Vốn "đợi" thủ tục giải ngân
Nghị định 67/2014/NÐ-CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản đã chính thức có hiệu lực được hơn một tháng. Nhưng cho đến thời điểm này, vẫn chưa một đồng vốn nào từ ngân hàng đến được người dân. Trong khi các ngư dân, doanh nghiệp đang trông ngóng một chính sách ưu đãi sẽ sớm thành hiện thực để họ "an tâm bám biển", thì các đơn vị liên quan vẫn loay hoay trong một "lưới" công việc bộn bề.
Chờ “bấm nút” giải ngân
Một điểm được đánh giá là mới, là tiến bộ trong các chính sách cho vay phát triển thủy sản của Nghị định 67 là sự đồng bộ trong các cơ chế, chính sách có liên quan. Từ việc cho ai vay, cho vay với lãi suất thế nào đến bảo hiểm thân tàu, đào tạo nguồn nhân lực,… đều được quy định một cách đồng bộ, có liên quan và ràng buộc lẫn nhau. Ðiều này cũng lý giải vì sao cho dù các ngân hàng đã cam kết bố trí riêng một nguồn vốn để cho vay theo chương trình này nhưng hiện vẫn chưa thể giải ngân khi một loạt các cơ chế liên quan vẫn chưa hoàn chỉnh.
Theo Vụ trưởng Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước – NHNN) Nguyễn Tiến Ðông, năm ngân hàng thương mại (NHTM) lớn của Nhà nước đã xây dựng kế hoạch, bố trí nguồn vốn và cam kết sẽ giải ngân khoảng 14.000 tỷ đồng cho vay đóng mới tàu và hỗ trợ vốn huy động khai thác đánh bắt xa bờ. “Các NHTM đang tích cực tổ chức các tổ công tác trực tiếp xuống các xã, phường, thị trấn để hướng dẫn người dân hoàn thiện hồ sơ, thủ tục vay vốn theo quy định, bảo đảm người dân được vay trực tiếp tại ngân hàng, nhằm hạn chế tối đa việc vay vốn đóng tàu thông qua môi giới tín dụng. Ðồng thời, hệ thống ngân hàng thành lập đường dây nóng để tiếp nhận và phản hồi kịp thời những thắc mắc của người dân khi tham gia chương trình, xử lý nghiêm minh những cán bộ ngân hàng vi phạm quy định,…”, Vụ trưởng Nguyễn Tiến Ðông cho biết thêm.
Trong năm NHTM này, Agribank được “ngầm” xác định như một ngân hàng giữ vai trò trụ cột. Ðến nay, dư nợ cho vay đối với lĩnh vực thủy sản của Agribank hiện đạt 29.755 tỷ đồng. Quyền Tổng Giám đốc Agribank Tiết Văn Thành cho biết, trong số 14.000 tỷ đồng đăng ký, Agribank sẽ dành tối thiểu 5.000 tỷ đồng cho chương trình này và từ nay đến cuối năm sẽ giải ngân khoảng 1.000 tỷ đồng. Agribank đã làm việc với Tổng công ty Tàu thủy Việt Nam (SBIC) và Công ty Yamaha của Nhật Bản để giới thiệu vỏ tàu sắt, thép, máy móc chuẩn bị phục vụ đóng mới tàu. Ðầu tháng 10 tới các bên sẽ thỏa thuận hợp tác, ký kết nguyên tắc cơ bản để thực hiện.
Tưởng như với sự khẩn trương, quyết liệt của NHNN và các NHTM cùng nguồn vốn sẵn sàng như vậy, thì chỉ cần “bấm nút” là giải ngân. Nhưng thực tế thì vẫn dừng lại như mong ước của ngư dân Nguyễn Chí Thạnh (huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi): “Chúng tôi quanh năm chỉ biết đi biển, mỗi khi tàu cần nâng cấp sửa chữa cũng chỉ biết vay vốn của anh em bà con chứ chưa dám vay ngân hàng. Nay được Nhà nước, ngân hàng có chính sách cho vay ưu đãi, tôi rất phấn khởi và mong sớm vay được vốn để mua tàu, cải thiện cuộc sống, yên tâm vươn khơi bám biển”.
Lúng túng thực hiện
Có thể nói, ước muốn sớm được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi này không chỉ của riêng anh Nguyễn Chí Thạnh mà còn là mong mỏi của phần lớn những người dân, doanh nghiệp đang có một cuộc sống gắn liền với biển cả. Ðể đồng vốn đến được tay anh Thạnh, cũng như bao ngư dân khác, cần nhanh chóng tháo gỡ một loạt khó khăn về chính sách hiện nay, nhất là sự vào cuộc rốt ráo của chính quyền địa phương và các bộ, ngành liên quan khác.
Theo tìm hiểu, hiện NHTM chưa thể giải ngân cho dù đã có sẵn trong tay nguồn vốn và danh sách các cá nhân, doanh nghiệp đăng ký vay vốn tại ngân hàng. Nguyên nhân được xác định là do đến nay vẫn chưa có mẫu tàu cá khai thác hải sản xa bờ, tàu dịch vụ hậu cần nghề cá khai thác hải sản xa bờ; chính quyền địa phương chưa phê duyệt danh sách các chủ tàu đang hoạt động nghề cá có hiệu quả;… nên ngân hàng chưa đủ cơ sở để triển khai cho vay theo đúng quy định.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Ðà Nẵng Phùng Tấn Viết cho rằng, các thông tư hướng dẫn của NHNN và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng chưa làm rõ khái niệm thế nào là khai thác, đánh bắt xa bờ; thế nào là có khả năng tài chính, đang hoạt động nghề cá hiệu quả,… Vì vậy, cần làm rõ các khái niệm này với tiêu chí và điều kiện cụ thể để tránh việc các ngân hàng và tỉnh triển khai phê duyệt danh sách và cho vay không đúng mục tiêu và chủ trương. “Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng cần sớm công bố 21 mẫu thiết kế tàu vỏ sắt. Bộ Tài chính công bố các đơn vị bảo hiểm được chấp thuận triển khai bảo hiểm theo Nghị định 67 để ngư dân biết”, ông Phùng Tấn Viết đề xuất thêm.
Ðồng tình với ý kiến trên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Nguyễn Ngọc Ẩn bổ sung, để nhanh chóng đưa dòng vốn đến với ngư dân, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thủy sản, kiến nghị các bộ, ngành trung ương ban hành đầy đủ các văn bản hướng dẫn tiêu chí đánh giá đối với khách hàng đang hoạt động nghề cá có hiệu quả, khả năng tài chính, mẫu tàu. Tổ chức các lớp tập huấn hướng dẫn ngư dân cách đánh bắt thủy sản đạt hiệu quả cao, tổ chức mạng lưới thu mua hải sản phù hợp, tránh ép giá đối với ngư dân; tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại để đẩy mạnh xuất khẩu…
Vụ trưởng Nguyễn Tiến Ðông cũng kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm có quyết định phê duyệt và công bố các mẫu tàu và sớm thông báo số lượng cho địa phương các loại tàu đóng mới để các chủ tàu chủ động lựa chọn đóng và tiến hành thủ tục vay vốn tại các NHTM. Bộ Tài chính hướng dẫn, tổ chức thực hiện chính sách bảo hiểm trong đó có việc chỉ định các doanh nghiệp bảo hiểm để các chủ tàu được hưởng các chính sách bảo hiểm theo quy định. Chính quyền địa phương sớm lựa chọn và phê duyệt danh sách các chủ tàu đang hoạt động nghề cá có hiệu quả, có khả năng tài chính và có phương án sản xuất, kinh doanh cụ thể, làm cơ sở để ngành ngân hàng triển khai cho vay theo đúng quy định. Bên cạnh đó, các hiệp hội, nghiệp đoàn nghề cá cần hướng dẫn ngư dân thực hiện tổ chức sản xuất trên biển theo tổ, đội và liên kết theo chuỗi sản xuất nhằm nâng cao giá trị sản phẩm khai thác.
Hiện có nhiều NHTM tham gia cho ngư dân vay, vì vậy nên thống nhất một mẫu để người dân có thể điền được vào, tránh tình trạng mỗi ngân hàng một kiểu thì tỉnh cũng khó làm. Bên cạnh đó, mỗi ngân hàng nên có thành viên nằm trong tổ thẩm định để xác định ngay bước đầu xem trường hợp nào có thể vay vốn. Bà TRẦN THỊ THU HÀ |
Các địa phương cần thiết phải thành lập Ban chỉ đạo xét duyệt thủ tục, điều kiện cho ngư dân vay vốn. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh lập danh sách đề xuất UBND tỉnh phê duyệt, sau đó ngân hàng làm thủ tục cho vay. Bên cạnh đó cũng phải làm sao để ngư dân nhanh chóng thay đổi tập quán từ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún sang đánh bắt hiện đại, quy mô lớn. Ông TIẾT VĂN THÀNH Quyền Tổng Giám đốc Agribank |
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()