Vốn hỗ trợ phát triển sản xuất: Nhân rộng các mô hình hiệu quả
(LSO) – Xây dựng được các mô hình sản xuất hiệu quả đã khó, việc duy trì, nhân rộng các mô hình này còn khó hơn. Tuy nhiên với sự hỗ trợ nguồn lực của nhà nước và sự chung sức của nhân dân, trên 86% số mô hình sản xuất trên địa bàn tỉnh được duy trì và nhân rộng.
Sau nhiều nỗ lực, cố gắng, năm 2018, xã Đồng Bục, huyện Lộc Bình đã hoàn thành 19/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới (NTM). Không dừng lại ở việc đạt chuẩn, xã tiếp tục tập trung xây dựng các mô hình sản xuất phù hợp, nâng cao thu nhập cho người dân.
Ông Hứa Văn Luân, Phó Chủ tịch UBND xã Đồng Bục cho biết: Để phát huy hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ sản xuất (HTSX), xã đã tổ chức rà soát, lựa chọn mô hình phát triển sản xuất phù hợp, phát huy được tiềm năng, thế mạnh của cơ sở để triển khai thực hiện. Điển hình như mô hình trồng khoai tây. Đây là giống cây được trồng ở Đồng Bục từ lâu, tuy nhiên để nâng cao hiệu quả kinh tế, tránh tình trạng “được mùa mất giá” và ngược lại, các hộ trồng khoai tây có sự liên kết với doanh nghiệp. Theo đó người dân chỉ cần yên tâm sản xuất, còn từ khâu cung ứng đầu vào, đầu ra sản phẩm do doanh nghiệp đảm bảo. Năm 2018 và 2019, trên địa bàn xã có tổng số 227 lượt hộ tham gia trồng với diện tích trên 20 ha, năng suất đạt 7-8 tạ/sào. Với giá thu mua 6.000 đồng/kg, cho thu nhập 4,2 – 4,8 triệu đồng/sào.
Mô hình trồng khoai tây từ nguồn vốn hỗ trợ sản xuất ở xã Đồng Bục, huyện Lộc Bình
Bà Hoàng Thị Kiên, thôn Pò Vèn, xã Đồng Bục chia sẻ: Được sự hỗ trợ giống, vật tư, tập huấn của nhà nước giúp gia đình tôi đỡ nhiều chi phí. Không những vậy, việc tiêu thụ rất thuận lợi nên gia đình tôi yên tâm phát triển sản xuất. Thu nhập từ trồng khoai tây cao, ổn định hơn nhiều loại cây trồng khác cộng với việc tích lũy kinh nghiệm, kỹ thuật từ những vụ trước nên những năm sau, kể cả không có sự hỗ trợ của nhà nước, gia đình tôi cũng như nhiều hộ dân khác vẫn tiếp tục trồng khoai tây.
Tương tự như ở Đồng Bục, xã Kiên Mộc, huyện Đình Lập (1 trong 5 xã đặc biệt khó khăn được tỉnh chọn chỉ đạo điểm phấn đấu đạt chuẩn NTM giai đoạn 2016-2020) cũng đã từng bước phát huy hiệu quả nguồn vốn HTSX trong xây dựng NTM. Bà Nông Bảo Ngọc, cán bộ phụ trách xây dựng NTM xã Kiên Mộc cho biết: Năm 2016, xã bắt đầu được thụ hưởng nguồn vốn HTSX của chương trình xây dựng NTM. Thời điểm đó xã lựa chọn xây dựng 2 mô hình là trồng cây ăn quả và nuôi bò sinh sản.
Tuy nhiên sau một thời gian thực hiện, nhận thấy mô hình nuôi bò sinh sản phù hợp, phát triển tốt hơn nên xã đã tập trung mô hình này. Qua đó giai đoạn 2016-2019, trên địa bàn xã đã được hỗ trợ 74 con bò, nhân dân đối ứng thêm 15 con. Đến nay đàn bò đã sinh sản được 7 con và dự kiến sẽ tăng nhiều vào năm tới, một số hộ dân khác trên địa bàn thấy được hiệu quả cũng chủ động đầu tư chăn nuôi. Từ đó giúp bà con trong xã từng bước tăng thêm đàn bò, nâng cao thu nhập, góp phần quan trọng vào công tác giảm nghèo của xã, qua đó phấn đấu năm 2020 xã đạt chuẩn NTM.
Trong những năm qua, nhiều mô hình sản xuất mới hiệu quả được hình thành, nhiều mô hình được duy trì, nhân rộng. Giai đoạn 2010-2019, trên địa bàn tỉnh đã xây dựng được 379 mô hình tại 77 xã với tổng số 13.828 hộ dân tham gia. Hiện nay có 329/379 mô hình còn duy trì và nhân rộng đạt tỷ lệ 86,8%.
Ông Hoàng Đăng Dũng, Phó Chánh Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng NTM tỉnh cho biết: Để duy trì và từng bước nhân rộng các mô hình phát triển sản xuất, các xã đã cơ bản lựa chọn mô hình phù hợp với lợi thế của từng vùng miền. Bên cạnh đó, việc đổi mới hình thức tổ chức sản xuất ở một số xã còn giúp người dân từng bước xóa bỏ dần các thói quen canh tác lạc hậu. Các mô hình hiện đang duy trì và nhân rộng tập trung vào các sản phẩm chủ yếu như: rau an toàn, cây ăn quả, khoai tây, chăn nuôi bò, dê, gà, cây lâm nghiệp…
Bên cạnh những mô hình được duy trì, nhân rộng vẫn còn một số mô hình không hiệu quả. Rút kinh nghiệm từ thực tiễn những năm trước, bước sang năm 2020, các xã được hỗ trợ nguồn vốn phát triển sản xuất cần tiếp tục tập trung lựa chọn kỹ các mô hình. Từ đó vừa tạo điều kiện thuận lợi để người dân có thêm điều kiện phát triển sản xuất, vừa tránh rơi vào tình trạng lãng phí, không phát huy được hiệu quả nguồn vốn.
Ý kiến ()