Vịt quay mác mật – vị ngon khó cưỡng
LSO-Không phải tự nhiên Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác lập vịt quay mác mật lọt TOP 100 món ăn đặc sản Việt Nam. Để có được món vịt quay thơm hương mác mật, ngon ngậy đậm đà người chế biến phải tỷ mẩn từ khâu chọn vịt, tẩm ướp gia vị đến khâu quay vịt. Chính vì vậy, mỗi khi đến thăm Xứ Lạng, vịt quay hay phở vịt quay luôn được nhiều người lụa chọn thưởng thức.
HOÀNG VƯƠNG – ĐĂNG THÙY
Để có được món vịt quay thơm ngon, nguyên liệu vịt ban đầu phải là giống vịt bầu được nuôi tại vùng có nhiều hồ, sông rộng, chăn thả tự nhiên.
Sau khi sơ chế, nhiều loại gia vị như: lá mác mật, quả mác mật, xì dầu, tiêu đen, đậu dị, gừng, hành khô, chanh muối, xả, tương tàu, đậu phụ nhĩ… được xào chín thành một loại nước sốt dạng sệt được nhồi vào bên trong con vịt.
Bơm hơi cho vịt là công đoạn quan trọng trong quá trình chế biến món ăn giúp da vịt vàng đều, căng bóng, hấp dẫn. Sau đó, đầu bếp tẩm một hỗn hợp gồm mật ong, mạch nha, dấm, tỏi… lên da vịt rồi cho vào lò nướng hoặc quay.
Vịt chín da căng bóng, tỏa mùi thơm ngậy của thịt vịt và mác mật.
Khi chặt vịt, người ta khéo léo chắt lấy phần nước trong con vịt để tạo thành loại nước chấm đặc biệt vừa có vị ngọt tiết ra từ con vịt trong quá trình quay vừa có mùi thơm từ các loại gia vị.
Miếng vịt quay thơm hương mác mật, ngọt ngậy từ gia vị, từng lớp da, mỡ, thịt óng ả nhìn thôi đã thấy hấp dẫn.
Vịt quay còn là nguyên liệu để chế biến món phở vịt quay. Bao giờ người bán cũng thêm chút nước sốt chắt ra từ trong con vịt khiến bát phở thêm dậy mùi, đậm vị.
Trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn hiện đang có nhiều hoạt động phát triển đặc sản vịt quay như xây dựng nhãn hiệu tập thể đối với vịt Thất Khê (Tràng Định), vịt quay Lạng Sơn. Cùng đó, nhiều cơ sở chế biến đã chủ động đăng ký và thực hiện các tiêu chí đạt chuẩn OCOP. Trong đó, thương hiệu Vịt quay Hồng Xiêm đã đạt sản phẩm OCOP 4 sao.
Ý kiến ()