Vốn 120 - cơ hội việc làm cho thanh niên nông thôn
LSO-Làm thế nào để giúp thanh niên có việc làm ổn định, gắn bó với quê hương là trăn trở của nhiều cán bộ đoàn. Dự án 120 triển khai tại Lạng Sơn với mục tiêu giải quyết việc làm cho thanh niên nông thôn đã giúp những “ông chủ trẻ” phát triển bền vững và góp phần tạo việc làm cho nhiều lao động.
LSO-Làm thế nào để giúp thanh niên có việc làm ổn định, gắn bó với quê hương là trăn trở của nhiều cán bộ đoàn. Dự án 120 triển khai tại Lạng Sơn với mục tiêu giải quyết việc làm cho thanh niên nông thôn đã giúp những “ông chủ trẻ” phát triển bền vững và góp phần tạo việc làm cho nhiều lao động.
Mô hình kinh tế tổng hợp chăn nuôi cá, lợn, vịt đẻ trứng, dịch vụ vận tải, san lấp mặt bằng của thanh niên Tràng Định |
Dự án 120 là tên gọi tắt của Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm, tại Lạng Sơn nguồn vốn này được đầu tư cho những mô hình kinh tế do thanh niên làm chủ phát triển các dịch vụ mang tính bền vững tại khu vực nông thôn như vận tải hàng hóa, khai thác nguyên liệu, hợp tác xã… Đây là cơ hội giúp lao động nông thôn có thêm việc làm, tăng thu nhập, qua đó, phát huy nội lực, khai thác thế mạnh của địa phương, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, từ đó, nâng cao vị thế của thanh niên trong phát triển kinh tế.
Anh Nguyễn Viết Chung, Phó Trưởng Ban Công tác thanh niên, Tỉnh đoàn Lạng Sơn cho biết: mục tiêu của dự án là đầu tư cho các mô hình dịch vụ do thanh niên làm chủ. Chúng tôi sẽ hỗ trợ 100 triệu đồng với điều kiện là mô hình đang trong giai đoạn phát triển, có đăng ký kinh doanh. Trước khi hỗ trợ vay vốn chúng tôi đều yêu cầu họ xây dựng kế hoạch phát triển, qua kiểm tra, thẩm định nếu có tính khả thi cao chúng tôi sẽ cho vay và thường xuyên theo dõi. Mỗi mô hình dịch vụ do thanh niên làm chủ sẽ được hỗ trợ 100 triệu đồng trong thời gian từ 1 đến 3 năm để mở rộng sản xuất, sau đó, nguồn vốn sẽ được chuyển sang đầu tư cho những mô hình mới. Đặc biệt, để vay được vốn từ dự án này, mỗi “ông chủ trẻ” phải cam kết tạo việc làm thường xuyên và có thu nhập ổn định cho 3 – 5 lao động là thanh niên nông thôn. Những chương trình cho thanh niên vay vốn chủ yếu chỉ yêu cầu mục đích vay rõ ràng, có đầu tư cho sản xuất nhưng với nguồn vốn từ dự án 120 đây lại là yêu cầu bắt buộc khi các chủ đăng ký vay vốn, vì vậy, thanh niên tại các vùng nông thôn có thêm cơ hội việc làm ngay tại quê hương.
Dự án 120 được triển khai tại Lạng Sơn từ năm 2008, ngay từ khi mới triển khai, nguồn vốn đã phát huy hiệu quả và tạo việc làm cho nhiều lao động nông thôn. Hiên nay, tổng dư nợ dự án 120 tại Lạng Sơn đạt 1,57 tỷ đồng với 16 dự án vay vốn phát triển dịch vụ kinh doanh vận tải, vật liệu xây dựng, văn phòng phẩm, hợp tác xã thanh niên… Tổng dư nợ tuy chưa nhiều nhưng các mô hình được hỗ trợ đều phát triển bền vững, qua đó, đã tạo việc làm thường xuyên cho trên 100 lao động là thanh niên nông thôn với thu nhập ổn định từ 2 triệu đồng/tháng trở lên. Điển hình như mô hình sản xuất gạch, đá xây dựng của anh Hoàng Văn Thủy, xã Hưng Vũ, huyện Bắc Sơn, ngoài khoản thu nhập mỗi năm trên 100 triệu đồng cho gia đình anh còn tạo việc làm ổn định, thường xuyên cho 12 lao động là thanh niên trong xã. Hay anh Lương Thế Bình, xã Vũ Lễ, huyện Bắc Sơn, nhờ được vay vốn từ dự án 120 anh đã có thêm kinh phí để mua sắm máy móc, mở rộng cơ sở sản xuất nước tinh khiết đáp ứng nhu cầu của người dân trên địa bàn huyện. Không chỉ tạo việc làm cho bản thân anh còn thuê thêm 10 lao động với mức thu nhập ổn định.
Sau 5 năm triển khai tại Lạng Sơn, dự án 120 đã hỗ trợ trên 30 lượt thanh niên vay vốn mở rộng sản xuất. Các mô hình dịnh vụ được nhận hỗ trợ từ dự án đều phát triển ổn định theo hướng bền vững, nhiều chủ mô hình chỉ sau 1 – 2 năm được hỗ trợ đã hoàn lại vốn và giúp đỡ thanh niên trong khu vực về kinh nghiệm, kỹ năng trong sản xuất kinh doanh… Anh Nguyễn Viết Chung cho biết thêm, vừa qua, Tỉnh đoàn đã tổ chức các lớp khởi sự doanh nghiệp tại các huyện, thành phố trên địa bàn toàn tỉnh nhằm trang bị cho thanh niên kiến thức về kinh doanh, quản lý và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn cũng như những kinh nghiệm sản xuất có hiệu quả… trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tăng cường thêm nguồn vốn hỗ trợ thanh niên khu vực nông thôn trong sản xuất, kinh doanh, hy vọng qua đó sẽ tạo việc làm cho nhiều thanh niên nông thôn.
HOÀNG VƯƠNG
Ý kiến ()