LSO-Là một xã vùng III đặc biệt khó khăn cách trung tâm huyện Bình Gia 56km, Vĩnh Yên có tổng diện tích tự nhiên trên 5.000ha, trong đó chỉ có chưa đầy 30ha trồng lúa nước. Cả xã có 220 hộ, 1.060 khẩu, trong đó người dân tộc Dao chiếm đến trên 90%, còn lại là dân tộc Tày, Nùng, sinh sống tại 5 thôn bản; thôn xa nhất là thôn Khuổi Màn, cách trung tâm xã hàng chục km, giáp với xã Kim Lư, huyện Na Rì, tỉnh Bắc Cạn.Đồng chí Triệu Phúc Tài, Bí thư Đảng ủy xã cho biết: Do đặc điểm địa lý, giao thông đi lại khó khăn, diện tích đất canh tác cây lương thực ít, chủ yếu là ruộng khe dọc, hệ thống thuỷ lợi chưa được kiên cố hóa, nên năng suất, sản lượng cây trồng chủ yếu phụ thuộc vào thiên nhiên. Vì vậy, tỉ lệ hộ nghèo còn rất cao, chiếm đến 87,7%, trong đó vẫn có hộ nghèo đói triền miên. Riêng năm 2009, do điều kiện thời tiết, mưa lũ xảy ra nhiều, hầu hết các ruộng khe dọc bị mất trắng nên trong dịp tết năm 2010...
LSO-Là một xã vùng III đặc biệt khó khăn cách trung tâm huyện Bình Gia 56km, Vĩnh Yên có tổng diện tích tự nhiên trên 5.000ha, trong đó chỉ có chưa đầy 30ha trồng lúa nước. Cả xã có 220 hộ, 1.060 khẩu, trong đó người dân tộc Dao chiếm đến trên 90%, còn lại là dân tộc Tày, Nùng, sinh sống tại 5 thôn bản; thôn xa nhất là thôn Khuổi Màn, cách trung tâm xã hàng chục km, giáp với xã Kim Lư, huyện Na Rì, tỉnh Bắc Cạn.
Đồng chí Triệu Phúc Tài, Bí thư Đảng ủy xã cho biết: Do đặc điểm địa lý, giao thông đi lại khó khăn, diện tích đất canh tác cây lương thực ít, chủ yếu là ruộng khe dọc, hệ thống thuỷ lợi chưa được kiên cố hóa, nên năng suất, sản lượng cây trồng chủ yếu phụ thuộc vào thiên nhiên. Vì vậy, tỉ lệ hộ nghèo còn rất cao, chiếm đến 87,7%, trong đó vẫn có hộ nghèo đói triền miên. Riêng năm 2009, do điều kiện thời tiết, mưa lũ xảy ra nhiều, hầu hết các ruộng khe dọc bị mất trắng nên trong dịp tết năm 2010 có đến 96 hộ với 477 nhân khẩu cần cứu đói giáp hạt. Trước thực tế như vậy, hàng năm, cấp ủy, chính quyền xã đặc biệt chú trọng đến công tác tuyên truyền vận động và tạo mọi điều kiện giúp đỡ bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để góp phần xóa đói, giảm nghèo.
|
Nhờ chăn nuôi dê, nhiều gia đình ở Mai Pha TPLS đã thoát nghèo |
Theo đồng chí bí thư đảng ủy xã, do diện tích đất trồng lúa quá ít, vì vậy, để phát triển kinh tế nông nghiệp, cấp ủy, chính quyền xã đã ký hợp đồng với một khuyến nông viên và hình thành đội ngũ cộng tác viên khuyến nông tại các thôn bản. Thời gian qua, khuyến nông viên và các cộng tác viên, những người có hiểu biết cơ bản về nông nghiệp đã chủ động hướng dẫn bà con đưa các loại giống lúa mới, có năng suất cao vào gieo trồng. Đối với các chân ruộng một vụ, đưa cây ngô lai, thạch đen và các loại cây công nghiệp khác như: đỗ tương, đỗ xanh và các loại rau màu khác vào sản xuất. Bên cạnh đó, đội ngũ này cũng thường xuyên đi thực tế, hướng dẫn bà con cách chăm bón đồng ruộng, phát hiện, phòng trừ sâu bệnh hại cây trồng hiệu quả. Đơn cử như trong năm 2010, trong xã rải rác xuất hiện hiện tượng sâu cuốn lá, sâu đục thân và rầy râu, khuyến nông viên xã đã mua thuốc trừ sâu các loại về cung ứng và hướng dẫn bà con sử dụng thuốc đúng quy cách, liều lượng nên đã kịp thời khống chế được dịch bệnh, đảm bảo năng suất, sản lượng cây trồng. Xã cũng phối hợp với Trạm khuyến nông huyện mở được một lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về chăn nuôi và trồng trọt cho 45 đối tượng; tổ chức hội nghị đầu bờ thử nghiệm giống lúa lai B404, Xi23 tại thôn Vằng Ún đạt kết quả cao. Bên cạnh công tác khuyến nông, xã cũng đặc biệt chú trọng đến công tác thủy lợi. Mặc dù chưa có kênh mương được kiên cố hóa, nhưng hàng năm xã vẫn tổ chức ra quân đầu xuân làm thủy lợi, nạo vét các kênh mương dẫn nước và duy trì công tác này thường xuyên. Năm 2010 và quý I năm 2011, xã đã tổ chức nạo vét được gần 500m mương với hơn 65m3 bùn đất, huy động được khoảng 150 công lao động. Ngoài ra, với 20 tấn xi măng được nhà nước hỗ trợ, bà con đã đóng góp cát, sỏi, công lao động làm được 4 công trình thủy lợi nhỏ, góp phần chủ động nước tưới tiêu cho ¼ diện tích gieo trồng. Do có sự nỗ lực cố gắng của cấp ủy, chính quyền và bà con trong xã, năm 2010, tổng diện tích gieo trồng cây nông nghiệp đã đạt 141ha, vượt 30% so với kế hoạch, trong đó diện tích trồng lúa đạt 60ha, vượt 36% so với kế hoạch, năng suất bình quân đạt 38 tạ/ha, sản lượng đạt 228 tấn, tăng 0,7% so với cùng kỳ; diện tích trồng ngô đạt 15,5ha, năng suất đạt 34,5tạ/ha, sản lượng đạt 534,7 tấn, tăng 0,3% so với cùng kỳ; diện tích trồng sắn là 16ha, sản lượng đạt 110 tấn, tăng 0,5% so với cùng kỳ, thạch đen trồng được 30ha, sản lượng đạt 48 tấn; các loại cây rau màu trồng được 10ha và các loại cây công nghiệp khác đạt 9,8ha.
Riêng trong năm 2011, theo kế hoạch, cả xã phấn đấu gieo trồng các loại cây lương thực, rau màu tối đa diện tích là 141ha, bằng 100% so với năm 2010. Đối với các loại cây lương thực chủ đạo như lúa xuân, lúa mùa, ngô, diện tích gieo trồng cả năm đạt 75ha, phấn đấu tổng sản lượng lương thực trong năm đạt trên 200 tấn, tổng thu nhập bình quân của mỗi người dân đạt 3,5 triệu đồng/người/năm; tỉ lệ hộ nghèo giảm bền vững từ 3- 5% mỗi năm.
Hoàng Huy
Ý kiến ()