Vinh quang đến từ đam mê
LSO- Trở về từ cuộc thi sáng tạo khoa học công nghệ trẻ (IEYI) diễn ra tại KualaLumpur (Malaysia), bước xuống phi trường Nội Bài trong sự chào đón của mọi người, chàng trai dân tộc Nùng, cậu học trò nơi phố huyện Văn Quan không khỏi xúc động, niềm vui chiến thắng, niềm tự hào dân tộc dâng lên, thấy hai tiếng Tổ quốc thiêng liêng và thân yêu biết mấy.
* Những chiếc máy hỏng và đam mê sáng tạo
Hoàng Duy Khánh sinh năm 1995 tại thị trấn Văn Quan trong một gia đình có hai chị em, bố là bộ đội đã phục viên, mẹ ở nhà nội trợ. Hai chị em là những người con ngoan, thấu hiểu hoàn cảnh gia đình nên thường bảo ban nhau học thật tốt để không phụ lòng cha mẹ. Những năm còn là học sinh cấp 2, cậu trò nhỏ Duy Khánh đã bị những vật dụng cũ, hỏng cuốn hút. Từ chiếc đèn pin, mỏ hàn, cho đến những vật dụng lớn hơn như ti vi, đài, quạt… Khi gặp ở bất cứ đâu Khánh cũng cố xin, hoặc nhặt đem về hì hụi tháo lắp, xem xét “nghiên cứu” mỗi khi cậu có thời gian rảnh rỗi. Bố mẹ thấy con mình chơi những trò chơi khác với các bạn cùng trang lứa cũng lo về việc học của em, xong thấy kết quả học tập ở trường của Khánh không bị ảnh hưởng gì từ việc tập làm “kỹ sư” nên cũng chiều lòng con.
Lên cấp 3 học Trường THPT Lương Văn Tri, đam mê về máy móc của cậu học trò phố huyện dường như lớn hơn, các thiết bị về cơ khí được cậu quan tâm nhiều, từ đây những sáng kiến đầu tay ra đời không chỉ dành cho học tập mà còn mang tính ứng dụng trong cuộc sống. Với những kiến thức học được trong sách vở cùng với tính ham học hỏi, từ những chiếc kính lúp, ống nhựa PC cũ Khánh đã mày mò lắp thành công “Ống nhòm kỳ diệu” tham dự cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng cấp tỉnh do Sở Khoa học Công nghệ tổ chức đạt giải nhì (không có giải nhất). Năm học lớp 11, cũng tại cuộc thi Sáng tạo trẻ cấp tỉnh, chiếc máy phục vụ nông nghiệp có tên: Máy gieo hạt mini chạy bằng động cơ đốt trong (tận dụng chiếc máy phát điện cũ của gia đình) đã thuyết phục hoàn toàn ban giám khảo của cuộc thi về sự sáng tạo và khả năng ứng dụng của máy, công trình đã đạt giải nhất. Được sự động viên của các thầy cô giáo trong nhà trường, Duy Khánh không chỉ bằng lòng với những thành quả đã đạt được, em muốn làm một thứ gì đó mang tầm công nghệ cao hơn và ý tưởng cho người máy LVT2 ra đời.
Tiếp tục ôn thi tốt nghiệp tại trường ngay sau khi về nước
* Về thủ đô và hành trình “đi tìm” người máy.
Khi ý tưởng về người máy được thai nghén, Khánh tâm sự với các thầy đã từng rất quan tâm và ủng hộ Khánh trong những cuộc thi trước, tuy nhiên lần này kinh phí cho việc chế tạo là không nhỏ, vì đã có quyết tâm cùng với những trải nghiệm từ những lần thi trước nên ý tưởng của Khánh được chấp nhận.
Nói về Hoàng Duy Khánh và hành trình sáng tạo ra LVT2, thầy Phùng Văn Thời, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Khánh là cậu học trò thông minh, tư duy sáng tạo, quyết đoán trong công việc. Khi nghe Khánh trình bày về ý tưởng làm người máy LVT2 tôi cũng rất băn khoăn về kinh phí. Song nhìn ánh mắt và lòng đam mê sáng tạo của em, tôi rất tin tưởng. Nếu thành công, nó là sự đánh giá về kiến thức và khả năng của em đang lớn dần lên, còn thất bại là sự trải nghiệm cho Khánh. Đầu năm học 2012, ý tưởng về người máy LVT2 được khởi dựng, kinh phí do nhà trường đi xin từ các nhà tài trợ, các doanh nghiệp trên địa bàn huyện…
Khi được hỏi về quá trình chế tạo LVT2, Khánh nói: Tất cả các chi tiết về người máy được em tính toán, đo đạc sau đó đi mua vật liệu và thuê xưởng cơ khí hàn, nối các chi tiết bộ phận vỏ thân, tay và hệ thống điều hướng di chuyển của người máy. Tay của người máy mô phỏng theo hoạt động của con người, đòi hỏi những chi tiết phức tạp và tính toán kỹ càng, Khánh tham khảo ý kiến các thầy cô về linh kiện phục vụ cho các hoạt động mô phỏng của người máy. Chợ trời ở Hà Nội là sự lựa chọn đầu tiên cho hành trình đi tìm các thiết bị phục vụ chế tạo. Lần thứ nhất được thầy hiệu trưởng và hiệu phó đưa xuống do không biết địa điểm nên thầy và trò phải cuốc bộ hơn 10 cây số mới mua được mô tơ, và các linh kiện cần thiết khác. Khi đem về lắp thử và vận hành, người máy đã không hoạt động được do các thiết bị không tốt và quá yếu không đủ công suất đáp ứng cho vận hành người máy. Lần thứ hai cũng không khác lần thứ nhất là mấy, khá thất vọng và nản chí, nhưng bên cạnh em, các thầy cô và gia đình vẫn luôn động viên, tin tưởng nhất định người máy LVT2 sẽ hoạt động. Rút kinh nghiệm từ hai lần trước, lần thứ 3 quay trở lại thủ đô, Khánh lựa chọn các linh kiện thật kỹ, xem xét các thông số kỹ thuật cẩn thận. Như mong đợi của em và mọi người, trước ngày tổng kết năm học 2011-2012, người máy LVT2 đã hoàn tất và vận hành biểu diễn các thao tác xoay, nắm tay, nâng đỡ vật nặng trên 7 kg, mô tơ gắn sau lưng người máy có thể tự nâng đỡ người máy với trọng lượng trên 40 kg lên xuống độ cao vài chục mét một cách an toàn trong sự vui mừng và ngỡ ngàng của mọi người. Tháng 7 năm 2012, người máy cứu hộ LVT2 đã đạt giải thứ hạng cao trong cuộc thi toàn quốc và có mặt trong top 15 để lựa chọn ra 9 sản phẩm tham dự cuộc thi sáng tạo khoa học công nghệ trẻ (IEYI).
Hoàng Duy Khánh đạt huy chương vàng với công trình người máy LVT2
* Đam mê của cậu học trò nơi phố huyện đến đài vinh quang mang tầm quốc tế.
Từ ngày 9-11/5/2013 Cuộc thi – Triển lãm quốc tế sáng tạo khoa học công nghệ trẻ (IEYI) lần thứ 9 diễn ra tại thủ đô KualaLumpur (Malaysia) với sự tham dự của 13 quốc gia trong đó có những quốc gia hùng mạnh về tiến bộ khoa học kỹ thuật như Nhật Bản, Trung Quốc… Song kết quả đã diễn ra ngoài dự đoán, 9 công trình tham gia của đoàn Việt Nam có 7 giải vàng, 2 giải bạc, xếp thứ 2 toàn đoàn. Trong đó công trình người máy cứu hộ LVT2 của nhà sáng tạo trẻ Hoàng Duy Khánh đạt huy chương vàng, tên được nhấn trên đài vinh quang. Trong suy nghĩ của Khánh hiện lên hình ảnh quê nhà, gia đình và thầy cô – những người đã ở bên em, động viên giúp đỡ dõi theo em trong suốt quá trình tạo nên LVT2, Khánh như nghẹn lại, mắt cay cay…
* Ước mơ về tương lai
Còn rất nhiều câu chuyện Khánh muốn kể với tôi về chuyến đi đầu tiên sang nước ngoài và những điều về LVT2. Song thời gian Khánh không có nhiều. Ngay sau khi từ Malaysia về đến Văn Quan lúc 3 giờ sáng, hôm sau em lại lên lớp ôn thi tốt nghiệp như bao bạn học sinh khác. Được biết em là đoàn viên ưu tú, học sinh giỏi của nhà trường, và trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh vừa qua em đạt giải 3. Khi nói về tương lai, Khánh nói em đã làm hồ sơ thi vào 2 trường đại học (Bách khoa và Đại học Công nghiệp).
Chúng tôi chia tay Khánh trời đã ngả về chiều, con đường từ trường đến quốc lộ ngang qua khuôn viên tượng đài Lương văn Tri những ánh nắng cuối của buổi chiều hè sót lại vượt qua những dãy núi ngả bóng chàm như dát vàng lên thân tượng. Tôi thầm chúc cho Khánh hoàn thành mơ ước của mình.
Ý kiến ()