Nguyên nhân diện tích hồ tiêu “về đích” trước quy hoạch nhiều năm là thời gian qua giá hồ tiêu luôn ở mức cao, nông dân đổ xô thay thế các loại cây trồng khác bằng hồ tiêu để cho thu nhập cao hơn.
Trồng tự phát, nhiều rủi ro
Không thể phủ nhận cây tiêu hiện mang lại hiệu quả kinh tế cao, một ha có thể cho thu nhập cả tỷ đồng. Người trồng hồ tiêu ở Đồng Nai sau một vài vụ thu hoạch nhanh chóng trở thành tỷ phú là điều không còn xa lạ. Tuy nhiên, việc phát triển ồ ạt, không theo quy hoạch đang tiềm ẩn nhiều rủi ro, nguy cơ mất giá. Thực tế, giá hạt tiêu các đại lý ở Đồng Nai đang mua vào dao động từ 150 – 160 ngàn đồng/kg, giảm hơn 50 ngàn đồng/kg so với cùng kỳ năm trước.
Dẫn chúng tôi đi thăm vườn tiêu khoảng một ha gần ba năm tuổi, ông Phạm Văn Thắng, ấp Hưng Thạnh, xã Hưng Lộc, huyện Thống Nhất (Đồng Nai) cho biết: “Năm 2012, do giá mủ cao su rớt giá, tiền bán không đủ thuê nhân công, mình quyết định tỉa hết cành, dùng thân cây cao su làm trụ, đầu tư mua giống tiêu về trồng. Thấy người khác trồng tiêu lãi nhiều, mình cũng làm theo. Sau hơn ba năm, do thiếu kinh nghiệm, kỹ thuật, không hợp thổ nhưỡng nên vườn tiêu của tôi phát triển rất chậm”. Mặc dù đã thấy hậu quả nhãn tiền do trồng tiêu tự phát, nhưng ông vẫn kỳ vọng: “Bây giờ mình thấy hướng đi trồng tiêu chắc ăn hơn, mình cũng vừa làm vừa lấy kinh nghiệm. Khoảng mười năm nay giá hạt tiêu ổn định, về sau có rớt giá thì thu nhập cũng cao hơn so với các cây trồng khác”.
Không riêng ông Thắng, rất nhiều nông dân ở huyện Thống Nhất ồ ạt chặt bỏ các loại cây trồng như cà phê, điều … chuyển sang trồng hồ tiêu. Theo thống kê, trong năm 2015, toàn huyện đã có gần 120 ha hồ tiêu được trồng mới, trong khi theo kế hoạch chỉ phát triển thêm khoảng 60 ha. Là người trồng tiêu có tiếng với gần 20 năm kinh nghiệm, anh Thân Công Cường, ấp Hưng Thịnh, xã Hưng Lộc, huyện Thống Nhất khuyến cáo: “Tiêu rất khó trồng và đòi hỏi phải nắm bắt quy trình chăm sóc rõ. Nếu không nghiên cứu kỹ thổ nhưỡng, địa hình mà cứ liều lĩnh trồng theo kiểu phong trào rất dễ dẫn đến thất bại, trắng tay”.
Hiện tại, lợi nhuận bình quân mỗi năm một ha hồ tiêu đạt hơn 100 triệu đồng, cho thu nhập cao hơn so với nhiều loại cây trồng khác. Tuy nhiên, tiêu cũng rất khó trồng, nhiều rủi ro. Chỉ vào vườn tiêu được đầu tư bằng các trụ bê tông bề thế nhưng phát triển rất èo uột, ông Nguyễn Văn Huân, xã Xuân Tâm, huyện Xuân Lộc (Đồng Nai) nói: “Thấy người ta trồng cho thu nhập cao, tôi cũng gom vốn đầu tư. Do chưa nắm rõ kỹ thuật và đất nhà tôi không phù hợp nên tiêu bị bệnh chết rất nhiều. Những cây sống được thì vàng úa, năng suất rất thấp”.
Theo Sở NN-PTNT Đồng Nai, cơ quan này đã chỉ đạo phòng nông nghiệp các địa phương khuyến cáo nông dân không ồ ạt phát triển diện tích mới. Đồng thời, đã quy hoạch từng vùng đất phù hợp với từng loại cây trồng để xây dựng các vùng chuyên canh tập trung theo đề án cây trồng chủ lực gắn với thị trường tiêu thụ. Các hộ dân thực hiện đề án này được hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc, và một phần tiền giống, phân bón, chi phí lắp hệ thống tưới nước tiết kiệm.
Việc làm này là hướng nông dân canh tác chuyên canh, nhằm tăng cao giá trị trên một diện tích cây trồng phù hợp với từng thổ nhưỡng. Qua đó, định hướng nông dân nên trồng loại cây trồng nào để đạt lợi nhuận cao nhất, tránh tình trạng do thiếu thông tin dẫn đến trồng tự phát rồi phải chặt bỏ. Tuy nhiên theo Sở NN-PTNT Đồng Nai, để những giải pháp này mang lại hiệu quả, điều cần nhất vẫn là ý thức “tự bảo vệ mình” của nông dân. Các chính sách không thể thiếu sự hợp tác của người dân.
Hướng đến sản xuất tiêu an toàn
Tiêu là cây trồng chủ lực của tỉnh Đồng Nai, bình quân năng suất đạt hơn hai tấn/ha, trong đó khoảng 80% sản lượng tiêu để xuất khẩu. Nhiều địa phương khác trong cả nước cũng đang ồ ạt phát triển loại cây trồng này. Tuy nhiên, nếu cứ phát triển theo cấp số nhân như hiện nay thì cây tiêu sẽ sớm đến giai đoạn bão hòa, “cung” sẽ sớm vượt “cầu”, kéo giá giảm sâu.
Hướng đến phát triển bền vững, sau gần hai năm thực hiện dự án “Xây dựng nhãn hiệu hàng hóa cho sản phẩm hồ tiêu Xuân Lộc” do Sở Khoa học và Công nghệ (KH-CN) Đồng Nai thực hiện dưới sự hướng dẫn kỹ thuật của Trung tâm Nghiên cứu cây ăn quả Đông Nam bộ, sản phẩm hồ tiêu Xuân Lộc (Đồng Nai) đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hóa vào tháng 9-2015. Theo đánh giá, vườn tiêu của các hộ tham gia dự án phát triển rất tốt, ít bị sâu bệnh. Đặc biệt, năng suất trung bình khoảng 4,5 tấn/ha, cao hơn 25 – 30% so với các vườn không tham gia dự án. Mẫu hạt tiêu của các hộ tham gia mô hình không có kim loại nặng và tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, chất lượng hồ tiêu khá cao: dung trọng đạt 560-600g/lít; hàm lượng độ cay đạt 5,2%; hàm lượng tinh dầu bay hơi đạt 3,2%.
Ngoài ra, Phòng Nông nghiệp huyện Cẩm Mỹ (Đồng Nai) đã xây dựng thành công quy trình sản xuất tiêu sạch. Toàn bộ 13,5 ha tiêu của bảy hộ nông dân ở xã Lâm San đã được chứng nhận GlobalGAP. Ông Phạm Hà Xuân Chiên, thành viên Tổ hợp tác trồng tiêu ấp 3, xã Lâm San, một trong bảy hộ thực hiện dự án cho biết: “Trước đây, khi chưa thực hiện sản xuất theo quy trình GlobalGAP, năng suất tiêu chỉ đạt 6 – 7 tấn/ha. Nhưng sau khi thực hiện sản xuất tiêu sạch, năng suất vườn tiêu tăng lên 8 tấn/ha. Đặc biệt, giá bán tiêu sạch cao hơn giá thị trường 13 ngàn đồng/kg”.
Đây là điều kiện để mở ra những cơ hội lớn cho sản phẩm tiêu Đồng Nai phát triển thương hiệu trên thị trường, nâng cao giá trị kinh tế và hướng đến sản xuất các sản phẩm tiêu sạch, an toàn.Thời gian tới, Sở KH-CN Đồng Nai sẽ tiếp tục hỗ trợ cho nông dân, các địa phương trên địa bàn xây dựng thương hiệu để xuất khẩu bền vững. Đây chỉ mới là điều kiện cần, điều kiện đủ là phải quảng bá thương hiệu, nhất là kết nối “bốn nhà” để khẳng định thương hiệu hồ tiêu ở Đồng Nai.
Ý kiến ()