Vĩnh Phúc tập trung phát huy lợi thế phát triển du lịch giai đoạn 2020-2025
Trong nhiệm kỳ 2020 – 2025, Vĩnh Phúc đề ra mục tiêu tiếp tục khai thác tốt tiềm năng, lợi thế du lịch của địa phương; phát triển du lịch gắn với bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá dân tộc.
Khách du lịch chụp ảnh lưu niệm tại thị trấn Tam Đảo, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. |
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ XVI nhiệm kỳ 2015 – 2020 trên lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch, địa phương đã đạt được nhiều kết quả nổi bật.
Trong đó có thể kể đến, Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được triển khai lồng ghép với thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới có những bước tiến mới. Chất lượng xây dựng gia đình văn hoá, làng văn hoá, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa ngày càng được chú trọng nâng cao về chất lượng. Việc thực hiện nếp sống văn minh được các cấp, các ngành và người dân hưởng ứng, góp phần nâng cao đời sống văn hoá tinh thần cho nhân dân.
Trên lĩnh vực thể thao thể hiện được nhiều thách tích nổi bật. Hiện nay, Vĩnh Phúc đang duy trì đào tạo tập luyện 15 môn thể thao với 305 vận động viên, trong đó 127 vận động viên đạt đẳng cấp quốc gia. Một số môn khẳng định được thương hiệu và đứng trong top đầu quốc gia như: Đua thuyền Canoing (số 1 Quốc gia), Vật dân tộc, Bắn súng, Bắn cung, Pencak Silat, Wushu. Hàng năm, Vĩnh Phúc giành từ 40-50 huy chương tại các giải đấu Quốc gia và Quốc tế, có 40-50 vận động viên được phong đẳng cấp Kiện tướng và Vận động viên cấp I. Trung bình, hàng năm cung cấp 20-30 vận động viên cho các đội tuyển Quốc gia.
Đặc biệt, tiềm năng du lịch của địa phương luôn được Vĩnh Phúc chú trọng khai thác hiệu quả. Du lịch của tỉnh từng bước xây dựng được thương hiệu và trở thành một trong những trung tâm du lịch của vùng và cả nước. Năm 2016, du lịch Vĩnh Phúc đón 3,8 triệu lượt khách, trong đó có 27 nghìn lượt khách quốc tế. Dự kiến hết năm 2019, du lịch Vĩnh Phúc đón khoảng 6 triệu lượt khách, tăng 1,6 lần so với năm 2016, trong đó có 40.500 lượt khách quốc tế.
Ba năm trở lại đây, lượng du khách đến tham quan và du lịch tại Vĩnh Phúc luôn giữ tốc độ tăng trưởng bình quân trên 15%, đem lại hiệu quả đáng kể, tăng nguồn thu cho ngân sách và góp phần nâng cao mức sống cho người dân địa phương. Trong đó, năm 2018, doanh thu du lịch đạt 1.620 tỷ đồng, tăng 10,33% so với năm 2017, dự kiến năm 2019 doanh thu ước đạt 1.850 tỷ đồng, đạt 5,8% tổng thu trên địa bàn tỉnh, vượt 1,8% so với mục tiêu Nghị quyết đề ra.
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vĩnh Phúc, dự báo đến năm 2025, kinh tế địa phương tiếp tục phát triển, đời sống nhân dân tiếp tục được nâng cao. Nhu cầu hưởng thụ về văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, du lịch, nghỉ dưỡng… của người dân nâng lên. Vì vậy, hạ tầng khung đô thị Vĩnh Phúc đòi hỏi phải có sự phát triển đồng bộ về các thiết chế văn hóa, thể thao, đáp ứng tốt nhu cầu của người dân đô thị.
Nhiệm kỳ 2020-2025, Vĩnh Phúc hướng tới nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” gắn với chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Trong đó, hình thành các mô hình nông thôn mới kiểu mẫu; nhân rộng các mô hình mới trong xây dựng đời sống văn hóa. Hình thành cơ chế tự quản trong cộng đồng, phát huy vai trò chủ động, sáng tạo, coi văn hóa là sự nghiệp của toàn dân. Trên cơ sở đó, đề xuất các cơ chế, chính sách đầu tư, hỗ trợ nhằm phát huy hiệu quả hoạt động tại các thiết chế văn hóa – thể thao ở cơ sở. Tăng cường các nguồn lực đầu tư, huy động nguồn vốn xã hội hóa cho phát triển phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao.
Nhiệm vụ nâng cao chất lượng thể dục, thể thao là công tác song hành. Các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất, dành kinh phí và quỹ đất cho công tác phát triển thể dục, thể thao. Các địa phương triển khai hoạt động thể dục, thể thao đều khắp giữa các vùng thành thị, nông thôn, miền núi; chú trọng ưu tiên đầu tư các nguồn lực phát triển thể dục, thể thao ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Đặc biệt, trên lĩnh vực du lịch, địa phương tập trung mọi nguồn lực để khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của du lịch của địa phương. Tập trung quy hoạch và đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch về giao thông, hệ thống cấp điện, nước, môi trường,… gắn với việc xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị. Ưu tiên thu hút một cách có chọn lọc các dự án đầu tư du lịch cao cấp và các sản phẩm, dịch vụ đa dạng, đồng bộ, có sức hấp dẫn và tính cạnh tranh cao để tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế phát triển mạnh các loại hình du lịch. Qua đó, tạo bước đột phá mới, căn bản và có tính chiến lược trong phát triển du lịch.
Bên cạnh đó, phát triển du lịch bền vững trên cơ sở bảo vệ môi trường sinh thái, hài hòa với cảnh quan thiên nhiên; gắn khai thác với bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới, đảm bảo quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội./.
Theo Dangcongsan
Ý kiến ()