Vỡ nợ tín dụng đen: Bài học nào còn nóng hổi
LSO-Từ tháng 7 đến tháng 9/2013, trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn liên tục xảy ra các vụ vỡ nợ tín dụng đen với tổng số tiền thiệt hại lên tới hàng trăm tỷ đồng. Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến người dân tham gia chơi tín dụng đen, và bài học nào còn nóng hổi?.
LSO-Từ tháng 7 đến tháng 9/2013, trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn liên tục xảy ra các vụ vỡ nợ tín dụng đen với tổng số tiền thiệt hại lên tới hàng trăm tỷ đồng. Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến người dân tham gia chơi tín dụng đen, và bài học nào còn nóng hổi?.
Nhân viên công ty MISA hướng dẫn doanh nghiệp bảo mật tín dụng ngân hàng chống rửa tiền và đầu tư tín dụng đen |
Vào những năm 1990, vụ vỡ quỹ tín dụng của Phạm Thị Ba, tức Ba Xé làm người dân xứ Lạng chưa hết bàng hoàng thì đầu năm 2000 xảy ra vụ vỡ nợ mang tính lừa đảo của ông Nguyễn Văn Hùng – một cán bộ nhà nước, tiếp sau đó là vụ huy động trên 20 tỷ của một tài xế thuộc cơ quan công quyền chưa lắng thì đến vụ vỡ quỹ tín dụng đen của ông Nguyễn Văn Trung, Phạm Văn Vũ, Vũ Thị Bích Phượng vào tháng 7 – tháng 8/2013. Và còn nhiều vụ vỡ nợ lẻ tẻ ở chợ tiền diễn ra mà chỉ có chủ nợ và con nợ biết.
Mỗi vụ vỡ quỹ tín dụng đen đều có nguyên nhân khác nhau nhưng tựu chung lại là các ông, bà trùm lừa đảo đã đánh vào lòng tham, lòng tin của các chủ nợ, đến khi không thể chi trả được thì các quỹ tín dụng đen vỡ nợ. Khi đã vỡ quỹ, các chủ nợ không còn cơ hội để rút kinh nghiệm, có chủ nợ đành “ngậm bồ hòn làm ngọt” vì biết khai báo cũng khó mang lại kết quả. Bài học đầu tiên đề cập ở đây có lẽ là sự thiếu hiểu biết. Ông Phan Văn Thanh, Trưởng phòng Tín dụng Ngân hàng Liên Việt cho biết: huy động được lãi suất 20%/năm, có độ chục tỷ để vay đáo hạn đã là một điều lý tưởng, điều đó khó có thể xảy ra trong điều kiện phát triển kinh tế bình thường. Với mức lãi suất ấy không dễ đầu tư kinh doanh có lãi. Thứ nữa ở Lạng Sơn có rất nhiều dịch vụ tiền tệ, chuyển tiền, đáo hạn, kể cả đáo hạn nước ngoài. Nếu làm ăn chân chính qua các dịch vụ chuyển tiền biên mậu, đáo hạn lãi suất sẽ rất thấp. Thế nhưng ở đây nhiều đại lý cho vay lãi suất theo ngày (cắt tiền) mỗi ngày khoảng 7 đến 10 ngàn đồng/ 1 triệu. Nếu hiểu biết sẽ tự kết luận kinh doanh, dịch vụ gì với mức lãi suất cao đến thế? Vì vậy cũng chẳng có ai đi vay thật mà dám vay ở mức ấy trừ trường hợp họ đã có nguồn chi trả. Để đánh vào sự thiếu hiểu biết các vụ như Vũ Thị Bích Phượng, Phạm Văn Trung đã thả tiền cho trả lãi suất cao để huy động. Trả lãi suất cao để các chủ hàng tin tưởng và kết thúc bằng một cú lừa ngoạn mục.
Bài học thứ hai là các đối tượng đánh vào lòng tham của chủ nợ. Khi cho vay một món tiền, Nguyễn Văn Trung trả ngay lãi suất 10% tháng, nghĩa là chỉ cần bỏ 100 triệu sau 10 tháng đã bù lại được phần cho vay. Các chủ nợ thấy khoản lợi trước mắt mà quên đi thủ đoạn của các đối tượng. Nhiều người trong số họ còn huy động của anh em, bạn bè để gửi quỹ tín dụng đen. Trao đổi với chúng tôi ông Nguyễn Văn Hải (Hải Xồm) cho biết cũng vì tham mà ông đã mất hết cả gia tài. Ở giai đoạn trả lãi cao nhiều người còn vay mượn, bán đất, bán tài sản để cho vay nặng lãi mà không biết rằng họ được trả lãi bằng chính những đồng tiền của mình. Tại cơ quan điều tra Nguyễn Văn Trung cũng khai nhận thủ đoạn là đánh vào lòng tham của chủ nợ để vay tiền. Để vay được tiền các đối tượng lừa đảo thường đánh bóng thương hiệu của mình bằng cách dùng hàng hiệu, tặng quà đắt tiền cho các đại lý huy động tiền cho mình. Theo đối tượng Liên thì đến 30% trong số tiền huy động được dùng vào việc quà, biếu xén. Ngoài ra các đối tượng bám các ngân hàng để đáo hạn gây lòng tin với khách hàng. Chị Nguyễn Thị Liên, đường Bà Triệu, phải ngậm ngùi thừa nhận nếu không thấy vợ chồng nó (vợ chồng Trung Liên) ra vào ngân hàng như nhà mình thì chắc chị cũng không cho vay.
Với Vũ Thị Bích Phượng cách làm của Phượng là cắt chuyển tiền qua chợ tiền, mua tiền nước ngoài bán chịu lỗ với giá rẻ để gây lòng tin với người chuyển tiền trong nước cũng như nước ngoài. Gây được lòng tin thì cắt với số lượng lớn, của nhiều chủ và cuối cùng là tuyên bố vỡ nợ. Lợi dụng thiếu hiểu biết, đánh vào lòng tham, mua tiền bán lỗ để lừa đảo là các thủ đoạn mà các đối tượng ra tay với chủ nợ. Kết cục là hàng trăm chủ nợ bị mắc lừa, qua 3 vụ vỡ nợ lớn gần đây, đã có trên 40 chủ nợ bị lừa, làm đơn tố cao, tổng số tiền theo đơn lên tới trên 300 tỷ đồng. Và đây chưa phải là con số cuối cùng, cũng chưa phải vụ vỡ nợ cuối cùng nếu các chủ nợ còn tham gia tín dụng đen, tham lãi cao, tham tiền rẻ.
NHẬT ANH
Ý kiến ()