Vốn hỗ trợ sản xuất xây dựng nông thôn mới:“Chìa khóa” nâng thu nhập cho người dân
(LSO) – Từ nguồn vốn hỗ trợ sản xuất (HTSX) thuộc chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), trên địa bàn tỉnh đã xây dựng được hàng trăm mô hình sản xuất hiệu quả. Qua đó, góp phần quan trọng vào việc nâng cao thu nhập cho người dân.
Từ nguồn vốn HTSX, năm 2017, gia đình anh Lương Văn Thành, thôn Pò Tấu, xã Đình Lập (huyện Đình Lập) được hỗ trợ 3 con bò cái sinh sản. Anh Thành cho biết: Được nhà nước hỗ trợ bò, gia đình tôi rất vui và lấy đó làm động lực để vươn lên phát triển kinh tế. Để nâng cao hiệu quả chăn nuôi bò, thay vì chăn thả tự nhiên như trước đây, gia đình tôi chọn cách nuôi bán chăn thả. Qua đó, vừa rút ngắn được thời gian, đồng thời chủ động hơn trong chăm sóc nên bò phát triển nhanh, ổn định. Đến nay, đàn bò nhà tôi có 12 con. Mỗi năm, gia đình bán được 5 con bê với giá 10 triệu đồng/con. Vừa có thêm thu nhập từ bán bê, gia đình lại tăng dần số lượng bò mẹ, thu nhập tăng đều qua từng năm. Có thêm vốn, gia đình đã đầu tư phát triển trồng rừng, chăn nuôi, thu nhập được khoảng 150 – 200 triệu đồng/năm.
Mô hình sản xuất cao khô tại xã Vạn Linh, huyện Chi Lăng
Cũng từ nguồn vốn HTSX đã giúp nhiều hộ làm cao khô ở xã Vạn Linh, huyện Chi Lăng nâng cao giá trị sản phẩm. Ông Đàm Quang Thắng, Chủ tịch UBND xã Vạn Linh cho biết: Từ lâu, trên địa bàn xã đã có nhiều hộ dân làm cao khô. Tuy nhiên trước đây, bà con chủ yếu sản xuất nhỏ, lẻ, tiêu thụ không ổn định. Để hỗ trợ người dân nâng cao hiệu quả kinh tế, từ nguồn vốn HTSX của chương trình xây dựng NTM, năm 2017, xã đã hỗ trợ xây dựng sân bê tông với diện tích 1.500 m2. Đồng thời, trên sân lắp đặt giàn phơi kiên cố, đẹp và đảm bảo vệ sinh.
Không chỉ đầu tư xây dựng địa điểm tập trung, giàn phơi tiên tiến, từ nguồn HTSX này, xã còn hỗ trợ bao bì, quảng bá sản phẩm cho các hộ sản xuất cao khô. Việc hỗ trợ bao bì, nhãn mác không chỉ nâng tầm sản phẩm mà còn góp phần quan trọng vào việc giới thiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ. Hiện nay, cao khô của các hộ dân sản xuất ra bao nhiêu tiêu thụ hết đến đấy. Không chỉ trong tỉnh mà sản phẩm cao khô của xã đã có mặt ở nhiều tỉnh, thành khác trong cả nước, thậm chí sang nước ngoài.
Tương tự 2 trường hợp kể trên, trong những năm qua, từ nguồn vốn HTSX của chương trình xây dựng NTM, nhiều mô hình mới được hình thành và phát huy hiệu quả. Trong giai đoạn 2010 – 2019, tổng nguồn vốn đầu tư HTSX từ chương trình xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh gần 204 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách nhà nước hỗ trợ gần 117,5 tỷ đồng, người dân đối ứng hơn 86,5 tỷ đồng. Qua đó, toàn tỉnh đã xây dựng được 379 mô hình sản xuất tại 77 xã với tổng số 13.828 hộ tham gia. Hiện nay, có 329/379 mô hình còn duy trì và nhân rộng, đạt tỷ lệ 86,8%.
Ông Hoàng Đăng Dũng, Phó Chánh Văn phòng Điều phối xây dựng NTM tỉnh cho biết: Cơ bản các mô hình được triển khai thực hiện phù hợp với yêu cầu của thực tiễn, phát huy được thế mạnh từng vùng, từng bước giúp nhân dân xóa bỏ dần thói quen canh tác lạc hậu. Các mô hình hiện đang duy trì và nhân rộng tập trung vào các sản phẩm như: rau, cây ăn quả, cây dược liệu, chăn nuôi lợn, bò, dê, mật ong… Bên cạnh những mô hình phát huy hiệu quả, những mô hình còn lại không duy trì được do vật nuôi không phù hợp với địa phương, giá cả thị trường không ổn định nên người dân không tiếp tục đầu tư phát triển.
Những mô hình phát triển sản xuất mới được hình thành đã đem lại thu nhập, mở hướng phát triển kinh tế cho nhiều hộ dân nông thôn, qua đó, góp phần nâng cao thu nhập, giảm nghèo trên địa bàn tỉnh. Năm 2018, thu nhập bình quân khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh đạt 22 triệu đồng/người/năm, tăng 2,5 lần so với năm 2010; tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm từ 28,34% năm 2010 xuống còn 15,83% năm 2018 và dự kiến giảm xuống còn 12,79% năm 2019.
Ý kiến ()