Vợ chồng trẻ đưa hương vị mác mật vươn xa
– Nhận thấy lá, quả của cây mác mật không chỉ tạo nên hương vị đặc trưng, hấp dẫn trong các món ăn và với mong muốn chế biến, đưa sản phẩm mác mật vươn xa đến mọi miền Tổ quốc, vợ chồng anh Dương Hữu Điện, xã Chiêu Vũ, huyện Bắc Sơn đã quyết định khởi nghiệp từ cây gia vị này. Từ quyết định đó, gia đình anh đã gây dựng thành công cơ sở sản xuất kinh doanh khô heo, khô gà mác mật đem lại thu nhập khoảng 500 triệu đồng/năm. Đây cũng là cơ sở duy nhất sản xuất các sản phẩm từ cây mác mật trên toàn tỉnh.
Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất anh hùng, giàu truyền thống cách mạng, anh Dương Hữu Điện (sinh năm 1988) và vợ là chị Dương Thị Sữa (sinh năm 1995) luôn trăn trở tìm hướng làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Nhận thấy tiềm năng về cây mác mật tại xã là rất lớn nên từ năm 2019, vợ chồng anh đã lên ý tưởng nghiên cứu về các sản phẩm từ quả mác mật.
Xã Chiêu Vũ hiện có 537 hộ thì hầu như mọi nhà đều có cây mác mật. Sản lượng quả mác mật hằng năm đạt trên 100 tấn (nhà nhiều nhất thu được gần 20 tấn, nhà ít khoảng 3 - 4 tấn) nhưng chưa có cơ sở nào chế biến quả, lá mác mật theo hướng hàng hóa.
Từ lá và quả mác mật, vợ chồng anh Điện đã nghiên cứu, chế biến ra các sản phẩm như: khô heo mác mật; khô gà mác mật; sốt gia vị ướp nướng mác mật… Đồng thời, gia đình anh đầu tư thêm máy móc, thiết bị hiện đại trong chế biến thực phẩm như: máy tách thịt công nghiệp, máy sấy nông sản, máy dập túi…
Để cho ra sản phẩm có chất lượng tốt, vợ chồng anh Điện luôn chọn nguồn thịt đảm bảo tươi, ngon và có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Sau khi lọc hết mỡ và sơ chế sạch, thịt được luộc chín cùng lá mác mật trước khi đem vào máy tách thịt để xé thành từng sợi nhỏ.
Sau khi được xé thành sợi nhỏ, thịt được tẩm ướp với nhiều loại gia vị nhưng chủ đạo vẫn là nước sốt từ lá và quả mác mật.
Tiếp đó, thịt được cho vào tủ sấy chuyên dụng và theo dõi nhiệt độ sát sao để đảm bảo sao cho thịt khô nhưng vẫn giữ nguyên hương vị.
Sau khi hoàn chỉnh khâu chế biến, sản phẩm tiếp tục được trộn cùng lá mác mật khô. Thành phẩm có mùi thơm đặc trưng của lá và quả mác mật, từng sợi thịt khô thấm đều gia vị rất hấp dẫn thực khách.
Cuối cùng, các sản phẩm được đóng gói hoặc đựng vào hộp nhựa để mang đi tiêu thụ.
Để đảm bảo nguồn nguyên liệu, vợ chồng anh Điện thu mua quả mác mật từ các hộ dân trên địa bàn với giá dao động từ 8.000 đến 15.000 đồng/kg. Mác mật không chỉ dùng tươi, chế biến ngay mà còn được sấy khô để sử dụng lâu dài, tránh ẩm mốc.
Đến nay, các sản phẩm từ mác mật của vợ chồng anh Điện không chỉ có mặt ở Lạng Sơn mà còn có mặt tại thị trường các tỉnh, thành như: Thái Nguyên, Hà Nội, Quảng Ninh, thành phố Hồ Chí Minh… Mỗi năm, gia đình anh Điện có thu nhập khoảng 500 triệu đồng sau khi trừ chi phí. Từ mô hình sản xuất này, gia đình anh tạo công ăn việc làm cho 5 lao động tại địa phương với thu nhập từ 5 – 6 triệu đồng/người/tháng.
Sau gần 5 năm lập nghiệp từ mô hình này, vợ chồng anh Điện đã thành công và đạt nhiều giải thưởng ấn tượng. Tiêu biểu như năm 2020, sản phẩm khô heo mác mật của gia đình anh đạt giải nhì tại Cuộc thi “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo”; năm 2021, dự án sản xuất sản phẩm khô heo mác mật đạt giải ba tại Cuộc thi “Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn” do Tỉnh đoàn tổ chức… Hiện sản phẩm khô heo mác mật đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ để được công nhận là sản phẩm OCOP của huyện Bắc Sơn.
Ý kiến ()