Vốn chính sách: Góp phần giảm nghèo bền vững
LSO- Trong những năm qua, Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh đã thực hiện tốt các chương trình vốn ưu đãi của Chính phủ. Trong đó có chương trình vốn trực tiếp đầu tư cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo đã giúp họ vượt qua khó khăn, thoát nghèo, góp phần giảm nghèo và giảm nghèo bền vững trên địa bàn.
Người dân xã Vạn Linh, huyện Chi Lăng phát triển chăn nuôi từ nguồn vốn vay
Chương trình vốn cho vay hộ nghèo hiện nay có mức vay tối đa là 50 triệu đồng/hộ (mức vay tăng 20 triệu đồng so với năm 2014). Chương trình được thực hiện theo Nghị định số 78/NĐ-CP, ngày 4/10/2002 của Chính phủ. Từ khi thực hiện đến nay, chương trình luôn chiếm dư nợ lớn nhất trong các chương trình vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách Xã hội. Hiện, dư nợ đạt trên 750 tỷ đồng, với hơn 27.600 hộ vay vốn. Trong những năm qua, nguồn vốn này đã giúp hàng nghìn hộ dân từ vùng sâu, vùng xa đến thành thị có vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh, vươn lên thoát nghèo, ổn định đời sống. Cụ thể, từ năm 2014 đến nay đã có hơn 2.600 hộ thoát nghèo nhờ sử dụng nguồn vốn này. Bà Hoàng Thị Chất, thôn Tằm Riền, xã Hòa Cư, huyện Cao Lộc cho biết: “Năm 2011, gia đình được vay vốn chương trình cho vay hộ nghèo 25 triệu đồng. Nhờ có vốn đầu tư chăn nuôi và trồng rừng, năm 2014, gia đình tôi đã thoát nghèo và có thu nhập ổn định”.
Chương trình cho vay hộ dân tộc thiểu số nghèo theo Quyết định 755/QĐ-TTg được thực hiện từ cuối năm 2014. So với các chương trình vốn ưu đãi, đây là chương trình vốn có lãi suất thấp nhất, chỉ 0,1%/tháng, với mức vay 15 triệu đồng/hộ. Chính sách vốn nhằm hỗ trợ hộ dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo đang sinh sống ở các thôn, xã đặc biệt khó khăn có điều kiện sản xuất, có thu nhập, ổn định đời sống. Hơn một năm triển khai thực hiện, đến nay nguồn vốn đầu tư đạt 30 tỷ đồng, hơn 1.500 hộ được tạo điều kiện vay vốn.
Cùng với hai nguồn vốn cho vay đối với đối tượng là hộ nghèo, Ngân hàng Chính sách Xã hội đang thực hiện hiệu quả đối với các đối tượng hộ gia đình đã thoát nghèo nhưng là những hộ có thu nhập thấp, còn khó khăn trong đời sống và sản xuất. Đó là chương trình vốn cho vay hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo. Chương trình cho vay hộ cận nghèo được thực hiện từ năm 2013 và cho vay hộ mới thoát nghèo vừa triển khai tháng 9/2015, hiện hai chương trình này có tổng dư nợ trên 300 tỷ đồng. Nguồn vốn hai chương trình đã giúp các hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo giải quyết khó khăn về vốn, tiếp tục được hưởng vốn chính sách để đầu tư sản xuất, kinh doanh. Từ đó, không những giúp các hộ dân tránh nguy cơ tái nghèo mà còn vươn lên làm giàu, ổn định và nâng cao đời sống.
Mặc dù có đối tượng, mức vay khác nhau, nhưng cả 4 chương trình vốn trên đều là chính sách vốn ưu đãi của Chính phủ, nhằm giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và hộ dân tộc thiểu số nghèo có vốn đầu tư sản xuất để thực hiện mục tiêu giảm nghèo và giảm nghèo bền vững. Các chương trình vốn đã được triển khai, thực hiện có hiệu quả trên toàn địa bàn tỉnh, là động lực quan trọng của các hộ dân trong phát triển kinh tế. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo giảm, (trong 9 tháng đầu năm 2015, giảm nghèo đạt 2,14% tương đương hơn 4 nghìn hộ), mức sống của người dân từng bước nâng cao.
Ông Trần Việt Sơn, Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh cho biết: Để tiếp tục phát huy hiệu quả nguồn vốn, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh, trong thời gian tới, Ngân hàng Chính sách sẽ chỉ đạo sát sao hơn đối với các phòng giao dịch huyện, phối hợp chặt chẽ với các tổ chức hội, đoàn thể, cấp uỷ chính quyền xã trong triển khai, thực hiện chính sách vốn. Trong đó, tập trung tuyên truyền, giải ngân kịp thời chính sách vốn đến người dân, hướng dẫn sử dụng vốn. Đồng thời thường xuyên kiểm tra, giám sát tình hình sử dụng vốn, nhằm định hướng sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả thiết thực.
Bài, ảnh: LÂM NHƯ
Ý kiến ()