Võ Bình Định: Tôn vinh sức sống mãnh liệt gắn liền với văn hóa-lịch sử
Với những nét độc đáo, võ cổ truyền Bình Định đã được công nhận là di sản văn hóa quốc gia; đây là sự tôn vinh cho sức sống mãnh liệt gắn liền với văn hóa-lịch sử của một vùng đất địa linh nhân kiệt.
Nói đến võ thuật là nói đến tổng hòa sức mạnh và vẻ đẹp cơ thể, giữa trí lực và thần sắc, kết quả của sự lựa chọn, chọn lọc để duy trì tinh hoa nghề võ.
Võ cổ truyền Bình Định là sản phẩm tinh thần thể hiện bản sắc của cộng đồng, không ngừng được tái tạo và lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Với những nét độc đáo, võ cổ truyền Bình Định đã được công nhận là di sản văn hóa quốc gia. Đây là sự tôn vinh cho sức sống mãnh liệt gắn liền với văn hóa-lịch sử của một vùng đất địa linh nhân kiệt.
Bảo tồn những giá trị lâu đời
Trong hành trang văn hóa dân gian Bình Định, dấu ấn “miền đất võ” được thể hiện khá đậm nét, từ văn học đến lễ hội, từ âm nhạc đến vũ đạo được vận dụng khá nhuần nhuyễn trong loại hình nghệ thuật đặc sắc của Bình Định là Hát Bội. Những nguyên tắc mà vũ điệu Hát Bội phải tuân thủ thật ra rất gần với võ cổ truyền Bình Định.
Võ cổ truyền Bình Định còn được phản chiếu trong các hội hè, đình đám của người Bình Định xưa và nay. Đó là những lễ hội mang đầy tinh thần thượng võ như Lễ hội Tây Sơn, Lễ hội đổ giàn An Thái với những tuyệt chiêu võ thuật được bộc lộ đến đỉnh cao với những hình thức văn hóa có sức thu hút, tạo nên sự cộng hưởng mãnh liệt trong lòng người dự hội.
Dưới góc độ văn hóa, võ cổ truyền Bình Định không chỉ thuần túy là một nền võ thuật chân truyền của bản địa, mà nó còn được cách điệu sinh động, phản chiếu qua các loại hình văn hóa độc đáo được mô phỏng rõ nét trong đời sống văn hóa của cộng đồng, xã hội địa phương.
Võ cổ truyền Bình Định có nội dung phong phú, đa dạng, mang đậm sắc thái độc đáo, tạo nên những nét đặc trưng của vùng đất được mệnh danh là cái “nôi” của võ cổ truyền dân tộc Việt Nam.
Được hình thành từ các yếu tố địa lý, lịch sử, xã hội và sự giao lưu văn hóa cùng với sự hội nhập của các dòng võ đã hình thành nên dòng võ cổ truyền Bình Định, bao gồm các lĩnh vực: Võ lý, võ đạo, võ thuật, võ y, võ nhạc, võ phục… Chính những đặc trưng và nội dung cơ bản của võ cổ truyền Bình Định đã tạo nên sự khác biệt trong hệ thống nền võ học dân tộc..
Về phần các chiêu thức, đòn thế mang tính đặc trưng của võ cổ truyền Bình Định, có rất nhiều phương cách, miếng đánh, thế đánh độc đáo, nhưng rõ nét hơn hết, có lẽ phải đề cập đến các bộ pháp: Bộ “đội,” bộ “hốt,” bộ “liệng.” Đây là một số đòn thế cực kỳ nguy hiểm, có tính quyết định nhằm nhanh chóng triệt hạ hay quật ngã đối phương.
Đặc biệt, mỗi bài quyền, mỗi bài binh khí của võ cổ truyền Bình Định đều có lời thiệu cụ thể, có tên gọi từng bài võ tương ứng và phù hợp với từng động tác, từng thế võ. Trong đó, một số bài quyền, bài binh khí còn có cả hình vẽ minh họa từng cách đánh, cách di chuyển, có lý giải, phân tích sự lợi hại của từng động tác võ..
Trong 18 bài võ được Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam đưa vào hệ thống của chương trình huấn luyện và thi đấu của quốc gia, có rất nhiều bài xuất xứ từ võ Tây Sơn-Bình Định.
Phát huy, lan tỏa giá trị tốt đẹp
Theo Chủ tịch Liên đoàn võ cổ truyền Bình Định Bùi Trung Hiếu, từ năm 2006 đến nay, định kỳ 2 năm một lần, Liên hoan Quốc tế võ cổ truyền Việt Nam diễn ra tại Bình Định, hội tụ cả trăm đoàn võ trong nước và quốc tế giao lưu, học hỏi lẫn nhau… góp phần tôn vinh nét độc đáo võ cổ truyền Việt Nam.
Võ cổ truyền không chỉ xuất hiện trong hoạt động thi đấu thể thao, mà còn đóng góp cho những chương trình nghệ thuật, lễ hội, các kỳ Festival, các sự kiện chính trị-xã hội quan trọng của tỉnh.
Với những đóng góp quan trọng, ngày 27/12/2012 Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch ban hành Quyết định số 5079/QĐ-BVHTTDL công nhận võ cổ truyền Bình Định là “Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.” Đồng thời, ngày 13/11/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2054/QĐ-TTg về việc phê duyệt “Quy hoạch tổng thể phát triển văn hóa, gia đình, thể dục thể thao và du lịch vùng Kinh tế trọng điểm Miền trung đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”, trong đó có võ cổ truyền Bình Định..
Ngày 6/12/2012, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định đã có Quyết định số 671/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án “Bảo tồn và phát triển một số lò võ cổ truyền Bình Định để phục vụ du lịch đến năm 2015.” Sau quá trình triển khai thực hiện Đề án, một số lò võ, võ đường được đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, tiêu biểu như võ đường Phan Thọ, lò võ Hồ Sừng, Câu lạc bộ võ Chùa Long Phước, lò võ Phi Long Vịnh….
Tuy nhiên, theo Liên đoàn võ cổ truyền Bình Định, võ cổ truyền Bình Định – một di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đang đứng trước những khó khăn, thách thức trong quá trình bảo tồn và phát triển.
Hiện nay, công tác bảo tồn và phát huy võ cổ truyền Bình Định chưa được quan tâm đầu tư đúng mức, đặc biệt là những giá trị mang tính biểu trưng của một dòng võ đất Bình Định. Các bài thiệu võ, hoạt động đấu võ đài, những kỹ pháp võ thuật thuộc các giá trị truyền thống đặc sắc đại diện cho một môn phái, dòng võ cổ truyền chưa được nghiên cứu, biên soạn, khôi phục và có nguy cơ bị mai một, thất truyền.
Hoạt động truyền bá, giảng dạy võ cổ truyền Bình Định tại các lò võ, câu lạc bộ võ thuật trong tỉnh còn hạn chế, mang tính tự phát, không ổn định. Hệ thống cơ sở vật chất tại các võ đường, lò võ phục vụ tập luyện chưa được đảm bảo chất lượng; trang bị, dụng cụ vừa thiếu vừa không đúng tiêu chuẩn nên ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng dạy và học võ.
Để khắc phục những khó khăn, hạn chế, phát huy hơn nữa giá trị cốt lõi của võ cổ truyền Bình Định, trong thời gian tới, ngành chức năng tỉnh Bình Định tiếp tục xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách bảo tồn và phát huy võ cổ truyền Bình Định. Đồng thời, tỉnh củng cố, kiện toàn tổ chức, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác công tác quản lý, công tác bảo tồn và thể thao đối với võ cổ truyền..
Bên cạnh đó, tỉnh tăng cường công tác tuyển chọn, huấn luyện tài năng võ thuật nhằm đảm bảo nguồn nhân lực kế cận trong việc tiếp nhận, bảo tồn và phát huy võ cổ truyền; mở rộng, phát triển các giải đấu võ cổ truyền cấp khu vực, quốc gia và tham gia các giải đấu quốc tế, góp phần nâng cao hoạt động quảng bá, giới thiệu võ cổ truyền Bình Định đối với bạn bè trong nước và quốc tế.
Song song với đó, Bình Định tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ trong bảo tồn và phát huy võ cổ truyền, tiếp tục đầu tư nâng cấp, tạo điều kiện cho các lò võ, dòng võ cổ truyền trên địa bàn tỉnh hoạt động hiệu quả, đóng góp tích cực trong công tác bảo tồn và phát huy võ cổ truyền. .
Ngành chức năng tiếp tục phát triển mạnh mẽ phong trào tập luyện võ cổ truyền sâu rộng trong nhân dân và xã hội hóa hoạt động đào tạo tài năng võ thuật nhằm đảm bảo công tác bảo tồn võ cổ truyền trong nhân dân, chú trọng hơn nữa công tác vinh danh, khen thưởng các võ sư, võ nhân đã có nhiều đóng góp trong sự nghiệp bảo tồn và phát huy võ cổ truyền Bình Định..
Mới đây, Văn phòng Chính phủ có văn bản thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đồng ý Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan xây dựng Hồ sơ 2 di sản văn hóa phi vật thể: Võ cổ truyền Bình Định và Nghệ thuật Chèo đồng bằng sông Hồng, trình Thủ tướng Chính phủ cho phép đệ trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới.
Đây là tín hiệu hết sức đáng mừng cho võ cổ truyền Bình Định, đó không chỉ là niềm tự hào, tạo đà đưa di sản quốc gia lên tầm quốc tế, mà còn nâng cao ý thức trách nhiệm của cộng đồng trong việc giữ gìn, bảo tồn các giá trị văn hóa dân tộc./.
Ý kiến ()