đồng, bằng 42,7% kế hoạch năm và tăng 27,2% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2019 bằng 41,6% và tăng 4,7%).
Vốn Trung ương quản lý đạt 32,5 nghìn tỷ đồng, bằng 38,4% kế hoạch năm và tăng 60,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó Bộ Giao thông Vận tải đạt 8.340 tỷ đồng, bằng 41,6% và tăng 91,7%; Bộ Y tế 2.313 tỷ đồng, bằng 34,7% và tăng 36,1%; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 1.761 tỷ đồng, bằng 39,6% và tăng 34,1%…
Vốn địa phương quản lý đạt 170,5 nghìn tỷ đồng, bằng 43,6% kế hoạch năm và tăng 22,5% so với cùng kỳ năm trước.
Vốn thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước 7 tháng năm 2020 của một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương như: Hà Nội đạt 22.063 tỷ đồng, bằng 48,6% kế hoạch năm và tăng 2,8% so với cùng kỳ năm trước; TPHCM 17.128 tỷ đồng, bằng 35,8% và tăng 73,2%; Quảng Ninh 8.465 tỷ đồng, bằng 60,9% và tăng 64,6%…
Việc giải ngân vốn đầu tư công được lãnh đạo Chính phủ đặc biệt quan tâm. Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị giao ban trực tuyến về lĩnh vực này nêu rõ: Mục tiêu đặt ra là phải nỗ lực phấn đấu quyết tâm cao nhất để giải ngân 100% vốn đầu tư công kế hoạch năm 2020 và các năm trước chuyển sang.
Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định 1053/QĐ-TTg thành lập các đoàn công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công (kể cả vốn ODA) năm 2020 tại một số Bộ, cơ quan, địa phương. Các đoàn công tác này do Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng và một số Bộ trưởng làm Trưởng đoàn thực hiện kiểm tra từ ngày 18/7 đến ngày 31/8/2020.
Đón làn sóng dịch chuyển đầu tư – còn nhiều việc phải làm
Về đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tổng vốn đầu tư vào Việt Nam tính đến ngày 20/7 bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 18,8 tỷ USD, giảm 6,9% so với cùng kỳ năm trước.
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 7 tháng ước tính đạt 10,1 tỷ USD, giảm 4,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 7,2 tỷ USD, chiếm 71,1% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 1,5 tỷ USD, chiếm 15%; sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đạt 0,7 tỷ USD, chiếm 7,1%.
Trong 7 tháng năm 2020, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo được cấp phép mới đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất với số vốn đăng ký đạt 4,3 tỷ USD, chiếm 45,7% tổng số vốn đăng ký cấp mới; ngành sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đạt 4 tỷ USD, chiếm 42,3%; các ngành còn lại đạt 1,2 tỷ USD, chiếm 12%.
Nếu tính cả vốn đăng ký bổ sung của các dự án đã cấp phép từ các năm trước thì vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 7,7 tỷ USD, chiếm 54,4% tổng số vốn; ngành sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đạt 3,9 tỷ USD8, chiếm 27,2%; các ngành còn lại đạt 2,6 tỷ USD, chiếm 18,4%.
Trong 7 tháng, Singapore là nhà đầu tư lớn nhất với 4,6 tỷ USD, chiếm 48,3% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Trung Quốc 990,4 triệu USD, chiếm 10,5%; Hàn Quốc 983,9 triệu USD, chiếm 10,4%; Đài Loan (Trung Quốc) 809,2 triệu USD, chiếm 8,6%…
Ở chiều ngược lại, đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài trong 7 tháng có 80 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn đầu tư của phía Việt Nam là 206,3 triệu USD; có 17 lượt dự án điều chỉnh vốn với số vốn tăng thêm đạt 46,6 triệu USD.
Tính chung tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài (vốn cấp mới và tăng thêm) 7 tháng đạt 252,9 triệu USD, bằng 91,2% cùng kỳ năm trước, trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 178,7 triệu USD, chiếm 70,7% tổng vốn đầu tư; dịch vụ lưu trú và ăn uống đạt 15,9 triệu USD, chiếm 6,3%; thông tin và truyền thông đạt 15,4 triệu USD, chiếm 6,1%.
Ý kiến ()